xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Báo động sạt lở rừng phòng hộ

Bài và ảnh: KHANG TRÂM

Những ngày qua, sóng to gió lớn kết hợp thủy triều dâng cao khiến tình trạng sạt lở khu vực rừng phòng hộ ven biển Đông thuộc 2 tỉnh Cà Mau và Kiên Giang trở nên nghiêm trọng hơn

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Cà Mau, tính đến cuối tháng 5-2017, nhiều tuyến rừng phòng hộ biển Đông đoạn từ huyện Năm Căn đến xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển đang bị sạt lở nghiêm trọng, sóng biển tiếp tục uy hiếp đất rừng và cây rừng. Hiện nay, trên toàn tuyến đã xuất hiện 4 điểm có nguy cơ sạt lở cao gồm: Vàm Xoáy, Khai Long, Rạch Gốc và Hố Gùi.

Bờ biển sạt lở nghiêm trọng

Báo cáo của UBND xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn cho biết tình hình trở nên nghiêm trọng hơn khi các cơn sóng lớn đã làm sạt lở chiều dài hơn 1 km tại khu vực ven biển thuộc ấp Hố Gùi. Có đoạn sóng khoét sâu từ bờ biển vào đất liền trên 100 m, trong đó khoảng 50 m là rừng phòng hộ rất xung yếu, còn lại là đất nuôi thủy sản.

Qua theo dõi của ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau, các khu vực này mỗi năm lở sâu vào trong đất liền từ 30-40 m. Thời điểm lở nhiều nhất từ tháng 10 đến tháng 1 năm sau. Hiện nay, mức độ sạt lở chưa cao nhưng về lâu dài cần khẩn trương đầu tư xây dựng kè bảo vệ những khu vực rừng phòng hộ ven biển và bảo đảm an toàn cho hàng ngàn hộ dân sinh sống bên trong đai rừng phòng hộ an tâm sinh sống và sản xuất.

Báo động sạt lở rừng phòng hộ - Ảnh 1.

Một đoạn bị sạt lở trên tuyến rừng phòng hộ biển Đông

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử nói: "Biến đổi khí hậu đã làm ảnh hưởng đến tất cả lĩnh vực ở tỉnh Cà Mau, tình trạng sạt lở ven biển, ven sông khá lớn. Cà Mau có chiều dài bờ biển 254 km nhưng 100 km đang trong tình trạng sạt lở, trong đó có khoảng 40 km sạt lở nghiêm trọng".

Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã triển khai nhiều giải pháp khắc phục sạt lở nhiều vị trí xung yếu với chiều dài 23.667 m, tổng mức đầu tư hơn 652 tỉ đồng.

Dân bỏ đi nơi khác

Rừng phòng hộ ven biển An Biên - An Minh (Kiên Giang) chạy dài từ Mũi Rảnh, xã Tây Yên, huyện An Biên đến rạch Tiểu Dừa, xã Vân Khánh Tây, huyện An Minh, giáp tỉnh Cà Mau có chiều dài khoảng 61 km với tổng diện tích 4.092 ha. Rừng phòng hộ nơi đây gồm có 2 đai rừng chính và phụ; đai rừng phụ, chủ yếu là cây đước có diện tích 2.985 ha, đã giao khoán cho 866 hộ gia đình và tổ chức; đai rừng chính có 1.121 ha, chủ yếu là cây mắm gồm rừng tự nhiên 654 ha giao cho cá nhân và tổ quản lý bảo vệ rừng nhận khoán bảo vệ hằng năm, còn lại 189 ha là rừng trồng qua các năm và 278 ha bãi bồi có khả năng trồng rừng.

Theo người dân 2 xã Vân Khánh và Vân Khánh Tây, trước kia nơi đây là cả một vùng nuôi trồng thủy sản rộng lớn dưới tán rừng phòng hộ nhưng giờ hằng ngày, hằng giờ phải hứng chịu những cơn sóng tàn phá. Qua khảo sát thực địa của Hạt Kiểm lâm và Ban Quản lý rừng An Biên - An Minh, tại thời điểm này, bờ biển tiếp giáp với rừng phòng hộ ven biển thuộc 2 huyện An Biên - An Minh đã bị sạt lở đến mức báo động. Tại những nơi bị sạt lở như thế này ở dọc vùng ven bờ biển 2 huyện ước tính có độ dài khoảng 25 km. Đặc biệt, nghiêm trọng là ở vùng ven biển thuộc 2 xã Vân Khánh và Vân Khánh Tây giáp tỉnh Cà Mau. Trong vài năm qua, xâm thực biển đã cuốn trôi hàng trăm hecta nuôi trồng thủy sản gần bờ và tuyến rừng phòng hộ, tương đương khoảng 60% diện tích ban đầu ở nơi đây bị biến mất. Kể từ năm 2010 đến nay, tình hình sạt lở trên địa bàn huyện An Minh rất nghiêm trọng, với tổng diện tích bị lở 200 ha; đặc biệt là xã Vân Khánh Tây, diện tích bị lở hơn 50%, đoạn giáp Cà Mau bị sạt lở tới cống thoát nước và hầu hết người dân trên địa bàn xã không sản xuất được.

