xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Axít: Sát thủ man rợ

PHẠM DŨNG - HẠNH DUYÊN

Hàng chục nạn nhân bị tạt axít đang được tiến hành can thiệp ghép da miễn phí. Chuyện họ trở thành nạn nhân của axít, phải sống cuộc đời vật vờ, mặc cảm... làm nhói lòng người

Ngày 22-6, Khoa Phỏng - Bệnh viện Chợ Rẫy, TP HCM đã phối hợp với tổ chức từ thiện đến từ Mỹ Surgical Volunteers International khám cho hơn 80 bệnh nhân. Dịp này, các bác sĩ tiến hành phẫu thuật ghép da miễn phí cho 40 người. Trong đó, nhiều trường hợp bị bỏng axít nặng sẽ được can thiệp ghép da.

Đòn thù tàn ác

Ngồi co ro bên hành lang Khoa Phỏng, trong lúc chờ đến lượt mình vào khám bệnh, chị N.N.Y. (SN 1987, quê Long An) trùm áo, đội nón sụp vành và đeo khẩu trang kín mặt. Khi được hỏi, chị tâm sự: ‘Khuôn mặt và thân hình của tôi không còn gì. Tôi mà cởi nón, khẩu trang ra, nhìn ghê lắm”.

Ngồi một lúc, Y. buồn rầu kể lại đêm định mệnh chị phải gánh chịu đòn thù man rợ vì ghen. Chị ứa nước mắt: “Anh ấy yêu tôi nhưng tôi không chịu nên thường giở trò ghen tuông. Đêm đó, sinh nhật tôi nên mấy người bạn tổ chức ăn uống ở một quán cóc ven đường. Tôi vừa về đến nhà thì anh ấy mang lọ axít đậm đặc đến đổ lên đầu. Axít chảy khắp người, tôi đau đớn quằn quại, còn người gây ra vụ việc thì lên xe bỏ chạy”.

Chỉ vào mái tóc của mình, chị Y. rầu rĩ: “Một nửa mái tóc của tôi đã mất đi và không thể mọc lại. Khuôn mặt và khắp người tôi bị axít bào mòn nên nhăn nheo lắm. Tuy nhiên, tôi biết mình còn may mắn hơn những nạn nhân khác. Ông trời còn thương, không cướp đi đôi mắt nên tôi vẫn cố gắng sống lạc quan”.

img
Vợ chồng anh Phạm Quang Thượt và chị Vũ Thị Luyn,
2 người bị tạt a xít đầu năm 2013 tại TP HCM. Ảnh: PHẠM DŨNG

Người nhà Y. cho biết vụ án xảy ra đã hơn 1 năm nhưng chị cứ quanh quẩn trong nhà, không dám ra đường với khuôn mặt biến dạng. “Xét xử sơ thẩm, tòa án đã tuyên phạt hung thủ 14 năm tù. Với thương tật 95% như vầy, tôi đành khép lại ước mơ trở thành một thợ trang điểm rồi. Nhưng tôi nghĩ với tình thương của gia đình, bạn bè và nghị lực của bản thân, tôi sẽ vượt lên tất cả để cuộc sống không còn u ám nữa” - chị kỳ vọng.

Hung thủ biệt tăm

Đến bệnh viện từ sáng sớm, chị Đặng Thị Quyên (SN 1980, ngụ xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) tranh thủ lúc các bác sĩ chưa vào đã cố gắng hỏi thăm về trường hợp của mình có được phẫu thuật, ghép da vùng cổ hay không.

Chị Quyên nghẹn ngào: “Đã nửa năm trôi qua, tôi phải chịu đau đớn do axít gây ra. Những vết thẹo lồi ở cổ, ở ngực lại trở nên đau nhói mỗi khi trái gió trở trời. Vậy mà hung thủ vẫn chưa được xác định, còn công an chỉ làm việc với tôi một lần rồi thôi. Tôi đâu có thù oán với ai đâu mà họ lại ra tay độc ác như vậy chứ?”.

