Tháp cổ Bang Keng tại buôn Jú, xã Krông Năng, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai là di tích quan trọng chứng minh Tây Nguyên từng là nơi phát triển rực rỡ của văn hóa Chăm Pa. Trước đó, người dân buôn Jú phát hiện và đặt tên cho tháp cổ này là Bang Keng. Theo những người già ở đây, tháp Bang Keng là niềm tự hào của buôn Jú. Tuy là tháp của người Chăm xây dựng nhưng Bang Keng là tên do người J’rai đặt.
Già Ksor Blớ, cao niên tại buôn Jú, kể ngày xưa nhìn bề ngoài tháp giống một cái hang (tiếng địa phương là Bang). Khi màn đêm buông xuống, loài chim Keng bay về đây trú ngụ nên người dân đặt tên cho tháp là Bang Keng, tức hang chim Keng. Khoảng năm 1960, Bang Keng bất ngờ sập không biết lý do gì, dân trong làng vô cùng tiếc nuối nhưng không làm cách nào dựng lại được. Thời gian cứ thế trôi đi, Bang Keng trở thành đống đổ nát, hoang tàn, phải vạch từng ngọn cỏ mới có thể nhìn được những viên gạch, đá.
Theo nhiều người dân, trước đây, nhiều người lạ đến tháp đào bới rồi bỏ đi nên có tin dưới chân Bang Keng có vàng. Nhiều người tìm tới đào bới làm cho Bang Keng càng hoang tàn thêm. Đến năm 2006, Bang Keng mới được các nhà khoa học phát hiện. Bốn năm sau đó, tỉnh Gia Lai bố trí kinh phí để Trung tâm Nghiên cứu khảo cổ học thuộc Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ phối hợp Bảo tàng tỉnh Gia Lai khai quật Bang Keng. ThS Nguyễn Quốc Mạnh, người chịu trách nhiệm chính trong cuộc khai quật, cho biết có khả năng Bang Keng là một kiến trúc chịu ảnh hưởng của Ấn Độ giáo.
Sau đó, ngành chức năng của tỉnh Gia Lai đã họp báo, công bố tháp Bang Keng có chiều dọc khoảng 6,9 m, cạnh tháp dài
5 m. Giữa lòng tháp có một hố sâu đường kính 1 m, chèn gạch xung quanh. Một số đoạn tường tháp lộ thiên xây bằng gạch nung rất chắc, có kích thước khác nhau (nhiều viên nặng đến 14 kg). Giới chuyên môn nhận định đây là tháp Chăm đầu tiên được phát hiện ở Krông Pa và là tháp nguyên vẹn nhất còn lại ở vùng Bắc Tây Nguyên.
Sau khi khai quật, một số hiện vật được đưa về Bảo tàng tỉnh Gia Lai để trưng bày, tháp Bang Keng lại trở thành đống hoang tàn. Theo một cán bộ Bảo tàng tỉnh Gia Lai, hiện các di chỉ được khai quật chỉ dừng lại ở mục đích nghiên cứu khoa học, chưa di chỉ khảo cổ nào được cấp kinh phí bảo tồn, phát huy di sản khảo cổ.
Nhiều di tích bị lãng quên
Theo thống kê của Bảo tàng tỉnh Gia Lai, trong những năm qua, trên địa bàn phát hiện 41 di tích khảo cổ nhưng mới chỉ có 7 di chỉ được khai quật. Ngoài các di tích khảo cổ về văn hóa Chăm Pa, các ngành chức năng còn phát hiện vết tích văn hóa thời tiền sử tại thị xã An Khê và các huyện Chư Prông, Kon Chro… Tại một số địa điểm này, ngành khảo cổ đã phát hiện nhiều tổ hợp công cụ đồ đá vô cùng phong phú, cho thấy sự tồn tại của người cổ xưa nhất Việt Nam.
Bình luận (0)