Chưa đầy một tuần, tại huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, 2 con cá voi, mỗi con nặng khoảng 800 kg, dạt vào bờ biển. Ngư dân ở đây cho là điềm lành, cùng nhau góp tiền mai táng. Những giai thoại về Ông (cá voi) cứu người, Ông đi "tu" hay "lụy" (chết) lại bùng lên trong cộng đồng cư dân vùng biển này.
Bà "lụy" nên con vấn vương
Ngày 20-5, trên đường dẫn về lăng Ông Nam Hải (thôn Hải Ninh, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn), ven cửa biển Sa Cần, hàng đoàn người kéo về. Trong lăng đèn sáng trưng, khói hương nghi ngút, chiêng, trống dàn hàng. Con cá voi da đen láng nằm trên tấm chiếu mới thi thoảng uốn mình, thở. Một lát, khóe mắt cá tuôn nước. Hàng người vây quanh cũng rơm rớm nước mắt.
Ngư dân Nguyễn Công Ninh làm nghề câu mực ven bờ. Anh kéo tôi ra bãi biển cách lăng Ông chừng 100 m, đưa tay chỉ về phía doi cát gần hòn đá dựng, kể: "Tui đi câu mực đêm. 4 giờ sáng đưa thuyền về thì nghe tiếng quẫy rất mạnh. Tui vội chong đèn rồi thả thúng xuống xem. Nhưng rồi nghe tiếng phì phì nên hoảng sợ, vội quay lên thuyền. Khi thấy cột nước phun lên, tui biết là Ông "lụy" nên chắp tay khấn cầu: "Nếu quả Ông muốn đi "tu" thì xin cho biết để con báo bà con trong vạn lo thu xếp. Vái rồi, tui gọi điện thoại ngay cho trưởng vạn chài Lê Ngọc Khương".
Được báo tin, trưởng vạn vội lấy xe máy chạy ra mé biển. Vứt chiếc xe ngã chỏng quèo, ông chạy thẳng ra doi cát. Bên mép biển, Ông lộ nửa thân hình lên mặt nước. Lúc này, bà con nghe tin đã đến khá đông. Có người cho rằng Ông mắc cạn nên chung sức đưa Ông quay về biển. Nhưng Ông xoay người hướng về doi cát. Vậy là biết Ông muốn đi "tu" nên bà con chắp tay khấn cầu. "Nếu quả tâm nguyện như vậy, xin Ông cho phép để vạn chài liệu tính". Nói rồi, trên 20 người dùng tay, dùng đòn đưa Ông lên xe ba gác hướng về lăng Ông. Lúc này, họ mới phát hiện không phải Ông mà là Bà, và là Bà chuông (một loài cá voi cái có đầu giống hình chuông).
Khi đang đưa Bà về lăng, mọi người lại thấy một Ông chừng vài chục kg cứ bơi quanh nơi vùng biển gần doi cát, đến trưa vẫn lởn vởn ở đó. Mọi người cho rằng đó là con của Bà. Bà "lụy" nên con vấn vương.
Anh Hai Pháp làm nghề nuôi cá lồng bè thì bảo trước khi Bà "lụy" cũng thấy một Ông rất lớn dìu Bà vào bờ.
Trước đó, ngày 15-5, tại làng biển Thanh Thủy (xã Bình Hải, huyện Bình Sơn), một Ông chuông cũng "lụy" vào bờ. Ngư dân trong vùng đưa Ông trở lại biển khơi nhưng Ông vẫn quay đầu vào bờ nên cuối cùng bà con ngư dân cũng cầu xin rồi đưa lên bờ mai táng.
Không chỉ ngư dân làng biển Bình Thạnh, nhiều làng biển khác ở nước ta khi Ông "lụy" ở đâu thì làng biển ở đó đều tổ chức mai táng chu đáo.
Bà chuông được đưa về lăng sau 2 ngày vẫn còn thoi thóp
Tại cửa biển Sa Huỳnh - một trong những cửa biển lớn của tỉnh Quảng Ngãi, cụ Lê Ơi (81 tuổi), trưởng vạn chài, đưa tôi vào lăng. Sau khi thắp hương khấn vái thần Nam Hải, ông mở rương cho tôi xem nhiều bộ hài cốt cá voi. Bộ cốt lớn nhất có xương sống to hơn một vòng ôm. Cụ kể: "Đó là bộ xương của Ông Nam Hải đó. Ông "lụy" ngoài cửa biển năm 1967. Lúc đó, cả làng không ai đi biển mà ở nhà hợp sức đưa Ông vào phía trong lăng, phải đục thủng tường lăng mới đưa được Ông vào. Lúc đó, Ông còn thở thoi thóp. Thấy vậy, nhiều người hái cả buồng dừa lấy nước đổ vào thùng rồi mang đến vái. Ông mở miệng uống. Hai ngày sau, Ông mới thăng. Dân làng trải cót tre, đặt Ông rồi đắp đất vồng lên. Lệ thường, sau 3 năm sẽ cải táng nhưng riêng Ông này mất đến 9 năm mới đem vào lăng thờ phụng.
