Sáng 7-12, HĐND TP HCM và Đài Truyền hình TP đã phối hợp tổ chức chương trình “Lắng nghe và Trao đổi” tháng 12-2014 với chủ đề “Nhìn lại công tác quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm tại TP”.
Theo ông Tất Thành Cang, mặc dù TP đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để kiểm tra, giám sát chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng đây vẫn là mối lo của người dân. Vấn đề quản lý kinh doanh hóa chất cũng đang gây nhức nhối trong dư luận, nhất là những hộ kinh doanh xung quanh chợ Kim Biên, quận 5. “Đó là những kho chứa hàng không đúng chất lượng và chưa bảo đảm về công tác quản lý. Trách nhiệm quản lý ngành thuộc Sở Công Thương, còn địa bàn thuộc quận 5. UBND TP đã chỉ đạo rõ, đối với hóa chất phục vụ sản xuất công nghiệp, Sở Công Thương phải phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường để xác định vị trí xây dựng một chợ hóa chất công nghiệp, còn hóa chất phụ gia thực phẩm thì dời vào trung tâm đã có sẵn” - ông Cang nhấn mạnh.
Ông Cang cũng nhìn nhận mua bán hóa chất để phục vụ đời sống hằng ngày là nhu cầu không thể thiếu, vấn đề là phải tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước để đem lại chất lượng và an toàn cho người dân. UBND TP sẽ xử lý trách nhiệm đối với các sở, ngành và quận, huyện liên quan không chấp hành nghiêm. Phó Chủ tịch UBND quận 5, ông Phạm Quốc Huy, cho biết trên địa bàn quận có 46 đơn vị kinh doanh hóa chất phụ gia thực phẩm, trong đó có 17 hộ kinh doanh ở chợ Kim Biên. UBND quận 5 đã yêu cầu các cửa hàng kinh doanh khi sang chiết sản phẩm bán cho người tiêu dùng phải có nhãn phụ ghi các thông tin liên quan về hạn sử dụng, liều lượng sử dụng, công dụng. “Cần thiết có quy hoạch về kinh doanh hóa chất nói chung và phụ gia thực phẩm nói riêng. Bước đầu có thể gây xáo trộn trong tiểu thương nhưng sau này điều kiện kinh doanh sẽ tốt hơn, quản lý cũng tốt hơn” - ông Huy nói.
Tại chương trình, nhiều cử tri bày tỏ băn khoăn không biết ăn gì, uống gì, mua hàng ở đâu để được an toàn vì ngay cả siêu thị lớn cũng xảy ra nhiều vụ mất an toàn thực phẩm, đồng thời mong muốn cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra những cơ sở không bảo đảm chất lượng, nhất là khi Tết Nguyên đán đang đến gần. Đồng cảm với bức xúc và lo lắng của người dân, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Huỳnh Lê Thái Hòa cho biết bằng cảm quan, kinh nghiệm thì cán bộ kiểm tra lẫn người tiêu dùng khó phát hiện thực phẩm kém chất lượng, chỉ khi lấy mẫu xét nghiệm mới biết chính xác. Trong năm 2014, TP đã lấy hơn 19.000 mẫu thực phẩm để giám sát, tăng 10% so với năm 2013, trong đó hơn 13% mẫu không đạt. Riêng phụ gia thực phẩm, TP kiểm tra 150/164 cơ sở thì có 19 đơn vị không bảo đảm; 93 loại thực phẩm sử dụng phụ gia thì 13 mẫu vi phạm vì có phoóc-môn, hàn the. Theo Chi cục phó Chi cục QLTT TP Nguyễn Trung Bính, trong 11 tháng năm 2014, cơ quan này đã kiểm tra 7.000 vụ an toàn vệ sinh thực phẩm, tiêu hủy trên 700 tấn hàng hóa. “TP sẽ thành lập đội xử lý nhanh và phạt mạnh tay đối với những đơn vị vi phạm” - ông Tất Thành Cang cho biết.
Bình luận (0)