Sáng 29-11, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM phối hợp với Trường Đại học Nông Lâm TP tổ chức hội thảo về an toàn cây xanh trên địa bàn TP HCM.
Ông Nguyễn Khắc Dũng - Trưởng Phòng Quản lý Công viên cây xanh, Sở GTVT - cho biết đơn vị này đang quản lý hơn 130.000 cây xanh, gồm khoảng 180 loài, trong đó có hơn 122.000 cây xanh đường phố (5.730 cây loại 3, cổ thụ). Xét về phương diện an toàn, các cây loại 3, cổ thụ có nguy cơ mất an toàn khi đã sống được nhiều năm như ngã khi mưa, giông, lốc.
Trong quá trình phát triển đô thị, các công trình cao ốc, đường sá, hạ tầng kỹ thuật xây dựng ngày càng nhiều và khí hậu thay đổi đã ảnh hưởng lớn đến hệ thống cây xanh. Hệ rễ cây đang bị tác động tiêu cực bởi các công trình kỹ thuật, vỉa hè và cả mực nước ngầm suy giảm và ô nhiễm. Từ năm 2013 đến nay, các sự cố về cây xanh đã làm chết 4 người, bị thương 33 người.
PGS-TS Nguyễn Du Sanh, Chủ tịch Hội Hoa lan Cây cảnh TP, phân tích cây xanh cũng có tuổi và cần được đốn hạ để bảo đảm an toàn cho người đi đường. Cùng một loài, cây xanh đô thị có tuổi thọ thấp hơn cây xanh sống trong tự nhiên. Cây xanh đô thị khi trồng đã bị cắt rễ cọc, loại rễ giúp cây đứng thẳng. Bên cạnh đó, khi trồng vì mục đích cảnh quan, khoảng cách giữa các cây, cắt tỉa cành cũng không phù hợp sự phát triển cân đối của cây.
Ông Nguyễn Trịnh Kiểm, Chánh Văn phòng Hiệp hội Công viên cây xanh Việt Nam, cho rằng vấn đề an toàn cây xanh đô thị đã được nói nhiều từ các năm trước, giờ đề cập đã quá muộn và đơn vị quản lý phải có những giải pháp để thực hiện ngay. Qua kiểm tra, hệ rễ của cây đã bị mục ruỗng, không thể bám vào đất cho cây đứng vững. Sở GTVT cần lập ngay 1 ban để đánh giá cây nào cần đốn hạ, cây nào cần bứng dưỡng. Theo ông Kiểm, những cây cần xử lý đầu tiên thuộc các loại như dầu, sao, sọ khỉ, lim xẹt… để bảo đảm an toàn cho người dân. Song song với việc đốn hạ, cần bảo tồn theo dạng cá thể, quần thể hoặc từng tuyến đường theo chế độ chăm sóc đặc biệt.
PGS-TS Viên Ngọc Nam (Trường Đại học Nông Lâm TP) đặt vấn đề áp dụng công nghệ thông tin trong công tác trồng, chăm sóc, thay thế cây bị sâu bệnh. Qua áp dụng thử nghiệm công nghệ hệ thống thông tin địa lý (GIS) đối với cây xanh trong khuôn viên trường và trên đường Phạm Văn Đồng, ông Nam đánh giá việc áp dụng công nghệ không khó, ngành quản lý cây xanh có thể thực hiện được. Theo đó, nhóm nghiên cứu tải ảnh viễn thám có độ phân giải cao để xác định ranh giới khu vực nghiên cứu và cài vào điện thoại thông minh. Tiếp theo cài phần mềm Locus Map đo đếm từng vị trí cây xanh để xác định tọa độ và ghi chép chỉ số cây. Phương pháp này sử dụng phần mềm miễn phí, phổ thông và kỹ thuật đơn giản nhưng sử dụng lâu dài, nhanh chóng.
Bình luận (0)