Ông Nguyễn Văn Điền (ngụ ấp Kim Quy B, xã Vân Khánh) chỉ tay về mé biển phía xa, cho biết: "Đó! Chỗ còn mấy cái cây đưa lên là nhà tôi. Chỉ mới hơn 3 tháng nay mà biển đã lấn vào hơn 100 m rồi".

Ông Trần Văn Hẹn, Tổ trưởng Tổ Quản lý rừng ấp Kim Quy B, xã Vân Khánh, chia sẻ: "Tổ của tôi có 22 hộ, nhận khoán trồng rừng với chiều dài theo bờ biển là 4 km, trong đó nhiều là 30 ha, ít là 10 ha. Tuy nhiên, gần 3 năm nay đã sạt lở hết, chiều sâu sạt lở từ biển vào hơn 200 m, gây thiệt hại đến diện tích rừng đước trồng của các hộ dân nhận khoán. Bên cạnh đó, việc thu nguồn lợi thủy sản dưới tán rừng để giúp bảo đảm cuộc sống hằng ngày cho các hộ nhận khoán trồng rừng cũng không còn nên nhiều hộ đã bỏ đi nơi khác làm thuê kiếm sống".

Ông Nguyễn Thanh Linh, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng An Biên - An Minh, cho biết để bảo đảm đời sống người dân và khôi phục lại diện tích rừng đã mất, ban quản lý đã có đề xuất di dời những người dân trong diện tích rừng còn lại sau sạt lở vào phía trong đê.

Khắc phục sụp lún ở huyện Nhà Bè trong 5 ngày

Ngày 1-6, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Văn Khoa đã dẫn đầu đoàn kiểm tra liên ngành đến khu vực sụp lún ven rạch Tôm, đoạn cuối hẻm 1740 Lê Văn Lương (ấp 3, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, TP HCM), nhằm đánh giá hiện trạng và đưa ra biện pháp khắc phục.

Tại buổi khảo sát, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, cho biết nguyên nhân dẫn đến hiện tượng sụp lún là do đường hẻm 1740 xây dựng trên nền đất yếu, lượng phương tiện đi lại khá cao nên khi mực nước ở rạch Tôm dâng lên rồi rút xuống làm đất bị xói mòn. Đồng thời, do chưa xây dựng bờ kè nên lúc dòng chảy ở rạch mất ổn định đã tạo nên hố xoáy làm nền đất sạt xuống.

Theo PGS-TS Tô Văn Thanh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học - Thủy lợi Miền Nam, trước mắt phải khẩn cấp lấp hố xoáy dưới lòng rạch, sau đó nghiên cứu tìm giải pháp xử lý triệt để. Khu Quản lý đường thủy nội địa - Sở GTVT TP xác định hố xoáy tại khu vực trên dài khoảng 100 m, sâu hơn lòng rạch hiện hữu từ 2,5-3 m nên sẽ dùng cát, đá để lấp.

Sau khi nghe các đơn vị báo cáo, ông Lê Văn Khoa yêu cầu UBND huyện Nhà Bè họp dân ở khu vực trên để thông tin chi tiết về tình hình, chậm nhất trong sáng nay (2-6) phải di dời xong 4 hộ dân còn lại trong phạm vi bị ảnh hưởng. Việc xử lý trước mắt, ông Khoa yêu cầu các đơn vị thực hiện xong trong thời gian 5 ngày và phải bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân. Còn giải pháp lâu dài, UBND TP chấp nhận để Sở GTVT tạm ứng 300 triệu đồng từ nguồn vốn ngân sách nhằm thực hiện công tác thuê đơn vị tư vấn, có đánh giá toàn diện để lên phương án ngăn chặn triệt để nguy cơ sạt lở tại khu vực trên.

G.Minh

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo