Tự nguyện rời bỏ vinh hoa phú quý ở TP HCM để về sống cuộc đời kham khổ tại Đồng Tháp Mười (ĐTM) thời còn hoang sơ, ông đã gắn bó như máu thịt với vùng đất này từ rất lâu. Đến nỗi, ít người còn nhớ tên thật của ông mà chỉ gọi là “ông Ba đất phèn”. Đến khi qua đời, thân xác ông cũng hòa vào đất phèn mà ông gắn bó gần trọn đời.
Như một huyền thoại
Ngày 9-9, rất nhiều người dân vùng ĐTM đã đến tiễn đưa dược sĩ Nguyễn Văn Bé, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn - Phát triển dược liệu ĐTM (gọi tắt là Trung tâm Dược liệu; ở xã Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An), về nơi an nghỉ sau cùng. Trong đó, rất nhiều người từng chịu ơn ông, nhờ ông mà họ được chữa khỏi bệnh miễn phí, thậm chí được cứu sống.
Tại đám tang, họ luôn miệng nhắc đến “ông Ba đất phèn” một cách kính trọng, quý mến. Với nhiều người dân ở đây, ông còn hơn cả người ơn mà như là một huyền thoại. Ông Nguyễn Văn Đai, ngụ xã Bình Phong Thạnh, cho biết năm 1987, ông bị rắn độc cắn, nhờ “ông Ba đất phèn” cứu chữa mà thoát chết. Bà Huỳnh Thị Thủy, một phụ nữ trong vùng, nhớ lại: “Tôi và chị bạn bị ung thư buồng trứng, điều trị hóa chất rụng hết tóc. Chúng tôi đến ông Ba cầu may, không ngờ sau 2 tháng điều trị thì tóc mọc xanh trở lại, khỏe mạnh đến giờ”.
... Mọi chuyện bắt đầu từ năm 1983, khi ông Nguyễn Duy Cương, Thứ trưởng Bộ Y tế và ông Nguyễn Văn Én, Giám đốc Công ty Dược liệu Trung ương II, cùng dược sĩ Nguyễn Văn Bé về thăm ĐTM. Từng chiến đấu ở đây, giờ về Mộc Hóa thăm lại chiến trường xưa, cả 3 người chú ý ngay đến khu rừng tràm gió. Một kế hoạch khai thác tinh dầu từ lá tràm liền ra đời và dược sĩ Bé xung phong thực hiện.
Ông Bé quê gốc Bến Tre nhưng từ năm 16 tuổi đã chiến đấu ở vùng ĐTM. Chiến trường vùng ĐTM những năm chống Mỹ rất khốc liệt. Không biết bao nhiêu lần ông Bé đã chết hụt, được đồng đội moi lên từ lòng đất... Thương tích, bệnh tật ở vùng ĐTM heo hút thường xuyên cướp đi sinh mạng của đồng bào, chiến sĩ. Tình cảnh ấy đã thúc đẩy ông Bé tập tành học nghề thuốc.
Sau ngày đất nước thống nhất, ông Bé học tiếp ở Trường ĐH Dược TP HCM. Tốt nghiệp loại ưu, ông được giữ lại giảng dạy, sau về làm phó giám đốc Công ty Dược liệu Trung ương II. Vốn sống yên ấm cùng gia đình ở Sài Gòn, vậy mà chỉ sau chuyến thực địa về vùng đất phèn Mộc Hóa, ông đã tự nguyện rời phố thị đến ĐTM “khởi nghiệp”.
Thử thách đã thật sự đến với ông Bé và cộng sự. Khi nước lũ đầu nguồn đổ về, họ như lênh đênh giữa biển cả, chỉ biết bám vào rừng tràm. Họ bắt tay vào đào, đắp... Trụ lại được giữa rừng tràm nguyên sinh, thấy bao nhiêu là giống cây đặc trưng vùng ĐTM chen chúc, máu nghề dược của ông Bé trỗi dậy. Từ kiến thức tây y, ông mày mò nghiên cứu đông y, đầu tiên là các bài thuốc dân gian trị rắn cắn. Ở vùng này, 80% người bị rắn độc cắn tử vong nhưng khi “ông Ba đất phèn” về, hầu như không còn ai bỏ mạng. Cũng từ các loại cây thuốc có sẵn trong rừng, ông điều chế ra nhiều loại thuốc trị bệnh cho bà con trong vùng, tất cả đều miễn phí. Tiếng lành đồn xa, tên tuổi “ông Ba đất phèn” trị bệnh miễn phí vang danh từ đó.
