Theo báo cáo của Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai, tính đến 20 giờ ngày 14-10, mưa lũ ở các tỉnh miền Trung đã làm 5 người chết (Quảng Bình: 3, Thừa Thiên-Huế: 2), 4 người mất tích (Quảng Bình 4), 12 người bị thương (Quảng Trị: 3, Thừa Thiên-Huế: 2, Quảng Bình: 7). Mưa lũ cũng đã làm hơn 27.000 ngôi nhà ở các tỉnh bị ngập.
Vị trí và dự báo hướng di chuyển của bão Sarika-Nguồn: Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn trung ương
Chiều 15-10, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Trung tâm khí tượng Thủy văn quốc gia, cho biết do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh, các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên-Huế có mưa rất to.
Với tổng lượng mưa đo được tại trạm khí tượng Đồng Hới (Quảng Bình) lên tới 747 mm, ông Hải cho biết đây là kỷ lục chưa từng được ghi nhận trong lịch sử quan trắc ở Quảng Bình. Kỷ lục cũ ở tỉnh này là mưa 555 mm đo được trong 24 giờ (ngày 9-10-1995).
Nước lũ dâng gần lút nóc nhà người dân ở huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình-Ảnh: Ngọc Hà
Lí giải về việc mưa ngập nặng nề tại miền Trung, ông Lê Thanh Hải cho biết sau hai năm liên tiếp ảnh hưởng của El Nino, miền Trung gần như không có bão, lũ, thậm chí năm 2015 còn không có trận lũ nào đáng kể. Tuy nhiên, năm 2016, do tác động của La Nina yếu, miền Trung lại đón áp thấp nhiệt đới và có lũ.
Theo quy luật, các đợt mưa lũ của miền Trung xảy ra vào tháng 9 đến tháng 11, nguyên nhân là dải hội tụ nhiệt đới; hoặc áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh; hoặc bão cùng không khí lạnh.
Đợt mưa đang diễn ra ở miền Trung không nằm ngoài quy luật. Vùng áp thấp ở Biển Đông mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, tiến vào Thừa Thiên-Huế đêm 13-10 và kết hợp với không khí lạnh gây mưa diện rộng cho các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Nghệ An.
“Trước đó, từ ngày 11-10, Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn trung ương đã phát bản tin cảnh báo mưa to từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế, trong đó mưa lũ ở Thừa Thiên-Huế có thể tương đương như lũ lịch sử năm 1999 và ở Hà Tĩnh tương đương trận lũ năm 2010”-ông Hải cho hay.
Về tình hình mưa lũ ở miền Trung trong những ngày tới, ông Lê Thanh Hải cho biết qua quan trắc cho thấy mưa có dấu hiệu giảm từ đêm qua, nhưng lan rộng ra ngoài phía Bắc, gồm Hà Tĩnh, Nghệ An.
Tại Quảng Bình, hôm nay 15-10 còn mưa to, nhưng cường độ giảm dần, chỉ khoảng 100-200 mm. Lũ thượng lưu sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố (Hà Tĩnh); sông Gianh, Kiến Giang (Quảng Bình) tiếp tục xuống; nhưng hạ lưu các sông Ngàn Sâu, La và sông Cả (Nghệ An) đang lên. Thủy triều đang lớn nên có thể làm chậm quá trình thoát lũ. Tuy nhiên hầu hết các sông, mực nước đều đã đạt đỉnh vào sáng nay và đang xuống.
Ngoài ra, miền Trung tập trung nhiều thủy điện, khi mưa lớn nước hồ đập đầy sẽ phải xả. Người dân ở hạ du cần đề cao cảnh giác và theo dõi sát thông tin cảnh báo để ứng phó kịp thời.
Với cơn bão Sarika đang tiến gần biển Đông, ông Hải nhận định đây là cơn bão rất mạnh, cường độ hiện cấp 12-13, giật 15-16. “Cho đến thời điểm hiện nay, nhiều khả năng bão ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta vào giữa tuần tới, có thể lặp lại đợt mưa lũ lớn cho các tỉnh miền Trung. Tuy nhiên bão còn diễn biến phức tạp và cần phải theo dõi sát để thông tin kịp thời đến cơ quan chức năng cũng như nhân dân để chủ động ứng phó”-ông Hải nói.
Bão Sarika giật cấp 17 hướng vào miền Trung
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn trung ương, lúc 13 giờ ngày 15-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 14,7 độ Vĩ Bắc; 123,9 độ Kinh Đông, cách đảo Luzon, Philippines khoảng 280km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (135-150km/giờ), giật cấp 16-17.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20-25km. Đến 13 giờ ngày 16-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,5 độ Vĩ Bắc; 118,5 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 680km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 14-15.
Do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 8-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-13, giật cấp 15-16. Biển động dữ dội.
Bình luận (0)