Theo lời kể của Quyên, tối 8-1-2013, chị đi làm về mệt, vừa cơm nước xong, chuẩn bị đi nghỉ ngơi thì có người gọi cửa. Cửa vừa hé mở thì một thanh niên cầm nguyên ca axít hắt vào người chị rồi mất hút trong màn đêm...

img
Các bác sĩ hỏi thăm bệnh tình một nạn nhân bị tạt axít tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP HCM Ảnh: PHẠM DŨNG

Do hoàn cảnh quá nghèo nên vợ chồng anh Phạm Quang Thượt (SN 1977) - chị Vũ Thị Luyn (SN 1983, cùng quê Nam Định) được các bác sĩ chọn ghép da từ thiện. Vụ án của vợ chồng anh Thượt gây chấn động dư luận vào đầu năm 2013 nhưng cho đến nay, Công an quận 4, TP HCM vẫn chưa xác định được hung thủ đã dùng axít tấn công họ.

Chị Luyn ứa nước mắt: “Hai vợ chồng vào TP HCM may đồ, mong có tiền gửi về quê nuôi con. Chúng tôi ra đường lúc tờ mờ sáng và trở về phòng trọ khi trời sập tối. Làm quần quật như vậy nên vợ chồng tôi đâu có gây thù chuốc oán với ai, vậy mà ra nông nỗi này...”.

Anh Thượt cho biết: “Kể từ khi vụ án xảy ra, ngoài việc đau đớn về thể xác thì cuộc sống vợ chồng tôi trở nên xám xịt, ảm đạm. Không biết trong thời gian tới, chúng tôi phải làm gì để nuôi sống bản thân và các con nữa. Dù chúng tôi đã nhờ công an can thiệp nhưng đến giờ, vụ án ngày càng mờ mịt”.

Giúp nạn nhân hòa nhập cộng đồng

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Tom Flood, Giám đốc Điều hành Tổ chức Surgical Volunteers International, cho biết đây là lần thứ 4, đoàn đến Việt Nam phẫu thuật, giải quyết những di chứng cho bệnh nhân bỏng. Đoàn sẽ giải quyết những vết thẹo co rút mặt, cổ, tay, chân làm ảnh hưởng đến cuộc sống của các nạn nhân, giúp họ tự tin hòa nhập cộng đồng để có một cuộc sống tươi đẹp hơn.

“Qua đây, tôi xin cảm ơn đơn vị Mentor Wonderwork đã hỗ trợ vật chất để chúng tôi thực hiện chương trình này. Tôi cũng xin chân thành cảm ơn Bệnh viện Chợ Rẫy đã phối hợp để các nạn nhân nghèo được ghép da, phẫu thuật từ thiện” - ông Tom Flood nói.

Bác sĩ Trần Đoàn Đạo, Trưởng Khoa Phỏng - Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết: “Di chứng bỏng thường rất nặng nề. Đợt này có hơn 80 bệnh nhân nghèo bị bỏng được khám. Chúng tôi sẽ chọn ra 33 bệnh nhân để tiến hành phẫu thuật, ghép da. Trong đó, có nhiều trường hợp bị tạt axít. Đây là vấn đề mà xã hội rất quan tâm. Số nạn nhân còn lại sẽ được thực hiện ở chương trình kế tiếp của tổ chức Surgical Volunteers International”.

Liên tục tạt axít

- Sáng 12-4-2012, chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền (SN 1988, ngụ quận 9, TP HCM - sinh viên y dược) đang trên đường đến trường thì bị một đôi thanh niên chạy xe cùng chiều hất nguyên ca axít vào mặt. Chị Tuyền bị bỏng toàn khuôn mặt và 2 mắt trở nên mù lòa.

- Sáng 7-8-2012, luật sư Trần Hồng Lĩnh vừa dừng xe máy trước văn phòng ở số 352 Trường Chinh, quận Kiến An, TP Hải Phòng thì bất ngờ bị một thanh niên nhào đến cầm nguyên ly thủy tinh đựng axít tạt vào mặt. Luật sư Lĩnh ngã quỵ xuống đất và được người dân đưa đi cấp cứu trong tình trạng bỏng nặng vùng mặt.

- Tối 9-4-2013, bà B.N. (phóng viên Báo Thanh Niên, Văn phòng Bắc Trung Bộ) đang đi bộ trên đường Lê Lai, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng thì bị một kẻ lạ mặt chạy ngang hất axít vào người. Bà N. được đưa đi cấp cứu trong tình trạng bị bỏng nặng vùng cổ, tay và chân.

