Lấy chiếc áo mặc cho nông thôn để khoác lên mình đô thị, như TP HCM, tỏ ra không phù hợp nữa.
Lâu nay, trong nhiều văn kiện của Đảng, chương trình hành động của Chính phủ có đề cập chủ trương phân cấp giữa trung ương và địa phương. Phân cấp, ủy quyền mạnh cho đô thị là xu thế chung của thế giới ngày nay. Nhiều quốc gia còn có định chế tự quản đô thị, đây là một xu thế phù hợp với quá trình phát triển, tạo ra sự tự chủ năng động của đô thị trong việc bảo đảm cung cấp dịch vụ công cho cộng đồng dân cư đô thị một cách tốt nhất, đồng thời phát huy hết tiềm năng của đô thị, đóng góp chung cho sự phát triển của đất nước.
Những năm gần đây, Chính phủ đã đề ra những giải pháp tích cực, cụ thể trong việc tăng cường phân cấp nhiều hơn, rõ hơn các nhiệm vụ, thẩm quyền từ Chính phủ, các bộ - ngành cho chính quyền địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương (tỉnh, huyện, xã) trên các lĩnh vực. Tuy vậy, những giải pháp đổi mới, tăng cường phân cấp chưa giải quyết được một cách cơ bản, có hệ thống. Việc phân cấp trung ương - địa phương nói chung và TP HCM nói riêng còn nặng về tình thế để khắc phục những vấn đề cấp thời của các địa phương thuộc TP; chưa có cơ sở pháp lý thống nhất, hợp lý và đồng bộ. Chính quyền địa phương các cấp và TP chưa có đủ thẩm quyền cùng các điều kiện cần thiết để chủ động, năng động trong việc thực hiện các nhiệm vụ mà địa phương, TP có khả năng làm được. Các bộ - ngành còn trực tiếp giải quyết nhiều công việc cụ thể, sự vụ, chưa tập trung vào chức năng quản lý nhà nước vĩ mô như xây dựng các quy chuẩn, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra… Nói chung là còn nặng về xin - cho. Việc phân cấp cũng chưa định rõ những loại việc địa phương toàn quyền quyết định, những việc trước khi địa phương quyết định phải có ý kiến của trung ương và những việc phải thực hiện theo quyết định của trung ương. Phân cấp nhưng lại “bán cái” cho địa phương, thiếu tăng cường giúp đỡ, uốn nắn, giám sát để kịp thời điều chỉnh, khắc phục những sai phạm đáng tiếc trong quá trình điều hành của địa phương.
Rõ ràng là cào bằng giữa quản lý đô thị và nông thôn là không phù hợp với khoa học về tổ chức quản lý. Chính phủ đã từng ban hành Nghị định 93/2001/NĐ-CP phân cấp một số lĩnh vực quản lý cho TP HCM. Tuy nhiên, sự phân cấp như vậy chưa đủ tầm, chưa phát huy hết nguồn lực của TP lớn và qua 15 năm, nhiều nội dung phân cấp đã lạc hậu, thậm chí trở thành rào cản.
TP HCM đã có nhiều kiến nghị với trung ương về cơ chế theo nguyên tắc tự chủ, phân cấp, ủy quyền mạnh. Thực chất, những kiến nghị này chỉ là xin những điều rất bình thường như các đô thị trên thế giới đã làm. Quy luật phát triển và đặc thù TP HCM buộc chúng ta phải để cho TP ướm một “chiếc áo” khác!
Bình luận (0)