Biến rau thành thuốc
Vì bị thu hút về câu chuyện của “ông Ba đất phèn” mà chúng tôi đã 3 lần vượt đường xa đến Mộc Hóa rồi đi đò dọc theo sông Vàm Cỏ Tây hàng giờ để tới “vương quốc” của ông. Một tòa nhà đơn giản nhưng hoành tráng theo kiểu kiến trúc lâu đài cổ châu Âu bất ngờ hiện lên sừng sững giữa rừng tràm ngập nước.
Ông Bé luôn xuất hiện với quần soóc bạc màu, chân đất, da sạm nắng. Ông thường giữ khách ở lại qua đêm. Để rồi buổi tối trên “ốc đảo giữa rừng tràm” này, ông cứ đều đều giọng nam trầm kể chuyện về Trung tâm Dược liệu ĐTM, như thể kể chuyện cổ tích.
Từ dự án nấu tinh dầu trên vùng rừng tràm, trải qua vô vàn gian khó, ông Bé cùng cộng sự đã xây dựng thành Trung tâm Dược liệu ĐTM như ngày nay. Hàng triệu mét khối đất đã được đào đắp thành đê bao dài cả 100 km. Một khu vực rộng cả trăm hecta, dù nước lũ lớn đến mấy vẫn ung dung, tự tại.
Vùng đất hoang không một bóng người nay đã có hàng trăm hộ sinh sống. Hai trường học, một trạm y tế, khu vườn “trầu cau”, đền thờ Hải Thượng Lãn Ông... lần lượt được xây dựng; rồi trồng vườn thuốc, mở phân xưởng chế biến dược phẩm, xây khách sạn phục vụ du lịch...
Giữa bạt ngàn rừng tràm, “ông Ba đất phèn” tạo dựng một “thảo nguyên” rộng mấy chục hecta. Đó là nơi bảo tồn tất cả các loại thực vật vùng ĐTM và cả ĐBSCL, cũng là nơi trồng các loại thảo dược để tinh chế thành dược liệu. Ông gọi đó là khu bảo tồn nguồn gien.
Chúng tôi đã phải xuýt xoa trước những trái nhàu chín mọng mà mình từng quen thuộc thời thơ ấu. Ông Bé cho biết người Pháp, người Mỹ đã có nhiều công trình nghiên cứu dược tính của nhàu. Nó có tác dụng trị tiểu đường, huyết áp cao và đau nhức. Kinh nghiệm dân gian ở ta thì dùng lá nhàu sắc uống trị tiêu chảy, kiết lỵ, hạ sốt.
Kế bên là giàn dây leo lạ, dây xoắn vào nhau, từng chùm bông vàng nhỏ li ti. Theo ông Bé, đó là hà thủ ô đỏ, có tác dụng bổ máu, nhuận trường, an thần, giúp tóc đen, lâu bạc. Ông Bé khoe mái tóc của ông nhờ hà thủ ô mà ở tuổi 60 vẫn còn đen mướt.
Ở ĐTM đầy bông súng, bà con thường chế biến thành các món ăn dân dã. Thế nhưng, khi qua tay “ông Ba đất phèn”, bông súng giúp chữa trị các chứng bệnh di tinh, bạch đới, tiêu chảy, lỵ, ho, viêm đường tiết niệu. Ông Bé như hào hứng hơn khi đến bên đầm sen. Bông sen có thể chế biến thành trà sen, dùng làm hương liệu; lá sen, hạt sen làm thuốc an thần…
Ông Bé đưa chúng tôi đến cánh đồng rộng mấy chục hecta có đủ các loại rau. Theo ông, rau chính là “thực phẩm sức khỏe” - món ăn để tăng cường sức đề kháng nhằm phòng chống bệnh tật. Rau ngò om rất dễ trồng, khi bị sưng do té ngã, giã đắp lên chỗ sưng và dùng cây khô sắc nước uống sẽ khỏi; bị sỏi thận thì giã vắt lấy nước uống; bị ngứa, ghẻ lở thì giã vắt lấy nước thoa hoặc nấu để lấy nước rửa vết thương. Rau đay thì giàu vitamin C, chữa táo bón, ho. Rau dền tía có tính mát, chữa kiết lỵ, cổ họng sưng đau và chữa đau nhức các đầu xương. Tía tô ăn giải cảm, trị ho...
Chỉ tay về cây mã đề, ông giảng giải: “Cây này ăn giúp thanh nhiệt, lợi tiểu, giải độc, trị sỏi bàng quang, thấp khớp...”. Dẫn chúng tôi đến những luống rau má có lá to bằng lá sen, ông cho biết đó là rau má Nhật Bản. Rau má Thái Lan, rau má Đài Loan cũng lá to, cọng dài. Rau má ta thì lá nhỏ, cọng nhỏ, ngắn, bò thành dây...
Nhà khoa học chân đất
Có lẽ ông Nguyễn Văn Bé là giám đốc một cơ quan tầm cỡ hiếm hoi không có xe con. Đi đâu công tác, ông thường sử dụng xe đò. Ông luôn đi chân đất và thích lội vô rừng tràm. Vì vậy mà dáng vẻ, màu da của ông còn “hai lúa” hơn cả nông dân ĐTM thực thụ.
Thế nhưng, nhờ internet mà giữa rừng sâu cách trở, “ông Ba đất phèn” và cộng sự không hề lạc hậu với các thông tin chuyên ngành trên thế giới. Chỉ từ nghiên cứu trên mạng, ông đã tự thiết kế, chế tạo và thi công xưởng chiết xuất tinh dầu theo công nghệ tiên tiến. Từ Trung tâm Dược liệu ĐTM của ông Bé, rất nhiều dược liệu tinh chế từ các loại cây cỏ được cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước.
Dang dở dự án táo bạo
“Ông Ba đất phèn” có một triết lý: bảo tồn để phát triển. Bảo tồn nguyên vẹn rừng nguyên sinh ĐTM là để phục vụ cuộc sống con người.
Trung tâm Dược liệu ĐTM đã có phòng thí nghiệm với đầy đủ trang thiết bị hiện đại. Đặc biệt, đây là trung tâm nghiên cứu khoa học bằng vốn tự có chứ không nhận nguồn tài trợ nào. Nhiều trường đại học, trung tâm khoa học các nước đang có quan hệ nghiên cứu, đào tạo với Trung tâm Dược liệu ĐTM. “Các nhà khoa học nước ngoài tới đây như cơm bữa” - ông khoe. Nhiều đoàn sinh viên nước ngoài được gửi đến nhờ ông hướng dẫn thực tập...
Ông Bé còn ấp ủ một dự án táo bạo: mở du lịch chữa bệnh. Theo đó, khách đến đây vừa du lịch sinh thái vừa chữa bệnh bằng thuốc thiên nhiên và các món ăn “cực sạch”, thậm chí có thể lao động trên những cánh đồng rau. Ông cho biết dù chưa triển khai “du lịch an dưỡng” nhưng ông đã có “đơn hàng” từ Nhật Bản: đón nhận chăm sóc người già từ xứ sở hoa anh đào. Từ những chuyến đi Nhật, ông phát hiện nhiều người già ở đây được gửi an dưỡng ở nước ngoài, chi phí thấp, thỉnh thoảng con cháu đi du lịch đến thăm...
Tiếc thay, những kế hoạch của “ông Ba đất phèn” đã phải dừng lại vào ngày 5-9 vừa qua, khi ông bất ngờ bị đột tử ở độ tuổi 67 trong lúc còn nhiều khát khao cống hiến cho vùng ĐTM. Ông đã đi xa nhưng còn đó hàng trăm con người “làm giỏi hơn nói” được ông đào tạo có cách nghĩ, cách làm giống ông nhưng hiện đại hơn. Đó cũng là một tài sản quý, như những cánh rừng tràm nguyên sinh ông đã dày công gầy dựng trên vùng đất phèn ĐTM.
Bình luận (0)