Ngày 11-2, Thường vụ Thành ủy TP HCM đã làm việc với Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco) về kết quả hoạt động của Đảng ủy và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ X.
Hoàn thành chỉ tiêu 100% nước sạch
Ông Trần Văn Khuyên, Chủ tịch HĐTV Sawaco, cho biết năm 2016 đã hoàn thành chỉ tiêu 100% hộ dân TP được sử dụng nước sạch; tỉ lệ nước thất thoát còn 28,3% và bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng nước sạch cho sinh hoạt nhân dân và hoạt động sản xuất - kinh doanh, dịch vụ của TP. Đáng chú ý, tổng công suất cấp nước tăng từ 1,34 triệu m3/ngày đêm vào năm 2009 lên 2,4 triệu m3/ngày đêm vào năm 2016. Tính đến năm 2016, mạng ống cấp 1, 2 đạt 648,3 km cùng với mạng cấp 3 dài hơn 7.100 km đã cung cấp nước sạch cho gần 1,3 triệu khách hàng là các hộ gia đình và các doanh nghiệp.
Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng và Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Tất Thành Cang tham quan nhà truyền thống Sawaco Ảnh: TRƯỜNG HOÀNG
Theo ông Khuyên, sẽ nâng dung tích bể chứa nước sạch bảo đảm khả năng cung cấp liên tục 6-7 giờ khi xảy ra sự cố; đồng thời, xây dựng các bể chứa phân phối quy mô lớn trên mạng lưới cấp nước có dung tích từ 36.000 đến 130.000 m3 tại Thảo Cầm Viên, Công viên Gia Định, đường Nguyễn Văn Linh (quận 7), Công viên Phú Lâm, Công viên Văn hóa Gò Vấp. Cùng với đó là các giải pháp để giảm tỉ lệ thất thoát nước gồm phân vùng tách mạng, thiết lập khu vực quản lý đồng hồ tổng; đưa hệ thống quản lý mạng lưới cấp nước trên cơ sở ứng dụng GIS (hệ thống SAWAGIS) vào hoạt động hiệu quả; đầu tư thiết bị dò tìm rò rỉ, dò ống, dò van, thiết bị định vị GPS...
Ông Bùi Thanh Giang, Phó Tổng giám đốc Sawaco, cho biết an ninh nguồn nước chính là ứng phó với biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Sawaco đã nâng cao năng lực dự trữ bể chứa của các nhà máy nước lên 8 giờ so với đợt xâm nhập mặn trên sông Sài Gòn năm 2016. Bên cạnh đó, từ 120 trạm giếng sẽ chọn ra 47 cái để sử dụng khi nước sông có vấn đề. Cùng với đó là 5 trạm bơm trung gian sẽ làm tăng áp lực nước và tạo áp lực đồng đều trên toàn TP.
Khẩn trương xã hội hóa
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Văn Khoa cho biết an ninh nguồn nước là một vấn đề quan trọng của TP và yêu cầu Sawaco phải lập đề án an ninh nguồn nước trước tháng 6-2017. Cùng với đó, xây dựng hồ dự trữ nước thô trong tháng 3-2017 và 43 hồ dự phòng để bảo đảm nguồn nước đầu vào khi xảy ra sự cố ít nhất 24 giờ. Còn vấn đề uống nước tại vòi, ông Khoa yêu cầu trong tháng 3-2017 phải có kế hoạch tổng thể và nên thực hiện trước ở khu dân cư mới hoặc cũ nhưng có điều kiện như: Thủ Thiêm, Phú Mỹ Hưng… và những khu vực khác du lịch đến đông như quận 1. “TP sẽ có cơ chế thưởng nếu Sawaco kéo giảm tỉ lệ thất thoát nước xuống dưới 10%” - ông Khoa nhấn mạnh.
Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng cho biết năm 2016, TP đã hoàn thành tỉ lệ 100% hộ dân TP được sử dụng nước sạch. Tuy nhiên, TP đặt mục tiêu cao hơn là phải bảo đảm an ninh nguồn nước trong điều kiện ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khi mà Việt Nam là một trong 5 quốc gia trên thế giới bị ảnh hưởng, trong đó ĐBSCL và TP HCM là ảnh hưởng nặng nề nhất. Ngoài ra, Bí thư Thành ủy cũng đề nghị khẩn trương xã hội hóa cấp nước và đưa công nghệ vào quản lý đồng hồ nước, giảm người đi ghi chỉ số nước. Giá thành nước phải công khai cho dân biết và xây dựng lại cơ cấu giá nước.
“UBND TP tổ chức hội nghị mời nhà đầu tư vào đấu thầu trong lĩnh vực cấp nước. Các cơ quan có liên quan cần tập trung tuyên truyền để người dân sử dụng nước sạch” - Bí thư Thành ủy nói.
Hạn chế khai thác nước ngầm
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM, hiện tỉ lệ người dân, doanh nghiệp, KCN sử dụng nước ngầm chiếm khoảng hơn 40% là khá cao, trong đó có 308.553 hộ dân và khoảng 13.700 doanh nghiệp. Về vấn đề này, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng hỏi lãnh đạo Sawaco có bảo đảm đủ nguồn nước cung cấp cho người dân TP khi cấm hoàn toàn việc khai thác nước ngầm? Ông Bạch Vũ Hải, Phó Tổng giám đốc Sawaco, cho biết với công suất hiện nay sẽ đáp ứng được phần thiếu hụt khi cấm khai thác nước ngầm. “Nên áp dụng các biện pháp hành chính và kinh tế để hạn chế tình trạng khai thác nước ngầm” - Bí thư Thành ủy đề nghị.
Bình luận (0)