- Ngày 14-4-2013, ông Lê Văn Hùng (cán bộ Chi cục Thuế huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) đang đứng trước nhà thì bị ông Nguyễn Ngọc Anh cầm nguyên bình đựng axít hắt vào người. Ông Hùng bị bỏng nặng vùng ngực, bụng, tay và chân. Trước đây, ông Ngọc Anh từng có mâu thuẫn với người thân của ông Hùng.

- Ngày 28-4-2013, ông Trần Văn Hùng (SN 1975, chủ nhà nghỉ Hồng Phúc, xã Tân Khai, huyện Hớn Quảng, tỉnh Bình Phước) được chuyển đến Khoa Phỏng - Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị. Ông Hùng bị bỏng nửa khuôn mặt, cổ, ngực, bụng, hiện mắt trái bị khép kín do axít gây nên. Ông Hùng cho biết khuya 26-4, đang đứng ở quầy lễ tân khách sạn thì ông bị một thanh niên nhào đến tạt axít rồi bỏ chạy...
Phạm Dũng

Phải xử lý tội “Giết người”

Theo luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư TP HCM), các vụ án liên quan đến axít ngày càng lan tràn và trở thành vấn đề nhức nhối trong xã hội. Rõ ràng, hậu quả của nó là vô cùng lớn.

“Nạn tạt axít vẫn xảy ra thường xuyên dù pháp luật khá nghiêm khắc trong chế tài nhưng phải chăng chưa đạt độ tương ứng? Sự quản lý lỏng lẻo các sản phẩm gây hậu quả tàn khốc này là nguyên nhân? Sự phát hiện kém của nhà chức trách khi các vụ án tạt axít xảy ra đã dung dưỡng mầm mống, ý thức người phạm tội thực hiện đến cùng hành vi này? Hay là tất cả nguyên nhân nêu trên?” - luật sư Công băn khoăn.

Luật sư Công cho rằng điều chỉnh hành vi tạt axít bằng các tội danh quy định trong Bộ Luật Hình sự vẫn còn giới hạn ở chính cơ quan xét xử. Các vụ án tạt axít hầu hết được định tội theo Điều 104 - “Tội cố ý gây thương tích”. “Thực ra, tội danh này có khung hình phạt cũng rất nặng, cao nhất đến chung thân. Tuy nhiên, nếu hậu quả chết nhiều người không xảy ra thì mức hình phạt cao nhất này không được áp dụng. Trong nhiều trường hợp, dù không có chết người ngay thì thương tích trầm trọng của nạn nhân đã huỷ hoại cuộc đời của họ, làm liên lụy đến nhiều người thân. Họ sống không bằng chết. Mức hình phạt xử lý với người phạm tội dường như chưa tương xứng nên tính giáo dục chung cho xã hội còn hạn chế” - ông nói.

“Theo tôi, cần thiết phải xử lý thật nghiêm đối với hành vi tạt axít gây thương tích. Có thể áp dụng tội danh “Giết người” trong các vụ án loại này. Với độ đậm đặc của axít và vị trí tạt trên người nạn nhân (đầu, mặt....) thì việc họ còn sống là nhờ sự tiến bộ của khoa học chứ không phải từ ý thức người phạm tội muốn để cho nạn nhân sống. Tuy nhiên, với nguyên tắc xét xử theo hậu quả, nạn nhân không chết nên chỉ xét xử về tội “Cố ý gây thương tích”. Điều này là không công bằng” - luật sư Công lo ngại.

Theo ông Công, bên cạnh đó, để hạn chế loại tội phạm này thì cũng cần xem lại việc quản lý kinh doanh mặt hàng đặc biệt là axít. Cần thiết phải đưa axít vào loại hàng kinh doanh có điều kiện và có báo cáo về người mua.

Trong khi đó, Thẩm phán Vũ Phi Long, Phó chánh Tòa Hình sự TAND TP HCM cho rằng với hành vi dùng axít tấn công người khác thì chưa thể khẳng định người đó phạm tội “Giết người”. “Để xác định tội danh cố ý gây thương tích hay giết người, công việc đầu tiên của các thẩm phán khi xét xử là phải xác định được ý thức phạm tội, nồng độ axít mà bị cáo dùng để gây án đặc hay loãng… Trong trường hợp kẻ thủ ác dùng axít hắt vào đầu, cổ hoặc chỗ nguy hiểm nào khác trên cơ thể con người thì đó là giết người” - ông Long phân tích.
Hạnh Duyên
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo