Chiều 10-6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp đoàn các nhà báo tham gia chương trình Báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp, doanh nhân lần thứ 2. Cùng dự có nhà báo Thuận Hữu - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam - cùng lãnh đạo nhiều cơ quan báo - đài và các nhà báo tham gia chương trình.
Thúc đẩy minh bạch hóa
Phát biểu tại buổi tiếp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trân trọng gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các nhà báo, các cơ quan báo chí cả nước nhân dịp kỷ niệm 91 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21.6.1925-21.6.2016).
Thủ tướng nhấn mạnh thông tin báo chí là tiếng nói của công luận, góp phần thúc đẩy sự minh bạch hóa, tính dân chủ trong xã hội. Thời gian qua, báo chí trong nước đã thông tin toàn diện các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội và đặc biệt có vai trò rất quan trọng trong đấu tranh bài trừ cái xấu; phòng chống tham nhũng, lãng phí, trật tự an toàn giao thông…; góp phần xây dựng xã hội ngày một tốt đẹp hơn.
Đánh giá cao chương trình Báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp (DN), doanh nhân lần thứ 2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định mối quan hệ hợp tác giữa nhà báo và DN có tầm quan trọng đặc biệt trong tiến trình sản xuất - kinh doanh của DN nói riêng và góp phần vào sự phát triển kinh tế đất nước nói chung. Báo chí là cầu nối giữa DN và nhà nước; thông tin từ báo - đài giúp Chính phủ và các cơ quan nhà nước lắng nghe ý kiến của DN, từ việc thực hiện chủ trương, chính sách để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý điều hành.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu. Ảnh: Quang Hiếu
Thủ tướng nhấn mạnh ở bất cứ giai đoạn nào, báo chí đều có vai trò quan trọng trong quá trình hoạt động của DN và qua đó góp phần vào sự phát triển chung của đất nước như bảo vệ môi trường, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội. Quan hệ giữa báo chí và DN còn thể hiện ở sự đồng hành giữa báo chí trong hoạt động xây dựng thương hiệu, quảng cáo sản phẩm, phát triển sản xuất - kinh doanh của DN. Nhấn mạnh đến việc các cấp, các ngành đang tích cực thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN và Nghị quyết 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, Thủ tướng đề nghị các cơ quan báo chí và các DN thắt chặt hơn nữa quan hệ cộng tác; là những người đồng hành thân thiết, tương trợ lẫn nhau vì lợi ích chung của cộng đồng, vì sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các cơ quan báo chí phát huy sứ mệnh của mình, thông tin trung thực, khách quan; thực hiện tốt vai trò cầu nối của mình góp phần cùng Chính phủ tạo điều kiện cho DN phát triển. Báo chí cần phản ánh trung thực tình hình sản xuất kinh doanh của DN; trong quá trình tác nghiệp, nhà báo cần phát huy năng lực, phẩm chất đạo đức báo chí cách mạng, bảo đảm chất lượng thông tin. Bên cạnh đó, người làm báo cần đổi mới nhận thức của xã hội, tạo sự đồng thuận, sự cảm thông chia sẻ của xã hội, góp phần động viên DN, doanh nhân.
Hướng tới sự chuyên nghiệp
Các nhà báo và đại diện DN có mặt tại buổi tiếp phát biểu khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ gắn bó, đồng hành giữa DN và các cơ quan báo chí. Báo chí coi DN, doanh nhân là nguồn đề tài phong phú, đa dạng, là nguồn cảm hứng để làm ra tác phẩm.
Các đại biểu nhấn mạnh đến vai trò của báo chí là cầu nối hữu hiệu giữa DN với nhà nước và cộng đồng; phản biện một cách kịp thời các chính sách, giúp cơ quan quản lý nhà nước điều chỉnh chủ trương, chính sách phù hợp với thực tiễn. Báo chí hỗ trợ DN các thông tin về thị trường, quảng bá sản phẩm, dịch vụ của mình và giúp DN khắc phục những hạn chế, yếu kém của mình trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Tuy nhiên, để thông tin trên báo chí về sản xuất - kinh doanh của DN ngày càng chất lượng và có hiệu quả, nhiều đại biểu khẳng định báo chí và DN đều cần hướng tới sự chuyên nghiệp trong việc cung cấp thông tin và xử lý thông tin; đồng thời cần tăng thêm sự chia sẻ, hiểu biết lẫn nhau.
Hỗ trợ doanh nghiệp làm ăn đúng luật
Tại buổi tiếp, các đại biểu nhà báo và đại diện DN nhấn mạnh trong giai đoạn mới, nhà báo cần nâng cao tính chủ động, thượng tôn pháp luật, hướng DN vào những hoạt động kinh doanh đúng đắn, tuân thủ pháp luật; phát hiện tiêu cực, đồng thời ngăn chặn những hành vi vi phạm của cơ quan quản lý và cả DN, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng và minh bạch.
Bình luận (0)