Chỉ tính riêng trong tháng 12-2016, tại Hà Nội đã liên tiếp xảy ra các vụ hỏa hoạn ở KCN. Ngày 2-12, xưởng gỗ công nghiệp thuộc loại lớn nhất KCN Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì, Hà Nội) đã bốc cháy dữ dội. Ngọn lửa lan sang xưởng chứa dây cáp quang, máy móc của công ty.
Bốn ngày sau, kho hàng thuộc KCN La Phù, huyện Hoài Đức bị “bà hỏa” viếng từ kho chứa sơn và thuốc nhuộm rồi lan sang các kho chứa vải, đồ bảo hộ lao động kế bên. Toàn bộ dây chuyền và hàng của 6 nhà xưởng với diện tích hơn 1.000 m2 đã bị thiêu rụi hoàn toàn.
Trước đó, ngày 2-10, nhà xưởng của Công ty Thương mại và Phát triển Tiến Đạt (KCN Tây Bắc Ga, tỉnh Thanh Hóa) cũng cháy lớn. Ngày 6-7, hỏa hoạn xảy ra tại Công ty TNHH JITECH Vina (KCN 1, phường Võ Cường, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) thiêu rụi khoảng 2.000 m2 nhà kho...
Thống kê của C66 cho thấy cả nước hiện có gần 300 KCN đi vào hoạt động với tổng diện tích trên 80.000 ha, trong đó có không ít cơ sở tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ. Nhiều cơ sở trong KCN đã xây dựng từ lâu nên điều kiện an toàn PCCC chưa được bảo đảm.
Một nguyên nhân dễ dẫn đến cháy nổ từ lâu chưa được khắc phục là dây chuyền sản xuất, hệ thống điện, hệ thống PCCC xuống cấp do đã vận hành trong thời gian dài. Việc phát triển tự phát, thiếu đồng bộ cũng là một vấn đề cần lưu ý. Bởi lẽ, đi cùng với đó là sự đầu tư kinh phí cho hạng mục PCCC không đồng bộ, thiếu đến đâu làm tới đó. Mặt khác, vẫn còn tình trạng “ăn bớt” danh mục trang thiết bị PCCC trong các nhà máy.
Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh, Cục trưởng C66, khẳng định để ngăn chặn nguy cơ cháy nổ và công tác PCCC hiệu quả, ngoài việc tuyên truyền, cần áp dụng chế tài mạnh bắt buộc các công ty phải thành lập và hoàn thiện mô hình đội chữa cháy chuyên ngành tại các KCN theo đúng quy định. Cơ quan chức năng cần kiểm tra, đôn đốc việc chấp hành các quy định, nội quy an toàn về PCCC.
Đối với các trang thiết bị PCCC, cần định kỳ kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện chữa cháy và bảo đảm tình trạng nguồn nước chữa cháy, bảo đảm chế độ thường trực sẵn sàng chiến đấu cả về lực lượng và phương tiện. Cùng với đó, các doanh nghiệp khẩn trương ban hành quy định, nội quy an toàn PCCC và tổ chức tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành các quy định về PCCC cho CB-CNV.
Theo lãnh đạo C66, cần tổ chức tự kiểm tra an toàn PCCC thường xuyên, định kỳ hằng ngày, nhất là vào các thời điểm sau khi tan ca sản xuất để phát hiện kịp thời những sơ hở, thiếu sót và các nguồn nhiệt do sơ suất có thể dẫn đến cháy. Bên cạnh đó, cần phải rà soát, phân loại hàng hóa, vật tư, nguyên liệu theo tính chất nguy hiểm cháy nổ. Trên cơ sở đó, bố trí, sắp xếp, bảo đảm khoảng cách an toàn PCCC, ngăn cháy lan bên trong nhà xưởng trong khu vực cơ sở hoặc cháy lan từ ngoài vào trong và ngược lại...
Các vụ cháy thường xuất phát từ kho hàng rồi lan rộng, xảy ra vào ban đêm hoặc khi các ca sản xuất nghỉ làm việc nên gây thiệt hại lớn về tài sản.
Bình luận (0)