Ngày 9-1, Văn phòng Quốc hội (QH) tổ chức hội nghị đại biểu (ĐB) QH chuyên trách trực tuyến với các địa phương. Vấn đề quyền gia nhập và hoạt động Công đoàn (CĐ) của lao động là người nước ngoài (LĐNN) tại dự án Luật CĐ (sửa đổi) là nội dung được quan tâm thảo luận nhiều nhất.
Tại hội nghị, báo cáo một số vấn đề cơ bản về dự án Luật CĐ (sửa đổi), ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, cho biết theo giải trình của Tổng LĐLĐ Việt Nam, hiện có hàng chục ngàn LĐNN là chuyên gia, lao động kỹ thuật và lao động phổ thông đang làm việc tại các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài và DN của Việt Nam. Trên thực tế, quan hệ lao động giữa LĐNN với người sử dụng lao động đã có phát sinh mâu thuẫn nhưng chưa có tổ chức CĐ để bảo vệ họ. Do vậy, việc kết nạp LĐNN vào tổ chức CĐ Việt Nam cần được xem xét.
Trước nội dung mới này, một số ý kiến đồng tình đề xuất nên đưa LĐNN vào phạm vi điều chỉnh của luật nhưng cũng có khá nhiều ĐBQH băn khoăn. ĐBQH Chu Sơn Hà (Hà Nội) lập luận, theo quy định của Hiến pháp, chỉ công dân Việt Nam mới được nhận sự bảo hộ của pháp luật Việt Nam. Bên cạnh đó, mọi nghĩa vụ và quyền lợi của LĐNN cũng được nêu trong các điều ước quốc tế chung. Vì thế, việc họ tham gia hay không tham gia tổ chức CĐ không có ý nghĩa quan trọng.
Trước hai quan điểm trái chiều, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị các ĐB cho ý kiến về cả hai phương án. Ở phương án có quy định trong luật, Ủy ban Pháp luật đề nghị theo hướng: Nếu có đơn gia nhập, thừa nhận Điều lệ CĐ Việt Nam, thời hạn lao động còn hiệu lực từ 1 năm trở lên kể từ ngày làm đơn xin gia nhập CĐ, có giấy phép lao động thì LĐNN có quyền gia nhập CĐ. Trong trường hợp không còn đủ các điều kiện nói trên thì đương nhiên chấm dứt việc tham gia CĐ Việt Nam.
Dự thảo Luật CĐ sẽ còn tiếp tục được hoàn thiện, lấy thêm ý kiến trước khi tiếp tục trình QH vào kỳ họp thứ ba, tháng 5-2012.
Bình luận (0)