Ghé vào điểm bán bảo hiểm xe máy (BHXM) trên đường Lý Thường Kiệt (quận Tân Bình, TP HCM), chúng tôi được một nam thanh niên đon đả chào mời: “Công ty em đang khuyến mãi, giảm giá còn 35.000 đồng. Bên em còn bán cả bảo hiểm tai nạn người ngồi trên xe, giá 86.000 đồng nhưng hạ giá còn 20.000 đồng thôi”. Chúng tôi thắc mắc: “Giá rẻ vậy, lỡ xảy ra tai nạn có được công ty bồi thường?”. Ngắc ngứ hồi lâu, người này hạ giọng: “Chủ yếu để đối phó với công an thôi!”.
Chỉ từ 20.000-30.000 đồng
Hải, một sinh viên bán BHXM trên đường Điện Biên Phủ (quận 3), thổ lộ: “Nghỉ hè, em đi bán để kiếm thêm thu nhập. Đại lý trả hoa hồng dựa trên số lượng bán được. Nếu bán dưới 10 cái được hưởng 46,5%, từ 10 đến 49 cái được 50%, 50 đến 99 cái hưởng 52,5%... Bán càng nhiều, hoa hồng càng cao”. Nói đoạn, Hải khoe: “Em làm mới được 5 ngày mà bán gần 100 cái rồi. Công việc này nhàn, thu nhập khá, sinh viên tụi em làm đông lắm. Chỉ cần một tấm quảng cáo nhỏ gọn, bất cứ ai cũng có thể trở thành nhân viên bán BHXM…”.
Đi trên nhiều tuyến đường ở TP HCM, như: xa lộ Hà Nội, Điện Biên Phủ, Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3), Lý Thường Kiệt (quận Tân Bình), 3 Tháng 2 (quận 10)…, chúng tôi nhận thấy hàng loạt điểm bán BHXM di động với giá 35.000 đồng/năm hoặc 66.000 đồng/2 năm, một số nơi còn khuyến mãi “mua 1 năm, tặng 1 năm” hoặc tặng mũ bảo hiểm khi mua BHXM. Đặc biệt, có những điểm treo quảng cáo bán BHXM chỉ 15.000-20.000 đồng nhưng khi chúng tôi vào hỏi thì được biết đây là giá bán bảo hiểm tự nguyện dành cho người ngồi trên xe.
Tại tỉnh Đồng Nai, ở các con đường trung tâm TP Biên Hòa đến các vùng ven cũng dễ dàng bắt gặp rất nhiều điểm bán dạo BHXM như thế. Với các tấm biển rõ ràng, bắt mắt, giá bán BHXM được tiếp thị giảm đến 50% so với giá bán gốc. Tại một điểm trước cửa hàng xăng trên đường Nguyễn Ái Quốc, khi chúng tôi giơ máy chụp hình, người thanh niên bán BHXM dạo tỏ vẻ ngại ngần. Người này cho biết là cộng tác viên cho các đại lý bán BHXM, bán được bao nhiêu thì tính theo liên có sẵn, đem về lĩnh tiền công. “Em sợ cơ quan chức năng xử phạt vì dựng biển rao bán lấn chiếm lòng lề đường, còn việc sai quy định hay như thế nào, em không biết mà cũng chẳng thấy ai hỏi” - anh ta nói.
Đại lý tự phá giá
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Phạm Đình Trọng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), cho biết thông qua các đợt kiểm tra và phản ánh của báo chí, cơ quan này đã nhiều lần phát hiện và chấn chỉnh sai phạm, nhiều nhất là trên địa bàn TP HCM. Doanh nghiệp (DN) bảo hiểm không có chủ trương khuyến mãi, hạ giá nhưng vì nhiều lý do khác nhau, các đại lý tự phá giá và giao đội ngũ bán hàng (chủ yếu là sinh viên) đi bán sản phẩm với mục đích nâng cao doanh số.
