Nhờ bạn đọc
Sau khi nhận tin từ bạn đọc Báo NLĐ, chúng tôi đến khu vực có nhiều hộ gắn đồng hồ điện “chui”. Để tiếp cận và lấy được thông tin từ những hộ này, chúng tôi chỉ có cách nhờ người dân địa phương.
Khi tôi ngỏ lời, nhiều người đã gật đầu đồng ý. Do địa bàn Hóc Môn – TPHCM là huyện ngoại thành nên việc tìm địa chỉ cực kỳ khó khăn. Cũng nhờ bạn đọc là những người dân địa phương, tôi đã nhanh chóng xâm nhập địa bàn.
Loạt bài điều tra Gắn đồng hồ điện “chui”: Muốn là có! hay Ông chủ kho hàng cấm và những thương vụ động trời hoàn thành có công sức của nhiều bạn đọc Báo NLĐ. Không có nguồn tin của họ, và không có họ giúp đỡ, chúng tôi khó lòng thực hiện được các bài báo này. Chúng tôi rất mong được bạn đọc tiếp tục tiếp sức.
Phóng viên Thu Hồng (Ban Thời sự - Nội chính)
Phóng viên Minh Sơn tác nghiệp vụ mãi lộ ở cửa ngõ TPHCM. Ảnh: Thúy Hằng
Được tin tưởng
Loạt bài “Mãi lộ ở cửa ngỏ TPHCM” thực hiện thành công là nhờ sự tin tưởng giúp đỡ của những người dân sống xung quanh khu vực mà tôi tác nghiệp. Tôi nhớ mãi khi phát hiện 2 CSGT chặn xe để lấy tiền trên Quốc lộ 1A, tôi liền quay đầu xe gắn máy lại tấp vào một nhà dân.
Thấy tôi cầm camera, một phụ nữ lớn tuổi liền sốt sắng: “Để xe đó, dì giữ cho, con lên lầu nhà dì mà chụp hình, quay phim”. Có lẽ người dân rất bức xúc trước việc CSGT mãi lộ nên thấy phóng viên là tìm cách giúp ngay. Trong lúc tôi tác nghiệp, chủ nhà còn mang nước “tiếp tế”.
Lần khác, khi tác nghiệp trên đại lộ Nguyễn Văn Linh, tôi đứng trong lùm cây quay cảnh CSGT mãi lộ thì bất ngờ từ phía sau lưng, một mô tô của CSGT xuất hiện tính kiếm chuyện.
Thấy vậy, hai người câu cá gần đó liền “cản địa” cho tôi lấy xe bỏ đi. Có thể nói người làm báo như tôi hạnh phúc nhất là khi được người dân ủng hộ và tin tưởng.
Phóng viên Minh Sơn (Ban Thời sự - Nội chính)
Còn nợ...
Nhiều lúc đi trên phố gặp lại nhân vật cũ trong bài viết của mình, tôi cúi đầu không dám nhìn mặt. Tôi đã gặp và viết về hàng chục cảnh đời trớ trêu, bất hạnh. Sau những bài báo ấy, một số nhân vật của tôi đã nhận được sự sẻ chia cùng những món tiền từ bạn đọc.
Song, không ít nhân vật, sau khi lên báo vẫn còn sống triền miên trong éo le, khổ nhọc. Đó là chàng họa sĩ Hùng, một người đấu tranh không mệt mỏi về nạn xây dựng trái phép ở địa phương, bị “đối phương” đánh gãy tay nhưng cơ quan công quyền đến nay không can thiệp. Đó là hai cậu bé Đại Anh - Đại Em, không có tiền đến trường, hằng ngày phải theo mẹ đi dán keo điện thoại và chia nhau chiếc yên xe để ngủ...
Nhiều lúc tôi tự hỏi do bài viết của mình không đủ sức thuyết phục những người nắm cán cân công lý hay chưa đủ sức lay động trái tim người hảo tâm? Dẫu sao thì tôi cũng đã mắc nợ những nhân vật của mình và xin gửi lời xin lỗi đến họ.
Phóng viên Như Phú (Ban Thời sự - Nội chính)
Rèn một chữ tâm
Cách đây 14 năm, khi mới bước chân vào nghề báo, tôi được một đồng nghiệp đi trước nhắn nhủ: “Làm báo, ngoài tinh thông nghề nghiệp cần phải rèn được cái tâm trong sáng”. Ngẫm lại chặng đường đã qua, tôi thấy điều đó hoàn toàn chính xác.
Thường xuyên đeo bám những vụ tranh chấp lao động và đình công, tôi càng thấy rõ tầm quan trọng của điều này, đồng thời luôn tự nhủ mình phải luôn đứng về những người yếu thế - đó chính là những công nhân đã để lại tuổi thanh xuân của mình trong nhà máy, xí nghiệp.
Một dòng tin nhắn cám ơn sau khi công nhân được bảo vệ quyền lợi luôn là niềm động viên lớn lao với tôi suốt 14 năm qua. Giữ ngọn lửa nghề nhiệt huyết khi đấu tranh cho người lao động chính là cách rèn một chữ tâm trong sáng.
Phóng viên Vĩnh Tùng (Ban Chính trị - Công đoàn)
Cần bản lĩnh, trình độ
Trước khi làm báo, tôi đã có 5 năm làm công nhân. Những năm tháng này đã giúp tôi hiểu rõ hơn về đời sống của người lao động. Dù Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách quan tâm, chăm lo cho người lao động nhưng đời sống của đa phần công nhân hiện nay còn rất khó khăn.
Ở nhiều nơi, chủ doanh nghiệp xem thường pháp luật, chà đạp, xúc phạm nhân phẩm, xâm phạm nghiêm trọng quyền lợi của công nhân. Thế nhưng, khi đối diện với các cơ quan chức năng hay nhà báo, họ lại tỏ ra rất “khiêm tốn”, thậm chí còn có những hành vi hối lộ để được bỏ qua sai phạm. Cũng có nhiều trường hợp do thật sự thiếu hiểu biết về pháp luật lao động mà chủ doanh nghiệp gây thiệt hại cho người lao động...
Thực tế đó đòi hỏi chúng tôi, những người làm báo trong lĩnh vực Công đoàn, luôn phải rèn luyện, học tập nâng cao bản lĩnh, trình độ để đấu tranh với tiêu cực, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động.
Phóng viên Nam Dương (Ban Chính trị - Công đoàn)
Bình luận (0)