xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bánh mì tình thương

Bài và ảnh: Thùy Trang

Một ca sĩ, một doanh nhân, một phụ nữ buôn bán - dù nổi tiếng, thành đạt hay chỉ là người bình thường, họ gặp nhau ở chỗ mỗi tuần một đêm chuẩn bị những ổ bánh mì rồi đem tặng người khó khăn, cơ nhỡ

Ngước ánh mắt ráo hoảnh nhìn cô gái 2 tay cầm ổ bánh mì thịt trao cho mình, ông cụ tóc bạc trắng tỏ ra e dè. “Con mời bác ăn bánh mì ạ” - cô gái lễ phép. Ông lão ngập ngừng: “Sao lại cho bác…”. Cô gái chỉ nở nụ cười thân thiện thay cho câu trả lời, đưa ổ bánh mì đến gần người bán vé số hơn. Dường như đã hết nghi ngại, ông lão cầm ổ bánh mì rồi lí nhí nói lời cảm ơn chỉ đủ mình nghe.

Trao cả tấm lòng

Cô gái nhanh chóng rời đi trên chiếc xe chất đầy những ổ bánh mì đựng trong túi ni-lông. “Dễ thương quá” - một phụ nữ di dạo cùng đứa con nhỏ thốt lên. Đưa ánh mắt đã bạc màu thời gian dõi theo cô gái, ông lão bán vé số không nói lời nào nhưng chúng tôi vẫn nhận ra sự cảm kích xen lẫn ngỡ ngàng của ông.

Ổ bánh mì kẹp thịt chừng chục ngàn đồng nhưng có lẽ nó khiến ông lão cảm thấy ấm lòng. Chẳng phải vì thứ vừa được nhận, ông vui bởi tấm lòng của cô gái kia cũng như những người đang âm thầm làm rồi đi tặng bánh mì cho các trường hợp khó khăn, cơ nhỡ như ông trên nhiều nẻo phố.

Chị Nha Trang - chủ một quán cà phê, người khởi xướng hành trình tặng bánh mì cho người nghèo - cho biết nhóm của chị có gần 20 người. Mỗi tuần một lần, họ lại tập trung làm bánh mì từ 17 giờ. Xong đâu đấy, mỗi người nhận vài chục ổ rồi chia nhau tỏa đi các ngả đường, thấy ai có nhu cầu thì tấp lại để tặng.

“Họ là những người bán vé số, đám trẻ nhếch nhác lảng vảng quanh các quán nhậu để xin tiền, bà lão gầy gò nép mình ở góc đường hay ông cụ cô độc ngồi trên cầu giữa dòng xe cộ ngược xuôi. Họ còn là những người lao công lặng lẽ với chiếc chổi tre, những người vá xe, chạy xe ôm… Thấy họ là các bạn trẻ thuộc nhóm của tôi lại tìm đến tặng ổ bánh mì lót dạ” - chị Nha Trang cho biết.

Ca sĩ Thanh Thảo trong một đêm tặng “bánh mì tình thương”
Ca sĩ Thanh Thảo trong một đêm tặng “bánh mì tình thương”

Những người đi tặng bánh mì không nghĩ nhiều về việc họ đang làm. “Đơn giản là ngoài phố luôn có ai đó đang đói và họ cần một ổ bánh mì để lót dạ” - chị Ngọc, thuộc nhóm của chị Nha Trang, bày tỏ. Với vài người khác, thấy bạn bè trên trang mạng xã hội rủ rê, họ có thời gian rảnh nên tham gia. Tuy nhiên, theo chân các bạn trẻ này, chúng tôi mới hiểu được ý nghĩa của những nụ cười và giá trị tinh thần của một ổ bánh mì lớn đến đâu…

Nhóm của chị Nha Trang làm bánh mì tặng người khó khăn, cơ nhỡ

Doanh nhân Thu Hoài tham gia làm bánh mì để tặng người nghèo

Nhận ổ bánh mì, người đàn ông khuyết tật bán vé số bên vệ đường Nguyễn Thái Học (quận 1, TP HCM) cúi đầu thốt lên một câu khiến chúng tôi không khỏi xót xa: “Cám ơn cô…, con đói lắm”. Kiểu xưng hô của ông còn làm chúng tôi ngạc nhiên. Ông lớn tuổi hơn hẳn cô gái tặng bánh mì. Có lẽ với ông, chỉ có cô tiên trong truyện cổ tích mới quan tâm đến người cơ nhỡ, khó khăn.

“Chúng tôi chẳng còn lạ gì với vẻ kinh ngạc, ngỡ ngàng của nhiều người khi nhận bánh. Lời cảm ơn là những gì chúng tôi được nhận nhiều nhất” - chị Nha Trang xúc động. Với nhóm của chị, câu chuyện về người đàn ông vá xe ở góc đường Võ Thị Sáu (quận 3, TP HCM) là một trong những động lực giúp hành trình tặng bánh mì của họ nối dài mãi.

Trên đường trở về sau chuyến đi tặng bánh, nhóm chỉ còn đúng một ổ bánh mì thì phát hiện ông cụ vá xe ở góc đường, thân hình yếu ớt và dáng đi không còn linh hoạt. Nhóm ghé lại tặng ông ổ bánh mì cuối cùng. Bỗng nhiên, ông hỏi: “Các cháu tốt quá. Bác có thể xin thêm một ổ nữa được không?”, rồi gãi đầu giải thích: “Cho bà vợ”. Thấy cả nhóm tần ngần, ông cười: “Vậy thì vợ chồng bác ăn chung, thế này cũng đủ rồi”.

“Chúng tôi đi vì những điều như thế” - chị Ngọc khẳng định.

Nhân rộng điều giản dị

Ca sĩ Thanh Thảo cũng là người khởi xướng việc tặng bánh mì cho người nghèo. Chị quyết định dành toàn bộ lợi nhuận của việc bán album cho hoạt động này. Cởi bỏ vẻ ngoài của một ngôi sao, chị ngồi xe máy rong ruổi khắp các ngả đường cùng với “fan” của mình tìm người tặng bánh mì.

“Tôi và nhà tạo mẫu tóc Khánh Vĩnh Hưng chơi với nhau 20 năm. Ngoài việc hỗ trợ trong công việc và cuộc sống, cả 2 cùng hướng đến những việc tốt cho cộng đồng. Khánh Vĩnh Hưng là người nghĩ ra ý tưởng này đầu tiên và tôi hưởng ứng ngay vì thấy rất thiết thực, ý nghĩa. Chương trình mang tên “Bánh mì tình thương”, thực hiện mỗi tối thứ bảy hằng tuần, hiện đã được nhiều mạnh thường quân đóng góp. Mỗi khi đi lưu diễn tại hải ngoại, tôi lại bán CD gây quỹ để khi trở về Việt Nam là đích thân đi tặng bánh mì cho người nghèo” - Thanh Thảo tâm sự.

Đến nay, ở TP HCM ít nhất có 3 nhóm (mỗi nhóm chừng 20 người) tổ chức làm bánh mì và đem tặng cho người nghèo mỗi tuần một lần. So với những đợt làm từ thiện quy mô tiền tỉ, việc tặng bánh mì với chi phí vài triệu đồng mỗi đêm dường như chẳng thấm tháp gì. Thế nhưng, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, ý nghĩa thiết thực của chương trình này thì ai cũng có thể cảm nhận.

Nhóm thứ 3 là do nữ doanh nhân Thu Hoài làm đầu tàu, tặng bánh mì vào thứ hai hằng tuần. Chị bộc bạch: “Dù chỉ đơn giản chạy xe máy tìm người lang thang trên hè phố, anh chị lao công, phụ nữ lượm ve chai… để tặng bánh mì nhưng tôi đã học hỏi được nhiều điều. Có nhiều trường hợp khiến tôi suy nghĩ mãi. Chẳng hạn, một ông cụ khi được tặng bánh đã từ chối, bảo còn khỏe mạnh, hãy dành phần cho người khác cần hơn. Lúc ấy tôi không thể cầm được nước mắt”.

Nếu Thanh Thảo là ca sĩ, chị Thu Hoài là doanh nhân thì chị Nha Trang chỉ là người buôn bán. Dù nổi tiếng, thành đạt hay chỉ là người bình thường thì họ đều thực hiện hành trình này vì một điều đơn giản: “Người cần giúp đỡ ở đâu cũng có”.

Theo chị Thu Hoài, trước đây chị cũng chẳng khá giả gì. “Tôi từng phải vất vả mưu sinh và hiểu được rằng một phần bánh mì không giúp no bụng nhưng nó ẩn chứa tấm lòng, giúp nhiều người có niềm tin hơn về tương lai” - chị thổ lộ. Ca sĩ Thanh Thảo thì xúc động: “Đã trở thành hình ảnh thân quen, cứ thấy chúng tôi từ xa, nhiều người lại vẫy tay gọi tới. Có hôm gặp người nhặt rác, ông nói với chúng tôi: “Cho tui xin thêm một ổ vì vợ nằm liệt ở nhà không đi đâu được, tôi mang về cho bà ấy”. Có trải nghiệm thực tế mới thấy hoạt động này rất thiết thực”.  

 

Tặng mền cho người già

Những ngày này, Sài Gòn trở lạnh. Vài người cơ nhỡ khi nhận bánh mì đã nài nỉ: “Nếu có mền thì cho bác xin nhé, dạo này nằm ngủ trên cầu lạnh quá”.Vì vậy, không chỉ bánh mì, chị Nha Trang còn kêu gọi bạn bè, người quen mua mền tặng người già.

 

Doanh nhân Thu Hoài tham gia làm bánh mì để tặng người nghèo

Nhóm của chị Nha Trang làm bánh mì tặng người khó khăn, cơ nhỡ

 

Hôm đi cùng nhóm chị Nha Trang, chúng tôi bắt gặp một người đàn ông chạy xe ôm với dáng khắc khổ nở nụ cười hạnh phúc khi nhận ổ bánh mì. Ngay tầm mắt chúng tôi, một người đàn ông thanh lịch đang thưởng thức bữa ăn tối trong nhà hàng ở khuôn viên khách sạn New World nhưng không rõ điều gì mà vừa nghe điện thoại vừa nhăn mặt cau có. Chúng tôi chợt nghĩ chắc gì bữa ăn vương giả kia ngon lành bằng ổ bánh mì đơn sơ của người chạy xe ôm!

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo