Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, lúc 16 giờ ngày 23-6, vị trí tâm bão số 2 ở vào khoảng 20,2 độ vĩ Bắc, 106,7 độ kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh Đông Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9, cấp 10.
Bão suy yếu thành áp thấp
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 70 - 120 mm; một số nơi có mưa to hơn như Con Cuông (Nghệ An) 122 mm, Đô Lương (Nghệ An) 240 mm.
Hải Phòng: Huy động gần 37.000 người chống bão
Chiều 23-6, hệ thống giao thông từ khu 1 đến khu 3 quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng đã bị chia cắt do triều cường, có nơi nước dâng cao khoảng 1 m. Cũng tại quận Đồ Sơn, 1 đoạn kè đã bị vỡ khiến nước tràn vào các khu dân cư. Đến chiều tối cùng ngày, hơn 600 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 50 thuộc Ban Chỉ huy Quân sự TP Hải Phòng đã được huy động để ngăn triều cường tràn vào các khu dân cư.
Tại huyện đảo Bạch Long Vỹ, trong lúc tham gia cứu nạn, 1 ô tô tải đã bị nước cuốn trôi. Trước đó, trưa 22-6, tàu HP1586TS chở 1,8 tấn mực tươi, trên đường tìm nơi trú bão đã bị sóng đánh chìm tại cửa vịnh Cát Bà, huyện Cát Hải. May mắn là 2 người trên tàu đã được lực lượng biên phòng cứu hộ kịp thời.
Quảng Ninh: Gần 1.000 du khách kẹt tại Cô Tô
Theo tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ninh, chiều 23-6, do ảnh hưởng của bão số 2 kết hợp với triều cường đã làm khoảng 50 m đê biển Quan Lạn, huyện Vân Đồn bị nước biển tràn qua nhưng được lực lượng tại chỗ khắc phục kịp thời, 11 hộ dân sau đê đã được di chuyển đến nơi an toàn. Tuy vậy, địa phương vẫn bố trí lực lượng túc trực tại tuyến đê này để sẵn sàng ứng cứu khi xảy ra sự cố.
Đến tối cùng ngày, tình hình mưa bão ở Quảng Ninh có chiều hướng phúc tạp, ngoài biển có sóng lớn. Nhiều thuyền, đò nhỏ của người dân ở TP Hạ Long bị sóng đánh chìm nhưng đã được lực lượng biên phòng cứu vớt kịp thời.
Nhiều doanh nghiệp chủ quan
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, sáng 23-6, dù đã có mưa to, sóng lớn tại Hải Phòng nhưng vì lợi nhuận, một số doanh nghiệp kinh doanh vận tải tại bến Bính và Cái Viềng vẫn cho khách xuống tàu đi đảo Cát Bà. May là lực lượng Cảng vụ Đường thủy nội địa (Sở GTVT TP Hải Phòng) đã có mặt kịp thời và không cho tàu xuất bến.
Hai mẹ con bị lũ cuốn mất tích Mưa lớn gây thiệt hại ở Nghệ An, Hà Tĩnh và Thanh Hóa. Thái Bình, Nam Định.
Di chuyển gần 10.000 dân
Do ảnh hưởng của bão số 2, từ chiều 22-6, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã có mưa vừa, mưa to. Tại Hà Tĩnh, mưa lớn đã khiến nhiều tuyến đường lớn như Nguyễn Du, Hải Thượng Lãn Ông, Nguyễn Công Trứ... chìm trong nước. Trong khi đó, các huyện ven biển như Thạch Hà, Lộc Hà..., mưa lớn gây vỡ đê bao khiến nhiều diện tích cây trồng bị ngập úng. Tại Nghệ An, theo báo cáo nhanh ngày 23-6 của Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tính đến 9 giờ cùng ngày, 4.004 phương tiện/18.913 lao động đánh bắt thủy hải sản trên địa bàn tỉnh đã nắm bắt hướng đi của bão số 2. Trong đó, số phương tiện đã về địa phương tránh bão là 3.964 với 15.875 lao động. Ngoài ra, mưa lớn đã gây ra lũ quét, lũ ống tại huyện miền núi Kỳ Sơn, tỉnh Ngệ An. Khoảng 5 giờ ngày 23-6, tại khe Nậm Khiên, xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn đã xảy ra một trận lũ quét lớn khiến chị Lô Thị Huế (SN 1973) và con trai là Hoàng Gia Phúc (SN 2010) bị nước cuốn mất tích. Tại Thanh Hóa, mưa lớn khiến nhiều diện tích lúa hè thu mới xuống giống ở các huyện Hoằng Hóa, Hà Trung, Nga Sơn... bị ngập nặng. Theo dự báo, bão số 2 đổ bộ vào Nam Định và Thái Bình đúng lúc triều cường nên 2 địa phương này đã quyết định di chuyển hơn 10.000 dân vùng ngoài đê vào sâu trong đất liền. Trong đó, tỉnh Nam Định có hơn 7.000 dân ở 3 huyện ven là Nghĩa Hưng, Giao Thủy và Hải Hậu đã được di chuyển đến nơi an toàn. Tại huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định đã có khoảng 140 m đê bị sạt lở. Đ.Ngọc - Tr.Đức |
Bình luận (0)