“Tỉ lệ người mắc lao còn hơn tai nạn giao thông nhưng suốt 20 năm nay, tỉnh chỉ có 2 bác sĩ (BS) lao vì không tuyển được người, còn đưa đi học thì không có nguồn” - một lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long nói như vậy tại cuộc họp bàn biện pháp đào tạo nhân lực y tế cho các địa phương ĐBSCL do Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ (BCĐTNB) tổ chức mới đây ở TP Cần Thơ.
Chuyên ngành hiếm càng hiếm bác sĩ
Theo BCĐTNB, đến nay, toàn vùng ĐBSCL vẫn còn 332/1.611 xã chưa có BS, chiếm 20,6%. Đối với các xã có BS, bình quân chỉ 5,1 BS/10.000 dân. BS cho tuyến khám chữa bệnh ban đầu đã ít, đối với 5 chuyên ngành hiếm gồm lao, phong, tâm thần, giải phẫu bệnh và pháp y lại càng hiếm BS hơn.
Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Cần Thơ đang thiếu nhiều bác sĩ Ảnh: NGỌC TRINH
Theo ông Võ Trọng Hữu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Xã hội BCĐTNB, Vĩnh Long tìm được 2 BS lao đã là khá chứ An Giang tìm hoài không ra. “An Giang có tỉ lệ bệnh nhân mắc lao cao nhất nước nhưng chưa có bệnh viện (BV) lao vì không có BS nào” - ông Hữu nói.
Còn theo BS Võ Cánh Sinh, Giám đốc BV Tâm thần Cần Thơ, BV được trang bị cơ sở vật chất đầy đủ nhưng lại gặp khó do thiếu BS. BV đề xuất 15 biên chế và dù được duyệt nhưng nhiều tháng qua vẫn chưa tuyển được ai.
Kiên Giang cũng là một trong những địa phương ở ĐBSCL khan hiếm trầm trọng nhân lực y tế. Dù ngành y tế tỉnh này đã hết sức cố gắng nhưng nhiều năm nay vẫn loay hoay trước tình trạng thiếu BS. Ông Đỗ Thiện Tùng, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ Sở Y tế, nhìn nhận tỉnh thiếu trầm trọng BS ở tất cả các tuyến, số lượng BS chính quy không đủ để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh. “Chế độ đào tạo, chính sách ưu đãi không hấp dẫn thầy thuốc tình nguyện về công tác tại địa phương” - ông Tùng nói.
Theo kế hoạch, trong năm 2017, Kiên Giang sẽ chính thức đưa vào hoạt động một số cơ sở y tế, gồm Trung tâm Y học hạt nhân - xạ trị thuộc BV Tâm thần Kiên Giang quy mô 100 giường, BV Lao (200 giường), BV Ung Bướu (400 giường), BV Sản - Nhi (400 giường). Điều này khiến tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực của tỉnh thêm trầm trọng. Cũng giống như tình hình chung của cả nước, tỉnh Kiên Giang đang phải đối mặt với các thách thức về nguồn nhân lực y tế như thiếu hụt, mất cân đối về cơ cấu và phân bố giữa các địa phương, nhất là BS chuyên ngành lao, phong, tâm thần, pháp y, giải phẫu bệnh…
Tự tìm lối thoát
Theo ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, tỉnh đang có tỉ lệ 6,7 BS/10.000 dân, phấn đấu nâng lên 7/10.000 vào cuối năm nay. Đến nay, tỉnh còn thiếu nhiều BS chuyên khoa tim mạch, chấn thương, hô hấp, ung bướu. Tình trạng này sẽ còn tiếp diễn sau khi Đồng Tháp thành lập thêm BV Sản - Nhi. Nguyên nhân thiếu là do phụ thuộc vào chỉ tiêu của các trường cho phép các tỉnh tham gia tuyển sinh, đào tạo nên chưa bảo đảm. Thêm vào đó, từ trước đến nay, ngành y tế chủ yếu bố trí cán bộ theo kiểu rải đều nhưng lại thiếu BS chuyên sâu để phục vụ trong các trung tâm tim mạch, chấn thương, ung bướu, hô hấp và các khoa điều trị về lao, tâm thần.
Dù vậy, Đồng Tháp đang rất nỗ lực để thoát khỏi vùng trũng về nhân lực y tế. Một trong những biện pháp mà Đồng Tháp tập trung thực hiện là khuyến khích, vận động học sinh ở các trường THPT có năng lực thi vào ngành y theo hình thức liên kết đào tạo theo địa chỉ sử dụng. Hằng năm, các địa phương trong tỉnh đều tranh thủ gửi học sinh tham gia tuyển sinh theo chỉ tiêu của BCĐTNB để có thêm nguồn nhân lực phục vụ cho địa phương. Ngoài ra, ngành y tế tỉnh thực hiện xét chọn những học sinh có điểm xét tốt nghiệp THPT cao (khoảng 22,5 điểm) để đưa đi đào tạo tại ĐHQG TP HCM, Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Phạm Ngọc Thạch, Trường ĐH Trà Vinh. Riêng khối y tế công cộng thì gửi ra Hà Nội đào tạo. Tỉnh cũng đang thay đổi quy chế nhằm thu hút đội ngũ BS về địa phương phục vụ bằng việc hỗ trợ kinh phí đào tạo. Khi các BS này ra trường nếu đạt loại khá sẽ được thi cao học, nội trú, chuyên khoa I, chuyên khoa II.
“Tỉnh còn tranh thủ nguồn hỗ trợ của tuyến trên để tuyển chọn những người có năng lực tốt, đam mê nghề nghiệp để đưa đi đào tạo. Đối với những BS được đào tạo như thế này thì chắc chắn sẽ được ngành y tế tiếp nhận vào làm việc ngay. Nói chung là ngành y tế luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất để phát triển nguồn nhân lực và sớm khắc phục tình trạng thiếu BS như hiện nay” - ông Bửu khẳng định.
Với sự sâu sát của chính quyền địa phương, nỗ lực của ngành y tế, Đồng Tháp kỳ vọng đến năm 2020 sẽ cán mức 8 BS/10.000 dân của cả nước, khắc phục được khan hiếm BS trên các tuyến khám chữa bệnh.
Kỳ tới: Miền núi trải thảm cũng thua!
Không đáp ứng yêu cầu phát triển y tế
Ngày 5-2-2013, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định 319 phê duyệt đề án “Khuyến khích đào tạo và phát triển nhân lực y tế các chuyên ngành lao, phong, tâm thần, pháp y và giải phẫu bệnh giai đoạn 2013 -2020”. Theo đề án này, BCĐTNB liên kết với Trường ĐH Y Dược Cần Thơ đào tạo BS theo 5 chuyên ngành trên cho cả vùng ĐBSCL. Trong 2 năm 2015 và 2016, trường này nhận đào tạo 395 sinh viên và dự kiến chỉ tiêu đào tạo năm 2017 là 150 sinh viên. Những con số trên được cho là khả quan nhưng không đáp ứng yêu cầu phát triển y tế của các địa phương, cũng như khó có thể đạt chỉ tiêu của đề án đặt ra là đáp ứng 70%-90% nhân lực y tế cho 5 chuyên ngành hiếm tại các BV tuyến tỉnh, 50%-70% BV tuyến huyện. Theo ông Võ Trọng Hữu, nguyên nhân chính là do có rất ít người muốn theo học chuyên ngành này.
Bình luận (0)