Hỏi chuyện Ông cứu người, Phó Ban vạn Thạch Bi 1 Phạm Mười kể: "Chuyện này có quá nhiều rồi. Tui đi biển, mỗi khi trời giông gió, mình cố chống đỡ với những cơn sóng cao hơn nóc nhà bổ xuống nên sợ quá, phải cầu xin. Rồi hai Ông xuất hiện hai bên nâng đỡ lườn tàu. Nhờ đó, tàu thăng bằng và lạ là sóng gió ở khu vực quanh tàu cũng ít dữ dằn hơn".
Chiếc ghe máy của ngư dân Phạm Son cách đây không lâu bị bão đánh chìm ngoài đảo Lý Sơn. Chín ngư dân chỉ còn một cái thúng để bám. May sau đó được Ông cứu nạn nên thoát chết sau 7 ngày đêm lênh đênh trên biển.
Anh Huỳnh Vinh (ngụ vạn chài thôn Hải Ninh, xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn) kể: "Không có Ông thì tui mất mạng rồi. Tháng 11 năm ngoái, tui đánh cá phía ngoài kè cảng Dung Quất. Sóng lớn bổ chìm thuyền, tôi cố bơi vào nhưng sóng bủa dữ quá nên hụt hơi. Đúng lúc đó thì chân chạm vào một vật trơn trơn rồi có một vệt nhô lên. Tui cố nắm lấy mới biết là được Ông cứu. Từ lúc 6 giờ đến 9 giờ thì tui tấp vô bãi biển".
Cầu Ông phù hộ độ trì
Ở cửa biển Sa Huỳnh hiện có trên 1.000 tàu đánh cá. Có những tàu công suất trên 1.000 CV, mỗi lần ra khơi là đi một lèo vài chục ngày. Thế nhưng, sự hiện đại của những con tàu không làm cho ngư dân quên cầu mong sự phù hộ độ trì từ Ông. Bởi với họ, biển mênh mông hào phóng nhưng cũng đầy bất trắc.
Trước mỗi chuyến ra khơi, các chủ tàu thường vào lăng thắp nhang cầu mong Ông phù hộ độ trì. Hằng năm, cứ đến ngày 16-3 âm lịch là các vạn tổ chức lễ cúng thần Nam Hải, ngày rằm tháng 8 tổ chức lễ hoàn nguyện tạ ơn Ông, tạ ơn thủy thần đã phù hộ bà con làm ăn. Ngư dân ở đây đã góp trên 370 triệu đồng để xây lăng Ông thật khang trang.
Ở vùng biển Sa Cần (thuộc xã Bình Đông và Bình Thạnh, huyện Bình Sơn), trong ngày Bà chuông "lụy", bà con ngư dân cũng tự nguyện góp tiền để mai táng. Anh Nguyễn Công Ninh, người đầu tiên phát hiện Bà "lụy", được cử làm "trưởng nam", chít khăn tang đứng bên cạnh chủ vạn trong ngày tế lễ.
Trưởng Ban Trị sự lăng Ông thôn Hải Ninh Vũ Huy Bình cho hay ở vùng biển Sa Cần, trong ngày lễ Xuân (12 tháng giêng) và lễ Hoàn Nguyện (rằm tháng 8) đều có hát bả trạo (tức hò chèo thuyền). Hát bả trạo mô tả công cuộc làm ăn trên biển bắt đầu từ khi ra khơi, gặp sóng to gió cả. Các bạn chài cầu mong và được Ông giúp đỡ đưa thuyền về trên biển bình yên với cá đầy khoang. Còn ở vạn chài Thanh Thủy, mỗi khi đến lễ cúng thần Nam Hải thường có bài khấn ca ngợi công lao của Ông. "… Bao độ nổi chìm trong biển cả. Cứu ngư dân thoát chốn ba đào. Nào những khi qua lại giữa dòng châu. Phò bổn vạn an cư lạc nghiệp".
Những ngày lễ hội dân gian, nhất là lễ cúng thần Nam Hải, đều là dịp gắn kết cộng đồng bền chặt của cư dân vùng biển, cùng chung sức chung lòng vươn khơi đánh bắt hải sản làm giàu cho chính mình và góp phần bảo vệ chủ quyền Tổ quốc trên biển Đông.
Ước vọng hết sức nhân văn
Theo TS Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi, tục thờ cúng cá voi thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của cư dân ven biển trong buổi đầu khai phá và xây dựng, ước vọng hết sức nhân văn của cộng đồng về cuộc sống bình yên, thịnh vượng. Tục thờ cúng này còn là môi trường thu hút những yếu tố văn hóa, văn nghệ dân gian như múa gươm, hát bả trạo, hát sắc bùa, hát bội, đua thuyền… Cũng qua đó, góp phần hết sức quan trọng trong việc bảo vệ loài cá này.
CÁC ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH:
Bình luận (0)