Từ vụ tàu hải giám Trung Quốc quấy nhiễu, cắt cáp tàu thăm dò địa chấn Bình Minh 02 của Việt Nam và một số vụ tàu Trung Quốc uy hiếp tàu cá của ngư dân Việt Nam gần đây có thể thấy rằng Trung Quốc đang tuyên bố chủ quyền đối với biển Đông nhằm thiết lập quyền ở vùng này, theo ngôn ngữ của họ gọi là “quản lý biển Hoa Nam”.
Trung Quốc đang sử dụng các tàu hải giám dưới dạng dân sự nhằm tạo áp lực. Những động thái này chứng tỏ rằng Trung Quốc muốn áp đặt luật pháp tại khu vực hàng hải mà họ cho rằng thuộc chủ quyền của họ.
Trung Quốc nhắm tới dầu khí
Rõ ràng, Trung Quốc có rất nhiều mục tiêu qua các động thái đó. Thứ nhất, làm gia tăng phí tổn và rủi ro đối với Việt Nam và Philippines trong các hoạt động khai thác dầu khí trên biển Đông, qua đó hy vọng 2 nước này sẽ nhún nhường và mặc nhiên chấp nhận sự hiện diện của Trung Quốc ở đó.
Các chiến sĩ hải quân Việt Nam chắc tay súng giữ gìn biển đảo của Tổ quốc. Ảnh: Thế Dũng
Thứ hai, Trung Quốc muốn dọa các nước thành viên ASEAN khác nhằm ngăn chặn khối này hình thành một mặt trận đoàn kết chống lại Trung Quốc. Trung Quốc muốn các nước này sợ bị trả đũa và vì thế không dám đối đầu Trung Quốc hoặc phải nhượng bộ Trung Quốc.
Thứ ba, Trung Quốc muốn làm suy yếu vai trò của Mỹ đối với khu vực (ASEAN). Từ vụ đụng độ hôm 2-3 giữa tàu tuần tra Trung Quốc với các tàu thăm dò địa chấn Philippines đã “thai nghén” sự ra đời của Hiệp định An ninh chung giữa Manila và Washington.
Theo đó, Mỹ cho biết sẽ hỗ trợ Philippines nếu các tàu quân sự của nước này bị tấn công, song quân đội Mỹ sẽ không trú đóng trên các đảo ở biển Đông. Philippines mong muốn cam kết đó được thực thi một khi một trong các hòn đảo của họ bị tấn công.
Và mục đích tối thượng của Trung Quốc là kiểm soát vững chắc khu vực biển Đông giàu tài nguyên dầu khí nhằm đáp ứng cơn khát năng lượng trong nước.
Đưa vấn đề biển Đông ra quốc tế
Việt Nam cũng như Philippines đều không thể đáp trả các hành động của Trung Quốc vào lúc này bằng giải pháp quân sự. Cách này chỉ có thể được dùng đến nếu chiến tranh leo thang. Không một quốc gia nào trong khu vực (liên quan đến biển Đông) mạnh bằng Trung Quốc khi đối đầu ở lĩnh vực hàng hải.
Vì vậy, các nước ở đây có thể chung sức gìn giữ hòa bình khu vực bằng cách tăng cường sức mạnh của riêng mỗi nước để bảo vệ chủ quyền quốc gia… Việt Nam và Philippines hãy cắt cử lực lượng tháp tùng các tàu khai thác dầu khí và cho máy bay ứng trực bảo vệ các tàu này khi có đụng độ…
Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung cần khuyến nghị lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc tôn trọng những cam kết trong Hiệp định Thân thiện và Hợp tác ASEAN đã ký vào năm 2002 và Tuyên bố chung về ứng xử của các bên liên quan ở biển Đông (DOC).
Tốt nhất là sử dụng sự đoàn kết mạnh mẽ trong ASEAN và các phương pháp ngoại giao hữu hiệu để phân lập Trung Quốc, buộc họ hành động cẩn trọng hơn.
Các nước ASEAN cần tạo dựng sự đồng tâm hiệp lực để ràng buộc Trung Quốc vào các cuộc đàm phán, thảo luận đa phương; đồng thời, nên đưa vấn đề biển Đông ra Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN cộng (ADMM+) và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (East Asia Summit) nhằm làm giảm tín nhiệm của Trung Quốc và vạch trần cách tuyên bố chủ quyền của nước này.
Nếu Mỹ cho thấy rõ rằng Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ - Philippines được thực thi trên cụm đảo thị tứ Kalayaan Island (một phần của quần đảo Trường Sa, Philippines tuyên bố chủ quyền đối với cụm đảo này) thì hiệp ước đó sẽ làm thoái chí Trung Quốc, qua đó góp phần giữ gìn hòa bình cho khu vực, bởi lẽ Trung Quốc chưa đủ mạnh về quân sự để thách thức Mỹ.
Bình luận (0)