Chiều 16-10, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương (Ban chỉ đạo) dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã họp trực tuyến cùng với chủ tịch, phó chủ tịch, trưởng ban, phó trưởng ban phòng chống lụt bão của 22 địa phương về phòng chống cơn bão số 7.
Ông Hoàng Văn Thắng cho rằng cơn bão số 7 diễn biến rất phức tạp, nguy hiểm
Ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Phó Ban chỉ đạo nhận định: “Bão số 7 là cơn bão mạnh, diễn biến phức tạp, nếu đường đi của bão không thay đổi so với dự báo hiện nay, thì đây là cơn bão muộn, trái mùa đối với khu vực Bắc Bộ và xảy ra trong bối cảnh mưa lũ liên tiếp, kéo dài trong nhiều ngày ở Bắc Trung Bộ, các hồ chứa đã tích nước ở mức cao và đầy; diện tích cây trồng màu vụ Đông đã gieo trồng rất lớn...”
Do vây, việc ứng phó với cơn bão số 7 đặt ra những tình huống hết sức phức tạp, đòi hỏi sự vào cuộc quyết tâm ở mức cao nhất của tất cả các cấp từ Trung ương đến địa phương, nhằm chủ động và hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, sản xuất của nhà nước và nhân dân.
Thông tin tại cuộc họp cho biết hồi 10 giờ ngày 16-10, vị trí tâm bão số 7 ở vào khoảng 16,5 độ Vĩ Bắc; 119,2 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 750 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, giật cấp 16.
Dự báo trong khoảng 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20 km. Đến 10 giờ ngày 17-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,7 độ Vĩ Bắc; 114,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 200 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, giật cấp 16-17.
Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đầu ngành trong lĩnh vực tính toán ngập lụt do nước biển dâng trong tình huống bão mạnh, siêu bão triển khai tính toán theo thời gian thực đối với cơn bão số 7 để xác định vùng có nguy cơ ngập, mức độ ngập làm cơ sở để hỗ trợ, quyết định chỉ đạo việc sơ tán, di dời dân đến nơi an toàn.
Các địa phương rà soát phương án sơ tán dân đã xây dựng tương ứng với các kịch bản ứng phó với bão mạnh, siêu bão để chủ động triển khai thực hiện phù hợp với diễn biến bão và thực tế.
Chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá rất cao, biểu dương tinh thần vào cuộc quyết liệt và sự phối hợp hết sức có hiệu quả của Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương và các địa phương thời gian qua ứng phó với áp thấp nhiệt đới gây mưa lũ lớn ở 5 tỉnh Miền Trung từ Nghệ An tới Thừa Thiên-Huế.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ ở miền Trung, đồng thời chuẩn bị ứng phó với bão số 7
Ngay sau áp thấp nhiệt đới, mưa lũ nghiêm trọng, hiện nay cơn bão số 7 rất mạnh, di chuyển nhanh. Ngoài ra, có cơn bão quốc tế mới xuất hiện ngoài biển Philippines đang di chuyển, có thể vào Việt Nam.
Để hạn chế, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, Phó Thủ tướng đề nghị UBND các tỉnh, TP thực hiện nghiêm 2 công điện Thủ tướng Chính phủ, trong đó trước hết tập trung tìm kiếm người mất tích, thăm hỏi nạn nhân các gia đình có người chết, mất tích.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Không được để bất kỳ một người dân nào, hộ gia đình nào bị đói. Cùng với đó khôi phục hạ tầng để tiếp tục sản xuất, sửa chữa nhà cửa cho người dân để sớm ổn định cuộc sống”.
Mặt khác, tiếp tục vệ sinh môi trường, chú ý nước sạch cho người dân, tẩy rửa môi trường để không xảy ra dịch bệnh, các khu chăn nuôi được an toàn. Không được để xảy ra sự cố liên quan đến các hồ, đập thuỷ điện.
Ở các đô thị phải giằng chống nhà cửa, cây xanh. Phó Thủ tướng lưu ý nhiều khi bão gây thiệt hại ở nông thôn nhẹ nhưng ở đô thị rất nặng vì tài sản, hệ thống hạ tầng tập trung ở đô thị. Phó Thủ tướng yêu cầu chủ động di dời dân khỏi những nơi xung yếu, từ nơi không an toàn đến nơi an toàn.
Phó Thủ tướng chỉ đạo cần chủ động rà soát đê điều, hồ, đập thuỷ điện; giao Bộ NN-PTNT rà soát lại toàn bộ hệ thống này. Bộ GTVT đảm bảo an toàn các tàu vận tải, kiểm tra việc neo đậu phương tiện được an toàn, đảm bảo an toàn cả đường sắt, đường bộ, đường không và đường thuỷ. Bộ Công Thương đảm bảo an toàn hệ thống điện, hệ thống hầm lò khai thác khoáng sản. Bộ Y tế phải chủ động các bệnh viện cấp cứu người bị tai nạn, đảm bảo vệ sinh an toàn, không xảy ra dịch bệnh, nước sạch cho người dân. Bộ Xây dựng chỉ đạo, hướng dẫn với các Bộ, ngành địa phương trong việc giằng chống các công trình nhà cửa, các tháp, các công trình đang xây dựng có máy móc, thiết bị đang thi công, an toàn hồ đập, thuỷ điện. Bộ TT-TT đảm bảo an toàn các công trình của ngành, phương tiện liên lạc đảm bảo chỉ huy. Các Bộ ngành khác phối hợp theo chức năng nhiệm vụ.
Về kiến nghị của các địa phương, Phó Thủ tướng giao các Bộ tổng hợp lại để báo cáo với Chính phủ. Phó Thủ tướng đề nghị tập trung, chủ động, quyết liệt với phương châm 4 tại chỗ với sự phối hợp chặt chẽ giữa trung ương và địa phương để ứng phó với cơn bão số 7.
Hiện nay, Tổng cục Thủy sản đã triển khai ứng dụng hệ thống thông tin liên lạc tàu cá vào công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Hệ thống quan sát tàu cá bằng công nghệ vệ tinh (gọi tắt là Movimar) đã lắp đặt thiết bị kết nối vệ tinh cho 3.000 tàu cá khai thác hải sản xa bờ của 28 tỉnh ven biển.
Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương, cho biết bão số 7 sẽ di chuyển tương đối nhanh hơn so với cơn bão khác, đi khoảng 15-20 km/giờ về phía trường đảo Hoàng Sa và có lệch vào phía Bắc.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình báo cáo đến nay tỉnh đã khẩn trương triển khai việc khắc phục hậu quả mưa lũ. Đợt mưa vừa rồi có lượng mưa lớn nhất, lũ và lụt đã đạt đỉnh lũ lịch sử năm 2007.
Về ứng phó với bão số 7, lãnh đạo Quảng Bình cho biết vấn đề an toàn cho người là nhiệm vụ số 1. Trước mắt có thể xả bớt nước một số vùng có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp tới người dân.
Bình luận (0)