Tại hội thảo quốc tế "Chuyển dịch địa chính trị ở châu Á - Thái Bình Dương và chặng đường nửa thế kỷ của ASEAN", tổ chức ngày 9-6 tại Hà Nội, gần 100 đại biểu trong nước và quốc tế nhất trí đánh giá qua chặng đường 50 năm, từ một hiệp hội của 5 quốc gia, ASEAN đã trở thành cộng đồng gắn kết với 10 thành viên và là một thực thể kinh tế năng động, thị trường giàu tiềm năng với GDP gần 3.000 tỉ USD, lớn thứ 7 thế giới, tổng thương mại hằng năm trên 1.000 tỉ USD; có hiệp định thương mại tự do với tất cả các đối tác lớn của khu vực. ASEAN có sự chuyển mình mang tính bước ngoặt khi chính thức hình thành cộng đồng vào năm 2015 với 3 trụ cột kinh tế - chính trị - xã hội.
Ông Peter Girke, Giám đốc Quỹ Konrad Adenauer tại Việt Nam, nhấn mạnh chặng đường 50 năm qua, các nước trong khối ASEAN đã đem lại nhiều lợi ích không chỉ cho các quốc gia thành viên mà còn cho người dân của các quốc gia đó. Nhiều thành tựu lớn mà các nước ASEAN đã đạt được là sự đồng thuận lớn dựa trên cấu trúc tổ chức đáp ứng sự phát triển của hiện tại. Tuy nhiên, tình hình thế giới và khu vực bước sang thế kỷ XXI diễn ra những chuyển biến phức tạp và khó lường, đáng chú ý nhất là sự chuyển dịch cán cân quyền lực giữa các nước và trung tâm lớn. Cùng những thay đổi địa chiến lược, sự phát triển của ASEAN hiện đang đối mặt với nhiều thách thức lớn. Làn sóng bạo lực cực đoan, sự trỗi dậy của xu hướng bảo hộ mậu dịch, phản đối toàn cầu hóa, những tác động từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4...
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh trong bối cảnh khu vực châu Á - Thái Bình Dương có sự cạnh tranh ảnh hưởng của các cường quốc, việc củng cố lòng tin chiến lược và tuân thủ luật pháp quốc tế trở nên vô cùng quan trọng trong giai đoạn một trật tự mới ở khu vực đang hình thành. Bên cạnh đó, vấn đề bán đảo Triều Tiên, biển Đông và Hoa Đông tiếp tục là các vấn đề nóng chưa thể giải quyết của khu vực.
Các ý kiến đều cho rằng con đường phát triển của ASEAN trong thời gian tới phải tập trung vào 4 mục tiêu: xây dựng cộng đồng vững mạnh, nâng cao vai trò trung tâm, đẩy mạnh kinh tế nội khối và thúc đẩy an sinh xã hội. Để làm được, đòi hỏi ASEAN phải phát triển bao trùm, khai thác sức mạnh của công nghệ và xoa dịu những căng thẳng địa chính trị đang nổi lên.
Đóng góp sáng kiến mới
Hội thảo này là một trong những hoạt động nằm trong Chương trình quốc gia kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN tại Việt Nam do Học viện Ngoại giao phối hợp Vụ ASEAN (Bộ Ngoại giao) và Quỹ Konrad Adenauer (KAS) đồng tổ chức. Đây cũng là một hoạt động trong khuôn khổ Mạng lưới các Viện Nghiên cứu chiến lược ASEAN nhằm kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN và qua đó, mở rộng trao đổi, đóng góp những ý tưởng, những sáng kiến mới cho việc hiện thực hóa Tầm nhìn cộng đồng ASEAN 2025 trên tầm quốc gia và khu vực.
Bình luận (0)