xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Áo thụng, quần chân voi làm nên lịch sử

BÍCH DIỆP

Dù được mời tham gia vào phút cuối, chịu sức ép từ các nước lớn nhưng đoàn đàm phán của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đạt được thắng lợi bước đầu, ngăn chặn một chiến tranh lan rộng trước mắt

Trong cuốn nhật ký 100 trang về Hội nghị Genève, cố luật sư Phan Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương giai đoạn 1951-1955, mô tả khá chi tiết các cuộc họp cũng như phong thái đĩnh đạc, điềm đạm và tài ăn nói của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng (lúc đó là Phó Thủ tướng, Trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa).

Nhà ngoại giao tài ba

Với tư cách là cố vấn pháp luật cho đoàn, ông Phan Anh kể lại: Tại cuộc họp đầu tiên ngày 8-5-1954, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đề nghị mời đại biểu Khmer và Pathet Lào nhưng Ngoại trưởng Bidault (trưởng đoàn Pháp) bác bỏ. Ông ta gọi chính phủ Khmer và Pathet Lào là ma. Lập tức, trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đanh thép nói: “Chính phủ kháng chiến Khmer và Lào có phải là ma không? Chúng tôi còn nhớ trước kia, ở Liên Hiệp Quốc, đại biểu Pháp cũng gọi Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là ma. Sao các ông phải mang hàng vạn quân đi đánh ma? Và bị thiệt hại hàng vạn quân vì ma? Bây giờ chính phủ ma ấy đã đến đây, ngồi trước mặt các ông. Các ông muốn biết chính phủ Khmer và Pathet Lào có phải là thật hay ma, cứ việc mời họ đến đây”.

Quang cảnh Hội nghị Genève năm 1954 Ảnh: TƯ LIỆU
Quang cảnh Hội nghị Genève năm 1954 Ảnh: TƯ LIỆU

Câu đáp trả này nhận được sự đồng tình của đông đảo đại biểu. Rời cuộc họp, Ngoại trưởng Liên Xô Molotov, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đã đến bắt tay, khen ngợi thắng lợi trên mặt trận ngoại giao của đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng là người nghĩ nhanh, nói nhanh; nói và viết tiếng Việt, tiếng Pháp như máy. Tham gia 32 phiên họp, trưởng đoàn Phạm Văn Đồng đều viết các ý kiến phát biểu tại chỗ. Đôi khi những ý tưởng mới bật ra trong đầu, ông lập tức viết, đưa ngay phiên dịch.

Đại tá Hà Văn Lâu, tham gia đàm phán với vai trò cố vấn quân sự, nhận xét: “Đồng chí Phạm Văn Đồng suy nghĩ rất nhiều, thường đi dạo một mình trong khu vườn, trước khi họp. Đồng chí chú trọng những chủ trương lớn nhưng khi nào cũng bàn trước, hỏi các đồng chí liên quan. Làm việc với đồng chí, tôi rất thoải mái” - ông Hà Văn Lâu nhớ lại.

Những cống hiến thầm lặng

Nguyên thư ký của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, ông Trần Việt Phương, cho biết ngoài các cố vấn cao cấp, bộ phận hậu cần của đoàn có hơn 30 người, chủ yếu lo công tác phục vụ cho hội nghị. Tuy tham gia hội nghị quốc tế quan trọng nhưng đoàn còn nghèo, không đủ kinh phí để trang trải. Quần áo, thực phẩm đều do Liên Xô cung cấp theo kích cỡ lớn nên mặc vào cứ lụng thụng, mọi người đùa rằng “áo thụng và quần chân voi”.

Một số thành viên đoàn đến Hội nghị Genève đã buộc phải thay đổi để phù hợp với tình thế. Ông Lê Danh là một trường hợp điển hình. Năm 1953, đang là Trung đoàn phó Cục Địch vận, ông được cử sang Genève với tư cách chuyên gia về công tác tù binh. Nhưng sau đó, vấn đề tù binh không được bàn đến nên ông chuyển sang làm lễ tân cho đoàn.

Nhắc lại chuyện xưa, ông Lê Danh vẫn nhớ những ngày đầu bỡ ngỡ từ người lính trở thành nhân viên lễ tân nghiệp dư. Ông phải học cách sắp xếp chỗ ngồi, chuẩn bị bàn tiệc, cách mở rượu mà bàn tay cầm súng không mấy quen làm. Có lần đoàn Việt Nam mời  đặc phái viên của Thủ tướng Ấn Độ, ông đã tạo ra những món ăn bằng cá sang trọng để thay cho các món thịt vì vị khách này không ăn các con vật  “2 chân” và “ 4 chân”.

“Cuộc đấu tranh trên bàn đàm phán không khác gì đấu tranh trên mặt trận quân sự, chỉ khác là không dùng súng đạn mà vận dụng trí tuệ thông minh, khôn khéo nhằm bảo đảm được lợi ích dân tộc, lợi ích đất nước” - nhân viên lễ tân bất đắc dĩ này nói.

Góp mặt cho thắng lợi của hiệp định phải kể đến 2 nhà báo là ông Ngô Điền và ông Nguyễn Văn Đặng. Trước đó, 2 ông đã được cử sang Genève để đi tiền trạm, thu xếp cụ thể cũng như nắm tình hình, tạo điều kiện cho phái đoàn Việt Nam có thể làm việc được ngay khi tới đây.

Chân ướt chân ráo đến Thụy Sĩ, 2 ông đã được báo chí Pháp, Đức, Mỹ, Thụy Sĩ săn đón do họ nghe tin về chiến dịch Điện Biên Phủ. Các báo ra ngày hôm sau đều đăng những cái tít lớn trên trang nhất, gọi 2 ông là “quan sát viên của Việt Minh” hay “Việt Minh đầu tiên trên đất Thụy Sĩ”.

Trong thời gian diễn ra hội nghị, 2 nhà báo thường xuyên liên hệ, trao đổi với các đồng nghiệp quốc tế nhằm nắm thông tin cần thiết cho cuộc đấu tranh ngoại giao của Việt Nam. Qua đó, các nhà báo Pháp đã hỗ trợ tích cực, cung cấp tin tức quý giá để đoàn thuận lợi trong đấu tranh trên nhiều mặt trận. 

Nghiêm khắc mà gần gũi

Ông  Nguyễn Văn Thụy - người giữ vai trò văn thư, đánh máy cho hội nghị - nhận xét cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng là người nghiêm túc trong công việc nhưng lại rất gần gũi, giản dị, quan tâm chăm sóc anh em trong đoàn. “Trong một lần họp mặt đông đủ anh em, anh Tô  (tên thân mật của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng) hỏi chúng tôi ước muốn gì thì tôi nhanh miệng trả lời anh em có người hay hút thuốc nên muốn được cấp thuốc miễn phí. Sau đó, tôi thắc mắc: Vậy những người không hút thuốc thì anh cho gì ạ? Anh Tô hóm hỉnh: Tôi cho các anh em kẹo vậy” - ông Thụy kể.

Kỳ tới: Được, mất ở Genève

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo