Qua kiểm tra, đoàn đã phát hiện thêm một bãi cọc ngầm “chết người” trên sông Tiền thuộc địa phận ấp Phú Thuận 4, xã Đồng Phú, huyện Long Hồ. Những bãi cọc ngầm này luôn là nỗi ám ảnh, khiếp sợ của hàng trăm phương tiện thủy mỗi khi qua tỉnh Vĩnh Long.
Bãi cọc ngầm này được đóng hàng ngàn cọc dừa, lấn chiếm gần một nửa lòng sông Tiền. Chủ nhân của bãi cọc ngầm là ông Phạm Hoàng Nam, Giám đốc Công ty Thủy sản Hùng Cường.
Ông Phạm Hoàng Nam đã được UBND huyện Long Hồ thống nhất về chủ trương cho thuê đất bãi bồi mới nổi ở ấp Phú Thuận 4, xã Đồng Phú, huyện Long Hồ với diện tích khoảng 40 ha để nuôi trồng thủy sản từ năm 2007. Hiện ông Nam đã được UBND huyện Long Hồ cho thuê phần đất bãi bồi với diện tích gần 10 ha có chiều dài dọc sông 170,8 m, chiều rộng ra sông 589,22 m, thời hạn cho thuê là 20 năm với giá 180 đồng/m2/năm.
Theo báo cáo kiểm tra tuyến sông Tiền của Trạm Quản lý đường sông Chợ Lách- Đoạn Quản lý đường sông số 11, hiện có 3 cần cẩu của ông Nam đang san lấp đất bãi bồi bên bờ phải phía sông Tiền. Khu vực đóng cọc dài khoảng 300 m, rộng ngang sông khoảng 250 m, hàng cọc trong cách bờ khoảng 300 m, thuộc phần đất bãi bồi của UBND huyện Long Hồ cho ông Phạm Hoàng Nam thuê để nuôi trồng thủy sản.
Với trách nhiệm của cơ quan quản lý đường thủy nội địa trên tuyến sông Tiền, Đoạn Quản lý đường sông số 11, sau khi phát hiện, đã có tờ trình gửi Chi cục Quản lý đường sông phía Nam để xin ý kiến về an toàn giao thông thủy. Sau đó, Chi cục Quản lý đường sông phía Nam có văn bản cho rằng: Việc cho thuê đất bãi bồi để nuôi trồng thủy sản tại ấp Phú Thuận 4, xã Đồng Phú, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long theo chủ trương của UBND huyện Long Hồ có thể được thực hiện trên cơ sở phải đánh giá ảnh hưởng của dòng chảy, tác động đến khu vực xung quanh của cơ quan chuyên môn và được UBND tỉnh thống nhất.
Vì vậy, Đoạn Quản lý đường sông số 11 đề nghị phía chủ đầu tư thực hiện việc đánh giá tác động môi trường để Chi cục Quản lý đường sông phía Nam có ý kiến chính thức đối với vị trí thuê đất bãi bồi này. Trong thời gian chờ phê duyệt đánh giá tác động môi trường, đề nghị ông Nam cho ngưng ngay việc đóng cọc, khai thác đất bãi bồi tại khu vực nói trên. Đối với các hàng cọc đã đóng trên khu vực bãi bồi, chủ công trình phải bố trí ngay các biển báo chướng ngại vật tạm thời và chịu hoàn toàn trách nhiệm về các sự cố xảy ra trên sông do các chướng ngại vật này gây ra.
Trung tá Nguyễn Văn Trề, Phó Phòng CSGT Đường thủy, Công an tỉnh Vĩnh Long, cho biết: Qua khảo sát mới đây, ngoài bãi cọc ngầm nói trên, Phòng CSGT Đường thủy phát hiện bãi cọc trên sông Cổ Chiên chưa bảo đảm an toàn. Chủ đầu tư đã đóng hàng ngàn cọc dừa lấn gần giữa sông nhưng các biển báo không bảo đảm tiêu chuẩn, gây khó khăn cho các phương tiện lưu thông qua đoạn sông trên.
Ghe bị chìm do vướng vào bãi cọc ngầm Lúc 19 giờ ngày 19-8, một vụ tai nạn giao thông khá nghiêm trọng đã xảy ra tại khu đất bãi bồi trên sông Tiền thuộc ấp Phú Thuận 4, xã Đồng Phú, huyện Long Hồ (Vĩnh Long). Vụ tai nạn đã làm chìm ghe chở 30 tấn thức ăn thủy sản chạy từ hướng cầu Mỹ Thuận về tỉnh Bến Tre. Theo anh Phùng Văn Nhum, một trong những người đi trên chiếc ghe bị chìm, cho biết: Khi vừa qua khỏi cầu Mỹ Thuận khoảng 2 km, ghe bị chìm do vướng vào bãi cọc dừa dày đặc. Ước tính thiệt hại khoảng 100 triệu đồng. |
Bình luận (0)