xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bắc thang lên… đường

Bài và ảnh: SỸ ĐÔNG

Nhiều tuyến đường ở TP HCM sau khi làm xong thì nhà dân lọt thỏm xuống dưới, gây nhiều bất tiện

Niềm vui thoát khỏi cảnh ô nhiễm môi trường chưa lâu thì người dân ở rạch Phan Văn Hân, phường 17, quận Bình Thạnh, TP HCM đang đau đầu vì tuyến đường mới xây dựng.

“Khi nào có điều kiện thì nâng nền”

Cuối năm 2012, UBND quận Bình Thạnh khởi công dự án Cải tạo hệ thống thoát nước rạch Phan Văn Hân với chiều dài 457 m, điểm đầu tuyến giao với đường Nguyễn Cửu Vân, cuối tuyến giao với đường Trường Sa. Rạch Phan Văn Hân được thay thế bằng cống hộp bê tông cốt thép thu gom nước thải từ các nhà dân trong khu vực. Phía trên là con đường rộng 16 m, trong đó lòng đường rộng 7 m, vỉa hè rộng 4,5 m cùng với hệ thống cấp nước sạch, điện sinh hoạt và chiếu sáng công cộng đã thay đổi diện mạo khu vực này. Hơn 4 năm thi công, tuyến đường đã cơ bản hoàn thành. Ngày 16-3, ghi nhận tại tuyến đường này, chúng tôi thấy đơn vị thi công đang lát vỉa hè và lắp bóng đèn chiếu sáng công cộng. Tuy nhiên, hàng chục căn nhà bị thấp hơn mặt đường khiến người dân vẫn phải sử dụng hẻm cũ hoặc làm cầu thang để lên tuyến đường này.

Nền nhà quá thấp buộc người dân phải bắc thang để đi ra đường
Nền nhà quá thấp buộc người dân phải bắc thang để đi ra đường

Đơn cử như căn nhà bà Lê Thị Hạnh, ngụ số 122/55 Phan Văn Hân, thấp hơn mặt đường 1 m. Vì muốn buổi chiều ra đường này hóng mát nên bà Hạnh bắc cầu thang gỗ để leo lên khi cần. “Gia đình tôi vẫn phải sử dụng hẻm cũ vì chưa có điều kiện nâng nền nhà” - bà Hạnh nói. Theo ghi nhận, rất nhiều gia đình khác cùng chung cảnh ngộ bắc thang lên đường. May mắn hơn, căn nhà của bà Đặng Thị Hiền, ngụ số 81/73/15 Nguyễn Cửu Vân, có thể sử dụng vỉa hè phía trước để kê vài bộ bàn ghế bán hàng nước, còn muốn dắt xe vào vẫn phải dùng hẻm cũ. “Nhà nước làm đường mới, mình có mặt tiền để kinh doanh, đi lại cũng thuận tiện hơn. Khi nào có điều kiện mình sẽ nâng nền, làm thêm gác để có thêm chỗ ở cho con cái” - bà Hiền chia sẻ.

Đối với những căn nhà có độ chênh lớn giữa nền và mặt đường thì làm đủ cách như nâng nền, làm bậc tam cấp vào nhà hoặc kết hợp giữa nâng nền và làm bậc thang khi trần nhà quá thấp. Vài hộ khác thì xếp bao cát làm lối đi từ hẻm lên đường. Thậm chí, có hộ còn làm bục dắt xe băng qua hẻm cũ ra vỉa hè để sử dụng con đường này.

Trước đó, nhiều tuyến đường như Phạm Văn Đồng, Tam Bình (quận Thủ Đức); Kinh Dương Vương (quận Bình Tân); Bạch Đằng (quận Tân Bình)… sau khi cải tạo thì nhà dân thấp hoặc cao hơn mặt đường. Nghiêm trọng nhất là đường Kinh Dương Vương, khi nhận được phản ánh thì lãnh đạo TP đã kiểm tra và chỉ đạo hạ độ cao để bớt ảnh hưởng đến người dân.

Nên cân nhắc cao độ

Theo TS Phạm Sanh (chuyên gia giao thông), nền đô thị thường có nhiều cốt khác nhau, đi từ cốt quy hoạch chung đến phân khu, thiết kế đô thị và đến từng tuyến đường. Bộ Xây dựng cho TP HCM 3 cốt san nền khống chế để định hướng thoát nước và TP cần cắm mốc để người dân xây dựng. Nếu có các giải pháp thoát nước hiệu quả thì cốt xây dựng có thể thấp hơn cốt khống chế do Bộ Xây dựng ban hành và sẽ không xảy ra tình trạng nhà dân thấp hơn đường.

GS-TSKH Lê Huy Bá cho biết hiện TP chưa có cốt nền chuẩn để người dân căn cứ vào đó xây nhà và chính quyền địa phương cấp phép xây dựng. Tuyến đường có chỗ cao, chỗ thấp nên khi làm đường thì không thể lấy một cốt nền cho toàn tuyến. Vì không có cốt nền chuẩn và áp dụng đồng bộ nên dẫn tới tình trạng “nhà nâng theo đường, đường nâng theo nhà”, tốn kém ngân sách và tiền bạc của người dân.

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nêu quan điểm quy hoạch cốt nền không thể áp dụng máy móc theo nguyên tắc chỉ dựa trên lý thuyết cho toàn TP mà không nghiên cứu sâu hiện trạng để có những giải pháp phù hợp với toàn cục. Ngoài ra, cần có thêm những giải pháp phù hợp về kỹ thuật riêng cho các khu vực có hiện trạng dân cư phức tạp. Đồng thời, phải có sự thông tin và chương trình hỗ trợ cho người dân trước khi thực hiện các dự án nâng cấp hạ tầng có gây ảnh hưởng lớn. Việc xác định cốt nền tối thiểu 2 m trở lên cho toàn TP như hiện nay có phần cứng nhắc. Nhiều khu vực không nhất thiết phải cố gắng bằng mọi giá nâng cốt nền tối thiểu lên 2 m hoặc hơn như các khu vực công viên cây xanh có thể giữ cốt tự nhiên. Đối với những khu vực dân cư dày đặc chưa thể giải tỏa, cải tạo hoặc nâng cấp theo diện rộng thì có thể xem xét các giải pháp làm sao cho kinh tế nhất, phù hợp với định hướng thoát nước toàn khu vực mà lại ít xáo trộn đến đời sống người dân.

Đề nghị công bố lại cột mốc chuẩn

Ông Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Hội Cầu - Đường - Cảng TP HCM, cho biết các dự án ở khu vực được bảo vệ dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) cũng nên cân nhắc tới cốt nền bởi triều cường đã được kiểm soát. Do đó, khi thiết kế dự án phải nghĩ đến việc không có triều cường. Đối với những công trình đã thiết kế nhưng chưa có điều kiện thi công cũng nên xem lại cốt nền như vậy đã hợp lý chưa. Tránh tình trạng như đường Kinh Dương Vương khi đã thi công, người dân phản đối rồi mới điều chỉnh. Ngoài ra, TP cũng cần thống nhất sử dụng cột mốc cao độ bởi đang dùng 2 cột mốc mà độ chênh lệch từ 20-25 cm. “Tháng 11-2016, chúng tôi đã gửi văn bản đến Trung tâm Đo đạc thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị công bố lại cột mốc chuẩn nhưng chưa có phản hồi” - ông Trường thông tin.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo