Sinh thời, trong nhiều dịp trò chuyện thân mật với một số học trò cũ, GS Trần Văn Giàu hay nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có một chuyện thật khó quên.
NGƯỜI GỠ THẾ BÍ
Đó là sau Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 ít ngày, ông Hoàng Quốc Việt, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, được lệnh cấp tốc lên đường vào Nam để nắm tình hình khởi nghĩa ở các địa phương và truyền đạt chỉ thị của trung ương cho lãnh đạo các nơi đó. Đoàn chỉ có vài ba người, đi trên một chiếc ô tô mượn của một nhà tư sản ở Hà Nội.
Học sinh ở TP HCM viếng tượng Bác Hồ. Ảnh: Nguyễn Á
Sau hơn một tuần khẩn trương không kể ngày đêm, đoàn đến Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai). Lúc đó trời đã tối lắm, cả đoàn đều rất mệt, muốn nghỉ lại một đêm. Ông Việt điện cho Xứ ủy Nam Kỳ, báo cho biết sáng mai sẽ vào Sài Gòn để làm việc. Đầu dây phía Sài Gòn thôi thúc: “Đoàn đừng nghỉ, vào ngay. Chúng tôi muốn gặp đoàn ngay trong đêm nay”. Lời giục giã đã được đáp ứng. Chỉ 2 giờ sau, đại diện của trung ương và toàn Ban Lãnh đạo khởi nghĩa của Nam Kỳ đã gặp nhau. Sau một một phút tay bắt mặt mừng, câu đầu tiên các đồng chí Xứ ủy hỏi ông Hoàng Quốc Việt: Hồ Chí Minh là ai?
- Còn là ai nữa, Nguyễn Ái Quốc đó thôi!
Tất cả mọi người “à” lên một tiếng sung sướng. Thắc mắc lớn nhất của những người đứng đầu cuộc khởi nghĩa ở phía Nam Tổ quốc đã được giải tỏa. Ngọn cờ lãnh đạo đã được trao đích đáng vào tay nhà cách mạng huyền thoại, hoàn toàn được những người yêu nước khắp Bắc - Trung - Nam lúc đó tin tưởng, khâm phục.
Câu chuyện ấy cũng đã được ông Hoàng Quốc Việt kể trong những trang cuối cùng của cuốn hồi ký cách mạng “Nhân dân ta rất anh hùng”.
Những tình tiết nói trên chừng mực nào đó đã làm rõ lòng tin tuyệt đối của miền Nam nói riêng, cả nước nói chung vào vai trò lãnh đạo của nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc - tức là Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này. Mọi người tin vào lý tưởng cao đẹp của Người: “Tôi có một ham muốn tột bậc: Nước ta được độc lập, dân ta được tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Và hoàn toàn tán thành quyết sách chiến lược của Người: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công”.
Ngẫm lại, không ngờ những ngày đầu Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945, vận nước lại chông chênh, nguy cơ lại dồn dập ập tới khủng khiếp đến thế. Chỉ sau ngày đất nước độc lập được hơn một tháng, Pháp nổ súng xâm lược lần thứ hai ở Nam Bộ. Quân Anh và Trung Hoa dân quốc tiếng là vào giải giáp quân Nhật nhưng thực chất để khống chế chính quyền cách mạng non trẻ.
Hậu quả của nạn đói khủng khiếp cuối năm 1944 đến đầu 1945 vẫn còn để lại những di hại nặng nề. Ngân khố trống rỗng. Kinh tế kiệt quệ. Lực lượng quân sự rất mỏng, kể cả về quân số lẫn vũ khí trang bị. Tham vọng chính trị của một số đảng phái không Cộng sản khiến nội tình đất nước càng không ổn định. Đúng là “thiên nan vạn nan”! Bàn cờ cực kỳ rối rắm ấy được tháo gỡ từng bước. Và người điều khiển những nước cờ tuyệt vời ấy, như ta đã biết: Chủ tịch Hồ Chí Minh.
TẬP HỢP ĐỘI NGŨ TRÍ THỨC HÙNG HẬU
Có nhiều bài học sáng giá từ cuộc cờ này nhưng có lẽ quan trọng hơn cả là bí quyết “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết”. Người kiên trì kêu gọi toàn dân đồng tâm nhất trí để tạo nên sức mạnh lớn lao vượt qua muôn trùng gian khó. Người không quên một giai tầng, thành phần nào song với một tầm tư duy chiến lược sâu sắc, Người dành nhiều công sức cho việc kêu gọi, tập hợp lực lượng trí thức lúc đó dù còn mỏng nhưng rất quý. Nhất là đối với trí thức cao cấp, uy tín xã hội cao, Người có cách tập hợp khá độc đáo: chủ yếu bằng sự tiếp cận bình dị, cởi mở, chân tình, thực sự tin cậy.
Có thể kể đến 3 bộ phận. Lực lượng đông đảo hơn cả là các trí thức tân học, được đào tạo căn cơ ở trong nước hoặc du học nước ngoài về: các bác sĩ Vũ Đình Tụng (1895-1972), Hồ Đắc Di (1900-1984), Tôn Thất Tùng (1912-1982); các luật sư Phan Anh (1912-1990), Dương Đức Hiền (1916-1963)...; các GS Hoàng Minh Giám (1904-1995), Nguyễn Văn Huyên (1908-1975), Vũ Đình Hòe (1912-2011), Hoàng Xuân Hãn (1908-1996), Nguyễn Mạnh Tường (1910-1997), Tạ Quang Bửu (1910-1986), Ngụy Như Kon Tum (1913-1991)...
Nguồn thứ hai, cũng ở trong nước nhưng khá đặc biệt - các bậc túc nho, đại khoa, các quan lại cao cấp của triều Nguyễn cũ: cụ Huỳnh Thúc Kháng (1876-1946) - nguyên Viện trưởng Dân biểu Trung Kỳ, cụ Bùi Bằng Đoàn (1889-1955) - nguyên Thượng thư Bộ Hình, cụ Phan Kế Toại (1889-1973) - nguyên Khâm sai đại thần; và các vị khác: Bùi Kỷ (1888-1960), Võ Liêm Sơn (1888-1949), Nguyễn Văn Tố (1889-1947)...
Nguồn thứ ba quan trọng không kém: các vị sau khi du học thành công, có học vị cao, vì những lý do khác nhau đã ở lại nước ngoài, thậm chí có người đã lập gia đình tại đó. Có thể kể đến: kỹ sư Trần Đại Nghĩa (1913-1997) - chuyên gia cao cấp về vũ khí ở Đức, GS toán học Lê Văn Thiêm (1918-1991) - người Việt đầu tiên được phong GS ở Đại học Zurich (Thụy Sĩ), bác sĩ nông học Lương Định Của (1920-1975), tiến sĩ y khoa Đặng Văn Ngữ (1910-1967) ở Nhật… và khá nhiều vị thành tài ở Pháp như GS Phạm Huy Thông (1916-1988), Trần Đức Thảo (1917-1993); các bác sĩ Trần Hữu Tước (1913-1983), Nguyễn Khắc Viện (1913-1997)...
Hầu hết các vị kể trên đều được chính quyền cách mạng trọng dụng, tạo điều kiện để mỗi người phát huy tối đa năng lực sở trường, góp phần tích cực vào cuộc chiến tranh vệ quốc cũng như xây dựng nền móng ban đầu cho các lĩnh vực quân sự, kinh tế, văn hóa, giáo dục còn non yếu của đất nước. Cụ Bùi Bằng Đoàn vững vàng ở cương vị Trưởng Ban Thường trực Quốc hội (nay là Chủ tịch Quốc hội).
Cụ Huỳnh Thúc Kháng nhận nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ và lúc Hồ Chủ tịch sang thăm nước Pháp (từ ngày 31-5-1946 đến 18-9-1946), được trao chức Quyền Chủ tịch nước, cụ Huỳnh đã làm tốt vai trò thuyền trưởng. Cụ Nguyễn Văn Tố đi công cán các tỉnh Việt Bắc, không may bị mắc kẹt trong gọng kìm của giặc Pháp. Bị giặc bắt, cụ kiên quyết không đầu hàng và đã hy sinh oanh liệt vào ngày 7-10-1947.
Các bác sĩ Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ, Trần Hữu Tước đã là những cánh chim đầu đàn của ngành y. Vừa là Thứ trưởng Bộ Y tế, GS Tùng vừa là chuyên gia xuất sắc ngành phẫu thuật gan. GS Đặng Văn Ngữ đã giải quyết cơ bản bệnh sốt rét trong nhân dân và quân đội.
Bác sĩ Trần Hữu Tước, như lời kể của GS Vũ Đình Hòe, đã gắn bó với Hồ Chủ tịch ngay từ những ngày đầu Người sang Pháp. Vị bác sĩ này rất có uy tín ở Paris, bệnh nhân đông, thu nhập cao. Thế nhưng, ông “đã thản nhiên bỏ lại cả cơ nghiệp, thậm chí cả người yêu (là một bạn học cũ rất Parisienne) đi theo Bác về nước. Tiếng súng nổ ra ở thủ đô, anh liền xách túi đồ lề mổ xẻ nhập ngũ, phục vụ chiến trường ác liệt khu 3. Trong đại hội chiến sĩ thi đua lần thứ nhất (1951), anh được phong Anh hùng Lao động” (Hồi ký Vũ Đình Hòe, trang 837).
Kỹ sư Trần Đại Nghĩa với tư cách Cục trưởng Cục Quân giới đã liên tục cải tiến vũ khí, nâng cao chất lượng chiến đấu của quân đội ta và cũng được bầu Anh hùng Quân đội đợt đầu (1951) cùng với các tên tuổi nổi tiếng như La Văn Cầu, Nguyễn Thị Chiên, Cù Chính Lan... Các nhà trí thức khác ai cũng đều có những cống hiến lớn lao, rất đáng trân trọng trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục.
Có thể nói, các trí thức thời ấy, tân học cũng như cựu học, như cách nói quen thuộc ngày nay là đã “tâm phục, khẩu phục” vị lãnh tụ cách mạng Hồ Chí Minh không chỉ về đức mà còn cả về tài. Xử lý công việc dù phức tạp đến đâu, Hồ Chủ tịch cũng luôn tôn trọng chủ kiến sáng tạo của cấp dưới, bổ khuyết những gì chưa ổn, rồi sắp xếp tính toán kế hoạch thực hiện sao cho hợp lý nhất, nhanh nhất.
TẦM NHÌN XA VỀ GIÁO DỤC
Để trị giặc dốt, Người đã hai lần làm việc với Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Vũ Đình Hòe và các cộng sự của ông, góp ý và thông qua rất nhanh kế hoạch 3 điểm. (1) Quyết tâm thanh toán nạn mù chữ trong vòng một năm; (2) Xóa bỏ việc dạy bằng tiếng Pháp, thực hiện việc dạy ở tất cả các cấp, kể cả đại học, bằng tiếng Việt; (3) Nhanh chóng thực hiện kế hoạch cải cách giáo dục “thay thế hẳn nền giáo dục nhồi sọ, phù phiếm trước đây của Pháp bằng nền giáo dục của chính phủ nhân dân cách mạng theo 3 phương châm: dân chủ, dân tộc, khoa học” (Hồi ký Vũ Đình Hòe, trang 739). Tiếp đến là việc Bác Hồ ủng hộ quyết tâm của lãnh đạo Bộ Giáo dục, sớm mở cửa lại trường đại học.
Ngày 10-10-1945, nghĩa là chỉ sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình hơn 1 tháng, Người đã ký Sắc lệnh số 45/SL, được đăng trên “Việt Nam Dân quốc công báo” (số 9, trang 112). Nội dung cụ thể như sau: “Chính phủ đã cử các ông Cao Xuân Huy, Hồ Hữu Tường, Hoài Thanh, Đặng Thai Mai, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Văn Huyên làm giáo sư đại học văn khoa và các ông Đào Duy Anh, Cù Huy Cận, Trần Văn Giáp, Ngô Xuân Diệu, Trần Khánh Giư (Khái Hưng), Phạm Duy Khiêm, Bùi Kỷ, Nguyễn Đình Thi, Đoàn Phú Tứ giảng về những vấn đề đặc biệt trong chương trình văn khoa. Chính phủ giao cho ông Giám đốc đại học quốc gia thảo luận với các vị trên về nội dung giảng dạy và về số giờ mà những vị ấy nhận dạy trong niên khóa 1945-1946”.
Xin có mấy lời bình luận về Sắc lệnh đặc biệt này.
Thứ nhất, giữa bộn bề trăm công ngàn việc, mà tất cả đều thuộc diện “khẩn”, “tối khẩn” trong những ngày đầu của nước Cộng hòa non trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn đặc biệt quan tâm đến ngành giáo dục, từ việc thanh toán nạn mù chữ cho người lao động đến việc xây dựng bậc học cao nhất - bậc đại học, nơi đào tạo nhân tài, niềm tự hào của bất cứ dân tộc có văn hóa nào.
Thứ hai, xây dựng trường đại học, khác với cách nghĩ đơn giản và cách làm hấp tấp của nhiều vị lãnh đạo một số địa phương cũng như các doanh nhân muốn làm ăn trong lĩnh vực giáo dục hiện nay, Chủ tịch Hồ Chí Minh trước tiên lo chọn và mời người dạy sao cho xứng với trọng trách được giao. Nói rõ hơn, Người chủ yếu nghĩ đến chân giá trị, đến tiềm lực chất xám của đối tượng định mời chứ không bị mê hoặc bởi bằng cấp.
Thứ ba, về mặt phẩm chất đạo đức, tư tưởng, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi trọng tinh thần dân tộc của người được chọn, trung thành với chủ trương “đoàn kết, hòa hợp dân tộc” của Mặt trận Việt Minh, chứ Người không quá quan tâm đến vấn đề đảng phái, ý thức hệ của họ. Vì thế, bên cạnh những đảng viên Cộng sản hoặc những người có cảm tình với lý tưởng Cộng sản, Người vẫn trân trọng mời ông Hồ Hữu Tường (đã từng tham gia Đệ tứ quốc tế) và nhà văn Khái Hưng (thành viên của đảng Đại Việt Dân chính). Rất cân nhắc, cẩn trọng nhưng tự tin, thoáng mở trong việc dùng người, đó là bản lĩnh đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
* * *
Ngày Xuân, nhớ lại những gì Hồ Chủ tịch đã làm cho dân, cho nước, thấm thía với tinh thần “trọng hiền, đãi sĩ” của Người trong những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám, nói rộng ra là trong suốt những năm dài Người ở vị trí tối cao, để hiểu thêm lời đúc kết “phi trí bất hưng” (không có trí thức, đất nước không thể hưng thịnh) của người xưa. Có thể coi đây là bài học lớn, cần nhớ nằm lòng và cụ thể hóa nó trong các sách lược về sử dụng trí thức.
Thu phục cụ Huỳnh
Đâu phải tất cả các vị trí thức tên tuổi đều hiểu cách mạng, kể cả khi Tổng khởi nghĩa đã thành công. Trường hợp cụ Huỳnh Thúc Kháng là một điển hình.
Vì mến trọng phẩm chất, nhân cách của cụ Huỳnh nên sau Cách mạng Tháng Tám, Hồ Chủ tịch đã mời cụ Huỳnh tham gia chính phủ. Mấy lần đầu, cụ từ chối. Về sau, nể quá, cụ Huỳnh đã thu xếp ra Hà Nội để “xem chính quyền mới làm ăn ra răng”. Dẹp hết mọi việc dù trọng đại, cho chuyển phòng làm việc thành phòng nghỉ với 2 chiếc giường đơn và một bàn trà, Hồ Chủ tịch đã chân tình tiếp nhà chí sĩ lớp đàn anh hơn mình 14 tuổi. Hai người bạn già trò chuyện với nhau những gì không rõ, chỉ biết sau 3 ngày, cụ Huỳnh đã vui vẻ ở lại nhận chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Bình luận (0)