Bà Nguyễn Thị Tròn phát biểu như thế tại buổi gặp gỡ với Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến. Những lời gan ruột đó kèm theo lời đề nghị giữ lại 1.000 m bờ biển cho ngư dân đậu tàu thuyền.
Bà Tròn và nhiều người khác đã đòi cái quyền được làm ngư dân bởi không có nơi neo đậu thuyền thì không thể đi biển được, mà không có cửa ra biển thì coi như bỏ biển.
Tỉnh Thanh Hóa có tham vọng biến Sầm Sơn thành địa chỉ du lịch biển số một quốc gia - sự kỳ vọng đáng ủng hộ. Tuy nhiên, phát triển kinh tế - xã hội suy cho cùng cũng vì mục tiêu mang lại cơm no áo ấm cho người dân. Đối với ngư dân, nếu không tàu thuyền, không bến bãi, mất nghề thì cơm no áo ấm sao đây?
Có thể có người chuyển đổi nghề biển sang một nghề khác để sinh sống nhưng đối với những người “biển là tất cả của chúng tôi” thì không thể không dành cho họ quyền có biển, quyền đi biển. Những quy định nhằm tạo điều kiện cho dự án du lịch tạo ra xung đột lợi ích với quyền đi biển của ngư dân thì phải điều chỉnh, không thể vì phát triển du lịch mà làm ảnh hưởng đến hoạt động của nghề cá. Ngư dân đi biển là nghề sinh sống bao đời và cũng góp sức giữ biển. Sự hiện diện của những con tàu cá Việt Nam trên biển Đông có ý nghĩa rất quan trọng về chủ quyền, nhất là vào lúc này.
Các dự án phát triển kinh tế xung đột lợi ích với một nhóm người trong xã hội là điều hết sức bình thường, vì vậy mới cần đến năng lực quản lý điều hành của người lãnh đạo. Năng lực đó chính là bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư với những người dân thuộc vùng dự án, hài hòa với lợi ích của nhà nước. Một dự án phát triển du lịch lớn, theo lời của Bí thư Trịnh Văn Chiến, địa phương đã bỏ ra 3.000 tỉ đồng và kêu gọi 10.000 tỉ đồng đầu tư phát triển Sầm Sơn thì lãnh đạo phải thuyết phục được người dân bằng những cam kết lợi ích có thể định lượng được. Nếu như chỉ nói lý thuyết xa vời, dân chỉ thấy lợi ích của một nhóm người thì không bao giờ dân nghe, dân theo.
Cam kết với dân và cũng phải cam kết với doanh nghiệp. Nhà đầu tư bỏ tiền thực hiện dự án là tin vào chủ trương, chính sách và sự bảo đảm các bước triển khai dự án từ chính quyền. Nếu hôm nay nói khác, ngày mai nói khác thì sẽ không ai tin, không doanh nghiệp nào dám bước đến làm ăn. Tập đoàn FLC được hứa hẹn và cam kết điều gì thì chính quyền phải tuân thủ. Đừng để sau khi giải quyết xong khiếu kiện của dân lại phải đối diện với kiện thưa của doanh nghiệp.
Cả hội trường vỗ tay khi Bí thư Trịnh Văn Chiến nói chắc nịch: “Bà con cứ đánh cá, neo đậu tàu thuyền như bấy lâu nay”. Tiếng vỗ tay muộn màng sau hơn một tuần nóng bỏng khiếu kiện. Đúng ra, hiểu lòng dân, nghe tiếng dân chân thành và trọng thị thì sẽ không có những ngày Sầm Sơn vang tiếng dân kêu cứu như vừa qua.
Bình luận (0)