Tuy nhiên, chúng tôi cũng đề nghị Quốc hội cân nhắc để tìm những giải pháp có lý có tình vì đây cũng là vấn đề nhạy cảm, tế nhị. Trước hết phải điều chỉnh Bộ Luật Lao động và định rõ đối tượng áp dụng chính sách này. Yêu cầu là làm sao chọn “đúng người đúng việc” để những LĐN có tài năng, tâm huyết, đức độ đóng góp được nhiều hơn cho xã hội và hạn chế được tình trạng người không đủ các yếu tố trên mà tham quyền cố vị, sẽ trở thành sức ì cho chính đơn vị đó. Hơn nữa, cần đặt vấn đề này trong bối cảnh chung, nếu tạo ra biệt lệ phải hết sức thấu đáo và khả thi. Chúng tôi (và đông đảo LĐN khác trong xã hội), nhất là những công nhân trực tiếp sản xuất trong các nhà máy xí nghiệp, thì quả thật, có khi chỉ ngoài 40 tuổi là sức lực đã dần đi xuống, đến 50 tuổi nhiều người đã khó đứng máy được nữa.
Kẻ muốn hưu sớm, người muốn kéo dài là vậy. Thiết kế chính sách, nếu không khéo, sẽ không đem lại hiệu quả mong muốn và không tạo ra động lực từ LĐN. Tôi tin là Quốc hội và Chính phủ sẽ giải quyết thỏa đáng vấn đề này.
Bà Nguyễn Thu Trang, quận 1 - TPHCM:
Cải cách tiền lương vẫn chưa thay đổi được gì!
Nếu nhìn vào bảng lương của Bộ Tài chính nước ta công bố thì tưởng rằng nước ta toàn những người nhịn đói mà làm việc cả. Ấy nhưng thực tế thì có ai đói đâu, thậm chí có nhiều người còn giàu và chơi sang hơn cả Tây nữa chứ. Họ lấy tiền từ đâu ? Từ cái quyền mà họ đang được Nhà nước trao. Nhà nước không cho họ tiền thì họ đem cái quyền kia ra kiếm tiền, ở mỗi vị trí họ có một kiểu “ăn”. Lương thấp thì một số giáo viên dạy thêm và “ép” học trò đi học. Lương thấp, bác sĩ “khều” bệnh nhân từ bệnh viện về nhà khám, ghi toa thì ghi theo tiền hoa hồng của trình dược viên. Lương thấp, không thiếu cán bộ phường xã quận huyện làm công tác hành chính theo kiểu “hành dân là chính” đến khi dân chi bồi dưỡng mới thôi. Lương thấp, một số công an cấu kết với tội phạm kiếm tiền, và đã có thuế vụ, hải quan thông đồng với buôn lậu...
Tăng lương như vừa rồi nói chung chẳng đem lại được gì đáng kể cho người lao động vì cuối cùng cái đồng lương ấy vẫn không đủ sống. Như vậy, để tồn tại người làm công ăn lương Nhà nước vẫn phải tiếp tục “xoay xở”, và tất cả các tệ nạn đã nêu trên sẽ vẫn tiếp tục diễn ra.
Người ta sẽ lý luận là lấy đâu ra tiền để tăng lương cho mấy triệu người ngay một lúc. Nếu kinh phí không cho phép thì sao không giảm bớt biên chế, đóng cửa những nhà máy làm ăn thua lỗ để dành kinh phí cho tăng lương. Thà ít người mà làm việc thật sự còn hơn duy trì một bộ máy làm việc bê bối, tham nhũng.
Bình luận (0)