Cụ thể hơn, “chênh lệch tỉ giá đã làm các nhà máy nhiệt điện do TKV đầu tư phát sinh khoản lỗ đến 1.200 tỉ đồng” và “nếu cộng tất cả các con số mà cả TKV và PVN lỗ do tỉ giá thì có thể gấp hơn 10 lần con số 1.200 tỉ đồng” - ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nói tại cuộc họp giao ban trực tuyến của Bộ Công Thương cách đây vài hôm.
Nếu có yêu cầu, TKV, PVN và EVN thừa sức chứng minh đề xuất của mình là hợp lý bởi số liệu, sổ sách trong tay họ. Cứ giả định là tỉ giá có tác động thật đến kết quả kinh doanh song vẫn khó thuyết phục được khách hàng (doanh nghiệp mua điện sản xuất và người dân mua điện sinh hoạt) vì còn khá nhiều vấn đề không minh bạch.
Một là, bên cạnh các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than, còn có nhiều nhà máy nhiệt điện chạy dầu. Giá dầu thế giới thời gian qua giảm rất sâu, tức là có lợi cho nhiệt điện chạy dầu, sao lại lờ đi yếu tố này?
Đó là chưa nói hiện nay, trong tổng công suất phát điện của cả nước, thủy điện vẫn chiếm chủ yếu (gần 1/2), các nhà máy điện dùng khí và dùng than (bị tỉ giá tác động sâu sắc hơn) thì chỉ chiếm gần 1/4 mỗi loại. Thế mà tỉ giá vừa điều chỉnh vài tuần là đã báo lỗ hàng ngàn tỉ đồng ngay. Vậy ai kiểm soát, làm rõ báo cáo đó?
Hai là, với điện thì dù tăng giá đến mức nào người dân cũng phải mua và trong bối cảnh độc quyền kinh doanh như vậy, rất cần bàn tay can thiệp đúng lúc, chính xác hơn của nhà nước. Thực tế, chẳng mấy khi điện giảm giá và hầu hết các lần đề xuất tăng giá “để cắt lỗ” đều được duyệt; còn khi ngành điện lãi thì không hề giảm cho người tiêu dùng nhờ. Hôm 16-3-2015, giá điện đã tăng một cú nhảy vọt, đến 7,5%. Nay, lẽ nào tiếp tục “con khóc thì mẹ cho bú”?!
Ba là, đã kinh doanh thì hãy để thị trường quyết định. Yếu tố thị trường buộc mọi doanh nghiệp phải đề cao tính dự báo và tự cân đối khi có biến động bất lợi. Việc tăng tỉ giá không thể nói là bất ngờ vì ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã bắt đầu điều chỉnh. Với những tập đoàn lớn thì phải luôn phòng ngừa biến động tỉ giá, phải ký mua trước ngoại tệ, thậm chí vay ngoại tệ để giữ giá ổn định. Chưa kể, vay ngoại tệ (USD) từ nước ngoài với lãi suất thấp là một khoản lợi không nhỏ, chi phối đến giá thành. Nay nói “lỗ tỉ giá”, thật khó tin!
Than tính vào điện. Điện tính vào túi tiền người dân. Muốn cắt lỗ hay có lãi thì chỉ cần tăng giá bán, đơn giản quá như vậy thì đâu thể gọi là kinh doanh. Bầu sữa ngân sách thì phải công bằng, sao chỉ ưu tiên cho một ít tập đoàn nhà nước?
Không trả lời được ba câu hỏi trên thì sẽ chẳng khiến ai tâm phục, khẩu phục trước khi chấp nhận đề xuất bù lỗ tỉ giá.
Bình luận (0)