xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bạn bè lớn của khoa học Việt (*): Chuyện về đồng tác giả hạt quark

Bài và ảnh: HÀM CHÂU

GS người Mỹ Jerome Friedman, đồng tác giả giải Nobel Vật lý, là hình mẫu của giới học thuật Việt Nam về sự dấn thân và táo bạo trong nghiên cứu khoa học

Vào dịp sang Hà Nội dự Olympic Vật lý quốc tế năm 2007, với tư cách khách mời danh dự, GS Jerome Friedman cùng vợ chồng GS Trần Thanh Vân - Lê Kim Ngọc và tôi vào thăm các tỉnh, thành miền Trung. Ông muốn khám phá miền Trung gian khổ, nơi từng hứng chịu biết bao bom đạn Mỹ.

Cảm tình với Việt Nam

Tại ĐH Huế, ông nói chuyện về chủ đề “Con đường đến giải Nobel”. Đang kỳ nghỉ hè, nhiều thầy giáo, sinh viên trở về nhà ở vùng quê xa. Ban tổ chức rất lo, nếu số người nghe lèo tèo quá, ắt sẽ là điều bất lịch sự đối với một nhà bác học lớn! Nào ngờ các bạn trẻ chốn cố đô đến ngồi chật kín giảng đường số 3 Lê Lợi, im phăng phắc lắng nghe từng lời GS J. Friedman nói, rồi đặt ra những câu hỏi mà theo ông là... “quan trọng và thú vị”.

GS J. Friedman và ông bà GS Trần Thanh Vân - Lê Kim Ngọc cùng các sinh viên 
Việt Nam tại ĐH Bách khoa Paris (Pháp)
GS J. Friedman và ông bà GS Trần Thanh Vân - Lê Kim Ngọc cùng các sinh viên Việt Nam tại ĐH Bách khoa Paris (Pháp)

Trên đường từ Huế ra Đồng Hới (Quảng Bình), ông nghe kể về hàng rào điện tử McNamara, về “giới tuyến quân sự tạm thời” lẽ ra chỉ tồn tại trong 2 năm nhưng do sự can thiệp của Mỹ nên đã chia cắt nước Việt Nam suốt 20 năm. Ông dừng lại hồi lâu trên cầu Hiền Lương, giữa trưa hè đổ lửa, đi đi lại lại, chụp nhiều bức ảnh để mang về Mỹ cho gia đình và bạn bè xem.

Tại Đồng Hới - một thời là “túi bom Mỹ” - ông thăm Làng Trẻ em SOS được Hội Giúp đỡ trẻ em Việt Nam (do GS Lê Kim Ngọc làm chủ tịch) vận động bạn bè quốc tế góp tiền xây dựng nên.

Trầm ngâm hồi lâu trước ngôi nhà thờ Cơ Đốc giáo bên dòng sông Nhật Lệ, đã bị bom Mỹ đánh sập gần hết, ông nói:

- Đây là một “mục tiêu quân sự” ư? Thật đáng hổ thẹn!

Trong những năm chiến tranh Việt Nam, nhà bác học ấy đã từng tham gia phong trào phản chiến...

Từ hè phố thành bác học

Là người quen biết GS J. Friedman từ nhiều năm trước, tôi muốn thuật lại đôi điều về cuộc đời không “xuôi chèo mát mái” của ông.

Một dạo, ông kể: “Tôi sinh ra ở Chicago trong một gia đình người Nga di cư. Cha tôi sang Mỹ năm 1913. Một năm sau, mẹ tôi sang. Năm ấy, ở Nga chưa nổ ra Cách mạng Tháng Mười. Cha mẹ tôi di cư chỉ là vì lý do kinh tế...”.

J. Friedman lớn lên trong khu ngoại ô phía Tây Chicago, chơi rông với đám trẻ hè phố. Cậu theo học tiểu học, trung học tại các trường do tiểu bang mở, chất lượng quá thấp. Ham thích vẽ, cậu mơ trở thành họa sĩ. Cho đến một hôm, cậu vớ được một cuốn sách mỏng của Albert Einstein!

Cậu đọc đi đọc lại cuốn sách, hy vọng sẽ hiểu rõ những điều kỳ lạ kia. Nhưng rồi vẫn chẳng hiểu gì bởi lẽ cậu chưa nắm chắc các khái niệm nền tảng của thuyết tương đối. Thế nhưng, điều đó không hề làm cậu nản chí, trái lại, càng kích thích cậu thêm tò mò, thêm quyết tâm đi vào ngành vật lý.

