Tại tỉnh Đồng Nai, tình trạng sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) và hồ sơ đăng kiểm (gồm giấy kiểm định và tem kiểm định) giả đang làm “đau đầu” các cơ quan chức năng.
Có giấy phép lái xe thật nhưng vẫn muốn “sơ-cua”
Vừa qua, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản yêu cầu Sở Giao thông Vận tải (GTVT) phối hợp với ngành công an tập trung triệt phá nạn làm giả hồ sơ đăng kiểm xe cơ giới và GPLX đang rộ lên trên địa bàn. Hạn chót để các đơn vị này báo cáo kết quả điều tra, xác minh là trước ngày 30-8.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động, chiêu thức của những đường dây làm hồ sơ đăng kiểm giả là dùng giấy kiểm định thật đưa vào máy scan, quét lấy nguyên nội dung có con dấu đỏ, chữ ký của cán bộ kiểm định, sau đó điền số BKS xe và ngày tháng kiểm định. Tiếp theo, các đối tượng trên “sản xuất” tem kiểm định giả bằng máy in màu có trùng thông tin với giấy kiểm định giả. Đối với GPLX kiểu mới (áp dụng từ năm 2012) được làm bằng nhựa cứng có hoa văn, những đường dây làm giả cũng áp dụng công nghệ tương tự với dấu chìm nổi, chữ ký, hoa văn… như thật khiến công tác kiểm tra gặp nhiều khó khăn vì mắt thường không thể xác định được.
Giám đốc một trung tâm đăng kiểm tại Đồng Nai cho biết đơn vị này đã phối hợp với lực lượng xử lý vi phạm và cơ quan CSĐT để “lật mặt” những đường dây làm giả trên. Theo đó, xuất hiện tình trạng một số tài xế đã có GPLX thật nhưng vẫn làm thêm bằng giả để “sơ-cua”. “Đối với hồ sơ đăng kiểm giả, tài xế hoặc chủ xe sử dụng để không phải đến trung tâm đăng kiểm hoặc xe đã quá đát, sợ không thể qua khâu kiểm định. Đối với GPLX giả, một số tài xế dùng để “sơ-cua” hoặc một số người đã biết lái xe nhưng không muốn qua trường lớp đào tạo…” - vị giám đốc nói.
Khi tìm hiểu về vấn đề này, phóng viên đã trở lại “phố giấy tờ giả” tại TP Biên Hòa, nơi Báo Người Lao Động từng phản ánh là chốn “sản xuất” giấy tờ giả rầm rộ, nhưng các nguồn tin ở đây cho biết do cơ quan chức năng theo dõi ráo riết nên các đường dây đã “ẩn mình”. “Dịp này, những đường dây làm giấy tờ giả cảnh giác lắm, chỉ có gặp mối quen thì mới cung cấp”- nguồn tin này nói.
Không đủ thiết bị kiểm tra
Theo Thanh tra Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, tình trạng GPLX và đặc biệt là hồ sơ đăng kiểm bị làm giả rộ lên khi Bộ GTVT siết chặt việc kiểm định xe tại các trung tâm đăng kiểm. Tính từ đầu năm đến nay, lực lượng thanh tra giao thông phát hiện hàng chục trường hợp tài xế xe cơ giới dùng GPLX và hồ sơ đăng kiểm giả. “Việc phát hiện giấy tờ giả tương đối khó khăn do công nghệ khá tinh vi. Bên cạnh đó, lực lượng tuần tra, kiểm soát không đủ phương tiện, thiết bị để kiểm tra mọi lúc mọi nơi, dẫn đến việc các đối tượng sử dụng giấy tờ giả dễ dàng qua mặt” - một thanh tra giao thông thừa nhận. Theo người này, để phân biệt GPLX giả, lực lượng chức năng thường xem xét các đặc điểm màu sắc, hoa văn sau đó xác định vị trí chống giả có dấu hiệu đáng ngờ hay không. Tuy nhiên, không phải đơn vị tuần tra nào cũng có đủ thiết bị như máy soi, kính giải mã, đèn kiểm tra dùng tia cực tím hay kết nối hệ thống dữ liệu của trung tâm để có thể làm rõ.
Ông Dương Mạnh Hưng, Chánh Thanh tra Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, cho biết theo chỉ thị của UBND tỉnh, thời gian qua, lực lượng này đã phối hợp chặt chẽ với ngành công an cùng nhiều đơn vị liên quan để có biện pháp triệt phá tận gốc tình trạng làm giả, mua bán, lưu hành các loại giấy tờ, GPLX, hồ sơ đăng kiểm. “Riêng với việc các tài xế, chủ xe sử dụng hồ sơ đăng kiểm giả thì chưa có chế tài đủ mạnh để răn đe khi mức phạt chỉ từ 5-7 triệu đồng” - ông Hưng nói.
“Thoát xác” để qua mặt cơ quan chức năng
Không chỉ làm giả các loại giấy tờ, một số tài xế, chủ xe còn dùng nhiều “chiêu thức” gian dối để qua mặt cơ quan đăng kiểm. Một số cơ quan đăng kiểm tại Đồng Nai cho biết gần đây xuất hiện tình trạng cho thuê thùng xe để… đi đăng kiểm. “Nhiều tài xế, chủ xe (chủ yếu là xe ben) thuê thùng xe đủ tiêu chuẩn rồi gắn vào xe của mình và đưa đi đăng kiểm. Sau khi đăng kiểm xong, các xe này trở về với hình hài quá tải, quá khổ và tiếp tục lưu thông trên đường” - một cán bộ đăng kiểm nói.
Bình luận (0)