Giấy chứng nhận bảo hiểm bao gồm 2 sản phẩm bảo hiểm bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện. Trong đó, phần bảo hiểm bắt buộc (bắt buộc chủ xe cơ giới phải mua) có in sẵn biểu giá quy định và tất cả các DN phải in theo mẫu của Bộ Tài chính. Đối với phần bảo hiểm tự nguyện (không bắt buộc chủ xe cơ giới phải mua), DN được tùy ý in theo mẫu riêng nhưng phải khác màu với phần bảo hiểm bắt buộc để dễ phân biệt và không in giá bán vì các DN được ấn định giá bán khác nhau. Tình trạng khuyến mãi chủ yếu xảy ra ở bảo hiểm tự nguyện vì ở sản phẩm này, các DN được phép khuyến mãi để cạnh tranh. Tuy nhiên, cũng có thời điểm lan sang cả bảo hiểm bắt buộc.
Ông Trọng cho biết đối với trường hợp mua - bán bảo hiểm bắt buộc dưới mức giá quy định của Bộ Tài chính, khi phát sinh rủi ro, quyền lợi của người mua bảo hiểm vẫn không bị ảnh hưởng vì đây là sản phẩm do nhà nước ban hành nên các DN phải tuân thủ, bồi thường đúng mức quy định.
Phê bình 8 doanh nghiệp Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) Trịnh Thanh Hoan vừa ký văn bản số 8070/BTC-QLBH nghiêm khắc phê bình tổng giám đốc 8 DN bảo hiểm vì để xảy ra tình trạng đại lý bán bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới với thời hạn bảo hiểm lớn hơn 1 năm và mức phí thấp hơn biểu phí do Bộ Tài chính quy định. Đó là các DN: Bảo hiểm Quân đội, Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Bảo hiểm Bưu điện, Bảo hiểm Petrolimex, Bảo hiểm PVI, Bảo hiểm Viễn Đông, Bảo hiểm Hàng không và Bảo hiểm Bảo Long. Bộ Tài chính yêu cầu các DN này kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh ngay hành vi vi phạm và xử lý nghiêm khắc đối với lãnh đạo các đơn vị và cán bộ vi phạm quy định của pháp luật.
T.Hà |
Lãnh án vì làm giả giấy bảo hiểm xe máy TAND TP HCM vừa tuyên phạt Lê Phi (SN 1982, quê Bình Thuận, nhân viên thiết kế bao bì, in ấn) 4 năm 6 tháng tù, Nguyễn Hòa (SN 1985, quê Gia Lai, nhân viên khai thác bảo hiểm tại Chi nhánh Công ty cổ phần Bảo hiểm PJICO Sài Gòn) 3 năm 6 tháng và Nguyễn Hoàng Nam (SN 1982, ngụ quận Gò Vấp, TP HCM, nhân viên của PJICO Gia Định) 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo. Các bị cáo bị xét xử về tội “Lừa đảo” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”. Theo cáo trạng, Nam và Hòa lấy mẫu BHXM thật, làm con dấu và ấn chỉ giả, sau đó Phi thiết kế, đặt in hàng ngàn BHXM giả cung cấp cho các đại lý với giá thấp hơn giá các công ty. Một BHXM được bán ra thị trường, các bị cáo hưởng 32%, đại lý hưởng lợi 68%. Chỉ trong một thời gian ngắn, các bị cáo đã bán 1.311 bảo hiểm giả cho 13 đại lý, thu lợi hơn 993 triệu đồng. Trước đó, Nguyễn Hoài Anh (SN 1983, ngụ quận Phú Nhuận, TP HCM, nhân viên tư vấn bảo hiểm của chi nhánh thuộc Công ty Bảo hiểm Petrolimex) bị TAND quận Phú Nhuận xử phạt 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo về 2 tội “Lừa đảo” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”. Trong quá trình làm việc, nắm được một số sơ hở trong quản lý của công ty, Anh đã làm giả con dấu Công ty Bảo hiểm Petrolimex sau đó in phôi bảo hiểm, số seri, giả chữ ký lãnh đạo trên giấy bảo hiểm rồi giao cho các đại lý bán. Số tiền thu được, các đại lý hưởng 65%, Anh hưởng 35%. Tổng cộng các đại lý thu được 61 triệu đồng tiền bảo hiểm, bị cáo thu lợi bất chính hàng chục triệu đồng.
P.Dũng |
Bình luận (0)