AMME 13 sẽ đánh giá tình hình thực hiện các thỏa thuận hợp tác về môi trường trong khu vực; thảo luận về nội dung hợp tác mới, đồng thời kiến nghị, đề xuất giải pháp thúc đẩy các hoạt động hợp tác ASEAN về môi trường trong thời gian tới, đặc biệt cho giai đoạn sau năm 2015, khi Cộng đồng ASEAN được hình thành; thảo luận và thông qua Tuyên bố ASEAN về biến đổi khí hậu; Sáng kiến về Tuyên bố chương trình nghị sự về bền vững môi trường và biến đổi khí hậu sau năm 2015 và Thông cáo chung về kết quả của Hội nghị bộ trưởng.
Được tổ chức liền kề với AMME 13 là chuỗi các hội nghị liên quan đến vấn đề ô nhiễm khói mù xuyên biên giới: hội nghị lần thứ 6 Nhóm đặc nhiệm kỹ thuật Tiểu vùng sông Mê Kông về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới, hội nghị Ủy ban Thực hiện Hiệp định ASEAN về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới lần thứ 11 (COM 11); Hội nghị các bên tham gia Hiệp định ASEAN về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới lần thứ 11 (COP 11).
Liên quan đến vấn đề chống cháy rừng trong khu vực và ô nhiễm khói mù xuyên biên giới, các bộ trưởng đã xây dựng và triển khai Chương trình làm việc Hiệp định khói mù xuyên biên giới và Chiến lược quản lý khu vực đất than bùn. Các bộ trưởng cũng nhất trí đề xuất các nhà lãnh đạo ASEAN thông qua Hệ thống giám sát khói mù Tiểu vùng ASEAN (HSM). Trước đó, AMME 12 được tổ chức tại Bangkok - Thái Lan năm 2012 đã nhất trí cần đẩy mạnh hơn nữa hợp tác về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu cháy đất, cháy rừng ở khu vực, là nguồn gốc gây ô nhiễm khói mù; ghi nhận những kết quả đã đạt được trong triển khai dự án Tái tạo và sử dụng bền vững rừng than bùn ở Đông Nam Á (do Chương trình Môi trường toàn cầu tài trợ) và dự án SEApeat (do EU tài trợ), trong đó có các hoạt động mẫu đang được tiến hành tại Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam.
Cũng trong dịp này, Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN+3 lần thứ 14 sẽ được tổ chức với sự tham dự của bộ trưởng môi trường các nước thành viên ASEAN và Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc.
Bình luận (0)