Trưa nay 24-6, bão số 1 (tên quốc tế bão Kujira) đã đi vào địa phận tỉnh Quảng Ninh-Hải Phòng.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Trung ương, bão số 1 gây gió giật cấp 10-12 trên vịnh Bắc Bộ (đảo Cô Tô có gió giật mạnh cấp 10), ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định có gió giật mạnh cấp 7-8, riêng Quảng Ninh - Hải Phòng đã có gió giật cấp 9-10 (Bãi Cháy có gió giật mạnh cấp 10). Ở ven biển các tỉnh Quảng Ninh - Nam Định và khu vực Bắc Trung Bộ đã có mưa vừa, mưa to đến rất to.
Hồi 14 giờ ngày 24-6, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,8 độ Vĩ Bắc; 106,7 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Quảng Ninh-Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là khoảng từ 60 đến 70 km/giờ), giật cấp 10-11.
Do ảnh hưởng của bão số 1, ở ven biển các tỉnh Quảng Ninh-Nam Định và khu vực Bắc Trung Bộ đã có mưa vừa, mưa to đến rất to với lượng mưa từ 50-80 mm.
Mưa gió làm đổ rào chắn công sở ở quận Đồ Sơn (Hải Phòng) - Ảnh: Trọng Đức
* Tại Hải Phòng:
Đến 15 giờ ngày 24-6, tại Hải Phòng đã có 4.710 phương tiện, lồng bè, chòi canh với 16.766 lao động vào nơi neo đậu tại bến phòng tránh bão; Trong đó, tại âu cảng Bạch Long Vỹ (Hải Phòng) có 411 phương tiện với 1.946 lao động, đưa lên bờ 183 phương tiện. Hiện không còn phương tiện hoạt động trên biển.
UBND huyện Bạch Long Vỹ cho biết bước đầu cơn bão đã gây ra thiệt hại về tài sản và người. Theo ông Đào Minh Đông, Phó Chủ tịch UBND huyện Bạch Long Vỹ, sáng nay trong quá trình chằng chống tàu cá, gió mạnh đã khiến ngư dân Nguyễn Văn Thịnh (36 tuổi, thường trú tại Quỳnh Lưu, Nghệ An) va đập vào thành tàu bị thương, ngất tại chỗ. Ngay sau đó, ngư dân này đã được đưa vào bệnh viện Bạch Long Vỹ cấp cứu kịp thời. Ngoài ra, 3 phương tiện trong âu cảng Bạch Long Vỹ bị đứt neo, dây chằng buộc, trôi dạt và mắc cạn sát bờ âu cảng. Cùng tại huyện đảo này, mưa bão đã khiến nhiều hoa màu, cây cối, một số cột điện, nhà dân bị hư hỏng, tốc mái.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, tại Đồ Sơn (Hải Phòng) đã có gió mạnh và mưa lớn, tuy nhiên hệ thống giao thông chưa bị ngập lụt, mọi sinh hoạt của người dân vẫn bình thường. Điều đáng chú ý, mặc dù cơn bão đang càng lúc càng mạnh, nhưng người dân, các nhà hàng, hộ kinh doanh tại Đồ Sơn có tâm lý chủ quan, không chịu chằng chống nhà cửa, quán xá.
Đến nay, 296 tàu thuyền với 1.111 lao động của địa phương và 112 tàu thuyền với 362 lao động ở địa phương khác đã neo đậu tại nơi tránh bão. Tại xã Bàng La (Đồ Sơn), chính quyền đã tổ chức di dời 175 hộ dân ở vũng trũng đến nơi an toàn. Theo lãnh đạo UBND quận Đồ Sơn, trong trường hợp khẩn cấp sẽ phải di dời 800 hộ dân đến vùng cao, nơi an toàn.
* Tại Quảng Ninh:
Theo thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ninh, vào khoảng 4 giờ sáng nay, ngày 24-6, một đầu kéo và 4 sà lan neo đậu tại bến Quang Minh, xã đảo Quan Lạn (Quảng Ninh) đã bị đứt neo trôi dạt sang xã đảo Ngọc Vừng.
Nhận được tin báo, Đồn Biên phòng Ngọc Vừng đã tổ chức ứng cứu. Đến trưa nay, lực lượng biên phòng đã tiếp cận được đầu kéo và đưa phương tiện cùng 10 thuyền viên (quê đều ở tỉnh Ninh Bình) về xã đảo Ngọc Vừng. Đến 16 giờ cùng ngày, lực lượng biên phòng Ngọc Vừng đang khẩn trương tiếp cận 4 sà lan đang trôi dạt tại khu vực Hòn Nét để đưa các phương tiện này về TP Cẩm Phả (Quảng Ninh). Tuy nhiên, do gió lớn, biển động nên việc ứng cứu gặp nhiều khó khăn
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km, đi vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp.
Đến 13 giờ ngày 25-6, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 22,5 độ Vĩ Bắc; 105,7 độ Kinh Đông, trên khu vực vùng núi Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 40 km/giờ).
Do ảnh hưởng của bão, tối và đêm nay 24-6, vùng biển Bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải) còn có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 9-11. Sóng biển cao từ 3-5m. Biển động rất mạnh.
Khu vực ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-11; các nơi khác ở phía Đông Bắc Bộ có gió giật cấp 6-8. Vùng ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng có sóng biển cao từ 2-4 m.
Dự báo từ 24 đến 25-6, ở phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to.
Trên hệ thống sông Hồng - Thái Bình từ ngày 24 đến ngày 26-6, sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 2 đến 4 m, ở hạ lưu từ 1 đến 2 mét. Trong đợt lũ này, mực nước sông Lục Nam tại Lục Nam; sông Cầu tại Đáp Cầu, sông Thương tại Phủ Lạng Thương có khả năng lên trên mức báo động 1 (4,3 m), các sông khác còn dưới mức báo động 1.
Trên các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh sẽ xuất hiện lũ với biên độ lũ lên thượng lưu các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An từ 3-5 m, hạ lưu từ 1-2 m; các sông ở Hà Tĩnh thượng lưu lên từ 1-2 m, hạ lưu từ 0,5-1 m; đỉnh lũ trên các sông còn dưới mức báo động 1.
Lũ ống, lũ quét và sạt lở đất có nguy cơ cao xảy ra ở các tỉnh vùng núi phía Bắc, Đông Bắc Bộ như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Bắc Giang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, ở vùng núi các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đặc biệt ở các huyện như: Bình Yên, Ba Chẽ (tỉnh Quảng Ninh); Đình Lập, Chi Lăng, Hữu Lũng (tỉnh Lạng Sơn); Pắc Nậm, Ba Bể, Bạch Thông, Thị xã Bắc Kạn (tỉnh Bắc Kạn); Định Hóa, Đại Từ, Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên), Sơn Động, Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang); huyện Quan Hóa, Mường Lát, Quan Sơn, Thường Xuân, Lang Chánh (tỉnh Thanh Hóa); các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp (tỉnh Nghệ An).
Cần có biện pháp phòng chống ngập lụt ở các vùng trũng, các đô thị ở Đồng bằng Bắc Bộ như: Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nội, Thái Bình.
Tại cuộc họp giao ban triển khai đối phó với bão số 1 vào sáng ngày 24-6, Thứ trưởng - Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai Hoàng Văn Thắng đã chỉ đạo các bộ, ngành và các địa phương nằm trong vùng chịu ảnh hưởng của bão tiếp tục khẩn trương triển khai các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với bão, đặc biệt là việc triển khai các biện pháp phòng ngừa, ứng phó kịp thời với gió mạnh sau bão.
Bình luận (0)