Thứ nhất: Con đi thi, cha mẹ chọn trường.
Dù vai trò của phụ huynh là quan trọng trong việc định hướng cho con em trong tuyển sinh nhưng chưa có năm nào chúng tôi phải can dự nhiều như năm này khi liên tục nhắc phụ huynh: “Hãy để cháu quyết định”. Nhiều phụ huynh đã gần như quyết định trường nào, ngành nào đối với con mình. Họ bị cuốn vào đậu hoặc rớt như thắng và thua trong một canh bạc để quên đi một việc rất quan trọng là con mình sẽ học và làm nghề gì trong tương lai. Nhìn vào các phiếu đăng ký 4 ưu tiên dàn đều trên cả kinh tế - quản lý, công nghệ, dịch vụ và ngôn ngữ, chúng tôi không tài nào hiểu nổi rồi các em sẽ học thế nào và ra trường sẽ làm được đúng ngành nghề mình yêu thích không?
Thứ hai: Sự phân hóa và yếu tố “bầy đàn”.
Năm nay, vai trò thương hiệu của một trường ĐH rất quan trọng. Sau khi có điểm, thí sinh nộp ngay vào trường mình yêu thích. Khi điểm của họ không đáp ứng tiêu chí xét tuyển, sự dịch chuyển sang trường khác lại bị chi phối bởi những người khác. Đó là phương tiện truyền thông, mạng xã hội và người thân. Thông tin vừa đủ vừa thiếu trong khi thời gian để quyết định nộp vào trường nào, ngành nào quá ngắn khiến ai nấy hoảng loạn nên việc chọn ngành, chọn trường chỉ theo cảm xúc và tâm lý “bầy đàn”.
Được phép rút ra, nộp vào cũng đồng nghĩa với việc phụ huynh và thí sinh ưu tiên chọn trường công trước. Không chỉ thí sinh không đạt điểm trúng tuyển dự kiến phải rút hồ sơ nộp vào trường có điểm thấp hơn, cũng nhiều trường hợp “lội ngược dòng” khi thí sinh có điểm cao ở một trường có điểm dự kiến trúng tuyển thấp nộp vào trường cao hơn mà vẫn có cơ hội trúng tuyển. Việc này sẽ dẫn đến kết quả điểm thí sinh trúng tuyển vào các trường sẽ tương tự nhau, nhất là trường xét các ngành cùng điểm. Nói cách khác, sẽ có trường điểm cao thì thật cao, trường điểm thấp thì thật thấp. Sự phân hóa này có thể tốt nếu thí sinh xác định ngay từ đầu việc vào trường nào đó với ngành nghề mà mình yêu thích; bằng không, sẽ là tai họa khi chạy theo điểm chuẩn chứ không căn cứ vào định hướng nghề nghiệp tương lai.
Thứ ba: Hãy để các trường tự quyết.
Bộ Giáo dục và Đào tạo một mặt nói là giao quyền tự chủ cho các trường ĐH nhưng thực tế thì gần như đưa các trường vào những “đường ống được nối ghép manh mún qua thời gian” trong công tác tuyển sinh. Những ngày qua, các trường hằng ngày nhận những yêu cầu từ bộ, trong khi phải đối mặt với hệ quả của các chỉ thị đó cũng như diễn biến mới trong tuyển sinh. Việc này khiến các trường thật sự lúng túng và mệt mỏi. Theo tôi, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ cần tổ chức hoặc giám sát tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và xác định chất lượng tối thiểu; các trường ĐH sẽ quyết định tuyển sinh dựa theo tiêu chí gì, khi nào, trên nguồn lực và uy tín của mình.
Bình luận (0)