“Tốt nghiệp trung học, tôi nhận được một suất học bổng của Khoa Bảo tàng Học viện Nghệ thuật Chicago. Ông thầy dạy vẽ tha thiết khuyên tôi nên nhận ngay suất học bổng ấy nhưng tôi từ chối vì đã dứt khoát chọn Khoa Vật lý ĐH Chicago” - ông kể.

Khoa vật lý đúng là một khoa sôi động. J. Friedman được học hành tuyệt diệu tuy... quá khó! Khi bắt tay viết luận án tiến sĩ, ông liều lĩnh đề nghị GS Erico Fermi hướng dẫn dù không lạc quan đến mức tin chắc rằng một nhà vật lý lỗi lạc như E. Fermi (giải Nobel) lại dễ dàng nhận mình làm học trò. Nhưng cứ thử xem sao, nào có mất gì! Bạo dạn bước tới trước ông, J. Friedman đưa ra đề nghị. Không ngờ, GS Fermi nhận lời. Lòng Friedman bỗng ngập tràn một niềm vui huyền diệu.

- Từ sự việc đó, tôi rút ra bài học - GS Friedman nói - phải dám mạo hiểm! Dám làm những việc mà mình không chắc thành công. Dám chớp lấy thời cơ để vươn tới.

Trứ danh với hạt quark

Sau khi GS E. Fermi mất, TS J. Friedman làm việc bên cạnh GS Val Talegdi, một nhà vật lý trẻ. Lúc bấy giờ, 2 nhà vật lý người Mỹ gốc Hoa là Lý Chính Đạo và Dương Chấn Ninh vừa công bố một khám phá hết sức táo bạo. Hai ông nêu lên ý tưởng dường như là nghịch lý về sự không bảo toàn tính chẵn - lẻ trong tương tác yếu; đồng thời gợi ý cách làm thí nghiệm kiểm tra. Giới vật lý thời ấy hầu hết đều cho rằng các hiện tượng vật lý đối xứng qua gương là một “nguyên lý thiêng liêng bất khả xâm phạm”. Thế nhưng, Lý và Dương lại không nghĩ thế, ít nhất là trong tương tác yếu.

GS Talegdi thử hỏi TS Friedman có vui lòng cùng ông tiến hành các phép đo kiểm tra tiên đoán của Lý và Dương (cũng từng là sinh viên ĐH Chicago) không. Cả phòng thí nghiệm hầu như ai cũng coi đó là một việc “phí thì giờ”! Sau khi Friedman trình bày ý đồ thí nghiệm tại seminar, một vị giáo sư đáng kính liền đến “bảo nhỏ” anh rằng sẽ chẳng tìm thấy điều gì thú vị đâu!

Năm 1960, J. Friedman chuyển về Học  viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Lúc bấy giờ, MIT đang làm thí nghiệm kiểm tra mô hình quark - tức mô hình cho rằng các hạt cơ bản như proton, neutron đều được cấu thành bởi các cấu phần còn “cơ bản” hơn nữa, đó là các hạt quark.

Để dễ hình dung mức độ bé nhỏ của hạt quark, ta hãy tưởng tượng: Nếu một nguyên tử carbon được phóng đại lên bằng trái đất thì lúc ấy hạt quark mới có đường kính tối đa là... 5 mm!

Năm 1990, J. Friedman, H. Kendall và R. Taylor đoạt giải Nobel vì họ là những người đầu tiên “sờ mó” được quark bằng cách dùng những chùm electron và neutrino ở vận tốc xấp xỉ vận tốc ánh sáng để bắn phá vào  neutron và proton.

Kỳ tới: Giảng bài không nhận thù lao

Trong những năm chiến tranh Việt Nam, J. Friedman từng tham gia phong trào phản chiến. Ông rất mừng khi thấy ngày nay, mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam đang trở nên tốt đẹp.

- Lần thứ hai đến Việt Nam - nhà bác học này cho biết - tôi thấy đất nước các bạn thay đổi rất nhiều. Việt Nam là một nước có nền kinh tế phát triển nhanh. Tuy nhiên, để cho sự phát triển đó được bền vững, các bạn cần phát triển nhanh hơn nữa giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo