Ngày 21-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) cho ý kiến về dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi). Tại cuộc họp, Thượng tướng Phạm Ngọc Minh - Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn - cảnh báo thủy sản nước ta đang bị tận diệt bằng đủ các hình thức đánh bắt như kích điện, dùng thuốc nổ, hóa chất... Do đó, dự thảo cần quy định cụ thể về quản lý nhà nước ở những khu vực được đánh bắt, nêu rõ mùa nào cấm đánh bắt, đặc biệt là mùa cá sinh sản hoặc những khu vực ven bờ, những khu vực bảo tồn phải có quy định cụ thể. Đặc biệt, phải cấp hạn ngạch đánh bắt chứ không thể đánh bắt vô tội vạ, đánh bắt bao nhiêu cũng được.
Ngoài ra, ông Minh lưu ý tính cần thiết của việc thắt chặt kiểm định các tàu đánh cá. Trong gần 1 tháng qua, hơn 90 tàu cá bị tai nạn, trong đó có chìm tàu, phá nước, mất tài sản, đâm nhau, tai nạn lao động rất nhiều. Cơ bản các vụ tai nạn đều ứng cứu được nhưng gây không ít khó khăn cho lực lượng chức năng.
Đồng quan điểm, Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của QH, cho rằng chúng ta nói “rừng vàng, biển bạc” nhưng khi đề cập luật rừng, luật biển thì hết sức đơn giản. Các quy định cấm trong luật còn quá chung chung, chưa có gì rõ ràng. Ở nước khác, mùa cá sinh sản đều cấm đánh bắt, họ cũng quy định rõ loại cá nào được đánh, vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm. Ở ta không cấm rõ ràng, mùa cá sinh sản ngư dân vẫn ra khơi đánh bắt hết nên mới dẫn đến chuyện tận diệt.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết với chiều dài hơn 3.200 km bờ biển, phạm vi ngư trường hàng triệu km2, tiềm năng nghề cá rất lớn nên mới được gọi là “biển bạc”. Theo ông Cường, ô nhiễm môi trường là một nguy cơ hiện hữu, nếu không có quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản cấp tỉnh sẽ không xử lý được tức thời.
Góp ý vào dự thảo Nghị định quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy chữa cháy trong chiều cùng ngày, đa số ý kiến các Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH nhất trí với việc ban hành nghị định trên. Ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH - cho rằng dự thảo cần đặc biệt quan tâm tới những sự việc xảy ra trong đô thị. Các thành phố vô cùng nhiều vụ việc nên cứu hộ, cứu nạn là cực kỳ quan trọng.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị ban soạn thảo giải thích thêm quy định cứu hộ thông thường và cứu hộ khẩn cấp. Vì khi có sự cố, tai nạn xảy ra rất khó phân biệt cái nào là khẩn cấp phải làm ngay, cái nào là thông thường để ký hợp đồng rồi mới cứu hộ.
Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển yêu cầu ban soạn thảo Luật Thủy sản (sửa đổi) tiếp tục hoàn thiện dự án. Việc sửa Luật Thủy sản sẽ được QH xem xét tại kỳ họp thứ ba vào tháng 5 tới.
Bình luận (0)