xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

“Bấm nút” xây sân bay Long Thành

Thế Dũng

Nhiều đại biểu Quốc hội yêu cầu tăng tính công khai, minh bạch, chống lãng phí, tiêu cực; không để nhóm lợi ích chi phối quá trình triển khai thực hiện dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành

Quốc hội (QH) ngày 25-6 đã biểu quyết thông qua Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi); Luật An toàn, vệ sinh lao động; Luật Bầu cử đại biểu (ĐB) QH và ĐB HĐND. QH cũng đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành), chấm dứt nhiều năm tranh luận về việc có nên xây sân bay này hay không.

16 tỉ USD cho sân bay Long Thành

Tham gia biểu quyết về dự án sân bay Long Thành có 461 ĐBQH. Trong đó, 428 ĐB biểu quyết tán thành thông qua nghị quyết, đạt 86,64%. Có 17 ĐB không tán thành (3,44%), 16 ĐB không biểu quyết (3,24%).

Nghị quyết nêu rõ: Sân bay Long Thành xây dựng tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai trên tổng diện tích đất 5.000 ha (trong đó, diện tích xây dựng kết cấu hạ tầng cảng hàng không 2.750 ha). Tổng mức đầu tư của dự án theo khái toán năm 2014 là 336.630 tỉ đồng, tương đương 16,03 tỉ USD; trong đó, giai đoạn 1 đầu tư 114.450 tỉ đồng (5,45 tỉ USD). Dự án được sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước, vốn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của ngành hàng không, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn doanh nghiệp, vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và các loại vốn khác.

 

Các đại biểu Quốc hội trong một lần khảo sát dự án sân bay Long Thành
Ảnh: Xuân Hoàng
Các đại biểu Quốc hội trong một lần khảo sát dự án sân bay Long Thành Ảnh: Xuân Hoàng

 

Mục tiêu dự án xác định sân bay Long Thành là cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực; quy mô công suất đạt 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Thời gian và lộ trình thực hiện dự án gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1: Đầu tư xây dựng 1 đường cất/hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; chậm nhất năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác. Giai đoạn 2: Tiếp tục đầu tư xây dựng thêm 1 đường cất/hạ cánh, 1 nhà ga hành khách để đạt công suất 50 triệu hành khách/năm và 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm. Giai đoạn 3: Hoàn thành các hạng mục của dự án để đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Nghị quyết giao Chính phủ chỉ đạo lập báo cáo nghiên cứu khả thi đối với từng giai đoạn của dự án và báo cáo QH thông qua trước khi quyết định đầu tư.

Tăng cường công tác giám sát

Trước đó, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến ĐBQH thảo luận tại hội trường của Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết đa số ý kiến ĐB đều tán thành sự cần thiết đầu tư sân bay Long Thành. Một số ý kiến còn cho rằng do tính cấp thiết của dự án, đề nghị đẩy nhanh tiến độ đầu tư để sớm đưa vào khai thác.

Tuy vậy, nhiều ĐB yêu cầu tăng tính công khai, minh bạch, kiểm soát chặt nguồn vốn đồng thời phải có giải pháp tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát, tiêu cực trong quá trình đầu tư; ngăn chặn, không để nhóm lợi ích chi phối quá trình triển khai thực hiện dự án. “Có ĐB còn góp ý việc quy hoạch, quản lý quy hoạch, chủ trương đầu tư phải có tầm nhìn lâu dài; tăng cường công tác giám sát của các cấp, các ngành, đặc biệt là vai trò giám sát của QH, kết quả giám sát cần phải công khai để người dân biết” - ông Giàu nhấn mạnh.

Để bảo đảm tính chính xác và khách quan đối với số liệu dự toán, Ủy ban Thường vụ QH yêu cầu Chính phủ sử dụng tư vấn độc lập lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Ông Nguyễn Văn Giàu đánh giá theo tính toán của Hội đồng Thẩm định nhà nước, dự án đạt các chỉ số khả thi. Tuy nhiên, số liệu về hiệu quả kinh tế của dự án sẽ được xác định chính xác khi lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Theo ông Giàu, với các kịch bản được tính toán, mức độ tác động của dự án đối với nợ công tối đa bằng 0,28% GDP.

 

Cần quy định cụ thể về chuyển đổi giới tính

Chiều cùng ngày, QH đã thảo luận về dự thảo Bộ Luật Dân sự (sửa đổi). Một trong những nội dung quan trọng của dự thảo được các ĐB tập trung thảo luận là vấn đề chuyển giới tính.

Theo dự thảo, trong điều kiện hiện nay của nước ta, chưa nên quy định việc thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính nhưng cũng cần có quy định để giải quyết những hậu quả pháp lý liên quan nhằm bảo đảm các quyền, lợi ích chính đáng của người đã chuyển đổi giới tính.

ĐB Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH, cho rằng nhà nước không thừa nhận nhưng lại tạo điều kiện để họ thực hiện quyền nhân thân sau khi chuyển đổi giới tính, như vậy là khuyến khích việc đã rồi. “Do vậy, cần quy định rõ ràng, quan điểm rõ ràng về vấn đề chuyển giới” - ĐB Hùng đề nghị.

N.Quyết

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo