Bộ trưởng Cao Đức Phát chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai Trung ương vào chiều 23-6 để bàn biện pháp ứng phó với bão số 1- Ảnh Văn Duẩn
Chiều 23-6, Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai (PCTT) Trung ương đã họp để bàn biện pháp ứng phó với bão số 1. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát - Trưởng Ban Chỉ đạo PCTT Trung ương - chủ trì.
Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Trung ương, cho biết trọng tâm của bão đổ bộ là vùng bờ biển Quảng Ninh, trong đó xác suất cao nhất là bão sẽ đi vào trong khoảng từ TP Hạ Long đến Cẩm Phả, với sức gió mạnh nhất trước khi đổ bộ đất liền khoảng cấp 9. Thời gian bão đổ bộ sẽ là đêm 23 hoặc rạng sáng 24-6 và mang theo lượng mưa khá lớn từ biển Đông vào đất liền.
Hồi 17 giờ ngày 23-6, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,4 độ Vĩ Bắc; 108,2 độ Kinh Đông, cách bờ biển Quảng Ninh-Hải Phòng khoảng 150 km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 10-11.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10-15 km, đi vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 4 giờ ngày 24-6, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 21,3 độ Vĩ Bắc; 107,0 độ Kinh Đông, trên đất liền tỉnh Quảng Ninh. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7, giật cấp 8-9.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển Bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô và Vân Đồn) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9-10. Biển động mạnh. Khu vực tỉnh Quảng Ninh có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-10; TP Hải Phòng, Bắc Giang, Lạng Sơn có gió giật cấp 7-8. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Từ đêm nay 23-6 đến ngày 25-6, ở Bắc Bộ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to; riêng khu vực Đông Bắc và vùng núi, trung du Bắc Bộ có mưa to đến rất to. Trên hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình sẽ xuất hiện 1 đợt lũ với biên độ lên ở thượng lưu từ 3-6 m, ở hạ lưu từ 2-3 m. Nguy cơ cao xuất hiện lũ ống, lũ quét và sạt lở đất ở các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhận định bão số 1 sẽ gây mưa lớn ở khu vực Đông Bắc bộ với lượng mưa trung bình từ 50-100 mm, riêng các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh có thể lên đến 300-400 mm. Nhắc lại cơn bão số 2 năm 2014 (bão Ramasun) có đường đi gần giống bão số 1 năm nay, khi vào đất liền cũng không mạnh nhưng gây mưa to.
“Anh em phấn khởi không chết ai vì bão đổ bộ nhưng đêm tối 19-7-2014, mưa phổ biến 50-100 m, vùng núi 200 m, Lai Châu 329 mm, Bắc Giang 400 mm… Cuối cùng hoàn lưu bão làm 31 người chết và mất tích” - ông Phát nhấn mạnh và bày tỏ sự lo lắng.
Dù khẳng định bão số 1 đổ bộ sẽ có cường độ không mạnh, tuy nhiên ông Cao Đức Phát yêu cầu các địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Giang và một số tỉnh miền núi phía Bắc khác không được có tâm lý chủ quan.
Quảng Ninh và TP Hải Phòng cần thông báo, kiểm tra và yêu cầu tất cả tàu thuyền của ngư dân, tàu vận tải, du lịch phải tìm nơi tránh trú bão, neo đậu an toàn. Mưa sẽ tập trung Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang. Vì vậy phải đôn đốc, kiểm tra những nơi có nguy cơ sạt lở núi, ngập lụt ở vùng ven sông, suối, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho nhân dân. Tuyệt đối không được làm qua loa.
“Bão Ramasun tỉnh Lạng Sơn cũng đôn đốc nhưng có mấy lán của người dân ngoại tỉnh làm thuê thì không kiểm tra và không nhắc, hậu quả khiến 6 người chết vì sạt lở đất” - ông Phát cảnh báo.
Cũng trong chiều 23-6, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã cử ông Trần Quang Hoài, Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo PCTT Trung ương, dẫn đầu đoàn công tác đi kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống bão tại TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh.
Tại Quảng Ninh, 460 chiếc tàu du lịch đã đi trú tránh. Cảng vụ đường thủy tiếp tục kiểm tra, đôn đốc. Tàu xa bờ hiện có 321 chiếc tàu, trong đó có 20 chiếc đang trên đường về nơi trú tránh và 6 tàu đang liên lạc nhưng chưa liên lạc được. Tàu công suất nhỏ đang trú và neo đậu tại các bến cá, khu neo trú bão của địa phương. Quảng Ninh đã cấm biển và hoàn tất kêu gọi tàu thuyền trú bão vào 17 giờ chiều nay.
Tại TP Hải Phòng, đầu giờ chiều 23-6, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng đã ký ban hành công điện khẩn yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, quận và thủ trưởng các ngành, cơ quan, đơn vị khẩn trương, bằng mọi biện pháp liên lạc, thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển khẩn trương di chuyển về nơi tránh trú an toàn; tổ chức neo đậu tàu, thuyền trong các khu trú tránh; di chuyển lồng bè nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn; kiểm đếm, quản, lý chặt chẽ hoạt động của tàu thuyền thuỷ sản, tàu du lịch, tàu vận tải đang neo đậu; tạm dừng các hoạt động vận tải hành khách trên các tuyến vận tải đường thủy nội địa, các tuyến phà sông biển từ 17 giờ ngày 23-6.
Bình luận (0)