Sáng 3-9, Thành ủy TP HCM đã tổ chức hội nghị doanh nhân thành phố góp ý dự thảo đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị TP. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải chủ trì hội nghị.
Tổ chức bộ máy còn phức tạp, khó hiểu
Cụ thể như thành phố Đông, nếu vẫn còn các quận 2, 9, Thủ Đức thì sẽ thêm một cấp chính quyền trung gian, thêm cán bộ, tăng quỹ lương. Nếu giải thể quận 2, quận 9 sẽ phát sinh nhiều vấn đề về lịch sử, văn hóa, chức năng kinh tế - xã hội… Theo ông Võ Quang Cảnh, hiện Thành ủy trực tiếp chỉ đạo UBND và HĐND TP, cùng với 2 cơ quan này trực tiếp chỉ đạo, điều hành 24 quận - huyện nội, ngoại thành. Chính quyền mới vẫn là Thành ủy, UBND, HĐND nhưng chỉ nắm trực tiếp 13 quận nội thành và 4 thành phố, đồng thời dùng cơ chế ủy nhiệm (bàn tay nối dài) nắm 3 huyện ngoại thành.
"Cách tổ chức này có tăng cường quyền hạn cho người đứng đầu chính quyền đô thị và hiệu quả quản lý đô thị có thay đổi đáng kể không, hay kém hiệu quả hơn vì lãnh đạo của "thành phố đặc biệt" sẽ cách xa cơ sở hơn do phải qua chính quyền của "thành phố trực thuộc" và "đại diện, ủy quyền"?" - ông Cảnh đặt vấn đề.
Ông Lê Văn Nin, nguyên phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP HCM, cũng bày tỏ băn khoăn về hoạt động của 4 thành phố "vệ tinh". Theo đó, 4 thành phố này phải bảo đảm tính liên hoàn của hạ tầng kỹ thuật. Nếu quản lý không chặt, tổ chức không hợp lý sẽ dẫn đến tình trạng mỗi nơi làm mỗi kiểu khác nhau. Ngoài ra, tổ chức không gian xây dựng trong 4 thành phố cũng chưa được đề án đề cập rõ.
Chủ động ngân sách
Một nội dung khác cũng được nhiều đại biểu đề cập là chính quyền tác động như thế nào đối với doanh nghiệp. Ông Phạm Minh Thuận, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phát hành sách Fahasa, đề xuất: "Lâu nay, doanh nghiệp đã quen đường đi nước bước rồi, nay thay đổi thì ra sao? Vì thế, cần tuyên truyền để doanh nghiệp an tâm, tiếp tục đầu tư phát triển".
Cùng chung ý kiến, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp, cho rằng làm sao để môi trường hoạt động tốt, minh bạch, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp, tốn ít chi phí là vấn đề vô cùng quan trọng. Theo ông Hưng, phải có cơ chế chính sách cho chính quyền đô thị, vì khi doanh nghiệp xin thành phố, thành phố lại xin trung ương, giữa thành phố và bộ, ngành trung ương khó tránh khỏi xung đột nên thành phố cần xin cơ chế giải quyết.
Tăng quyền cho cấp phường, xã Theo ông Phạm Minh Thuận, cấp phường, xã là vấn đề cần chú ý vì gần dân nhiều nhất. Do vậy, không nên bớt người, bớt quyền mà ngược lại, cần tăng người, tăng quyền để giải quyết thấu đáo các vấn đề liên quan đến dân, đừng để đẩy hết lên thành phố. Song song đó, cần chú ý nâng cao năng lực cho cán bộ cấp phường. |
Bình luận (0)