Thời gian qua, trên cả nước liên tiếp xảy ra các vụ trọng án mà kẻ thủ ác là người bị tâm thần. Đa số những vụ án này đều hết sức dã man mà nạn nhân chủ yếu là người thân trong gia đình. Những vụ án như vậy về mặt pháp lý hết sức phức tạp vì điều 13 của Bộ Luật Hình sự quy định người phạm tội khi đang mắc bệnh tâm thần thì không phải chịu trách nhiệm hình sự và bị bắt buộc đi chữa bệnh.
Tội phạm liên quan đến các đối tượng bị tâm thần ngày càng phức tạp nên từ tháng 12-2012, Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) đã có văn bản yêu cầu công an các địa phương tăng cường phối hợp để quản lý, ngăn chặn nguy cơ người tâm thần gây án. Tuy nhiên, tình hình vẫn không biến chuyển.
Theo các bác sĩ chuyên khoa tâm thần, các bệnh nhân đa số mắc bệnh tâm thần phân liệt do những biến đổi sinh học phức tạp hoặc tác động tâm lý bất lợi. Ngoài ra, còn có những dạng tâm thần khác như trầm cảm, rối loạn hành vi, sa sút tâm thần, loạn thần vì uống rượu... Những người bị bệnh như vậy về mặt y khoa cần phải được điều trị nhưng hiện xã hội vẫn còn định kiến với người bệnh tâm thần; thiếu sự quan tâm, chăm sóc với người bệnh, thậm chí có nhiều gia đình còn tìm cách giấu bệnh, tự điều trị gây khó khăn trong việc quản lý bệnh nhân tâm thần của cơ quan chức năng.
Điều đáng nói là cho đến nay vẫn chưa có văn bản pháp luật nào quy định người mắc bệnh tâm thần phải bắt buộc đi điều trị, trừ khi người đó gây án. Đó là những nguyên nhân làm cho cả xã hội phải sống chung với những người bệnh tâm thần - những người có thể có những hành vi nguy hiểm vào bất cứ lúc nào.
Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần có những giải pháp tích cực để phòng chống loại tội phạm có liên quan đến bệnh tâm thần. Cần có những quy định pháp luật, hỗ trợ tài chính để đưa những người bị bệnh tâm thần đi chữa trị. Đó không chỉ là biện pháp nhân đạo mà còn là cách phòng chống loại tội phạm nguy hiểm nhưng khó lường và không từ một ai này...
Bình luận (0)