xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bảo tàng dược liệu quý giá

Lương Duy Cường

Người sở hữu bảo tàng đặc biệt này là lương y Nguyễn Đức Nghĩa, một trong những người học trò xuất sắc của cố GS-TS Đỗ Tất Lợi. Kế thừa đam mê của người thầy và bằng tình yêu cháy bỏng với nghề y, anh đã gây dựng bảo tàng này với trên 1.500 cây thuốc, trong đó có nhiều cây thuốc cực hiếm

Đã thành lệ, mỗi dịp Xuân về, khi cỏ cây đâm chồi nảy lộc là lương y Nguyễn Đức Nghĩa lại khoác ba lô, võng, cuốc, xẻng, máy ảnh cùng với đầy đủ các loại thuốc cấp cứu, cưỡi chiếc Vespa tạm xa TPHCM để chinh phục những đỉnh núi mù sương.

Khi tôi tìm đến khu vườn của anh ở quận 9 – TPHCM, anh đang lúi húi với những gốc bách hợp và giảo cổ lam vừa tìm được từ rừng Sapa trong dịp Xuân Canh Dần. Anh bảo thứ này là dược liệu quý hiếm, nếu không tìm cách cứu khỏi nguy cơ tuyệt chủng thì nay mai học sinh ngành dược chỉ còn biết chúng qua sách vở.


Cơ duyên


Nghề y đến với anh như một cơ duyên tiền định. Đang là một võ sinh của đất võ Bình Định, anh theo gia đình chuyển vào Phú Khánh rồi cuối cùng định cư ở Đồng Nai. Nghề thuốc đến với anh ban đầu chỉ như một cách mà nhiều võ sư vẫn chọn để kiếm sống. Nhưng càng gắn bó với nghề y, anh càng đam mê và nhận ra rằng mình đã lựa chọn đúng.


Năm 1986, khi Trung tâm Đào tạo Nghiên cứu y học cổ truyền TPHCM mở lớp đầu tiên đào tạo học viên, dù gia đình đang phải chạy ăn từng bữa nhưng thấy đây là cơ may để được học nghề một cách chính quy, anh tạm biệt cha già, khăn gói vào TPHCM tìm việc làm thuê để quyết theo học cho bằng được.

Không đủ tiền mua sách học nhưng cuộc đời đã cho anh một may mắn khi được GS Đỗ Tất Lợi trực tiếp hướng dẫn làm một đề tài nghiên cứu về dược liệu. Lúc bấy giờ GS Đỗ Tất Lợi đã là một nhà khoa học nổi tiếng của ngành dược, học trò của ông có hàng ngàn người nhưng ông dành cho cậu học trò nghèo Nguyễn Đức Nghĩa một tình cảm rất đặc biệt mà chỉ những người thực sự tâm giao mới cảm nhận được.


img
Lương y Nguyễn Đức Nghĩa trong một chuyến đi tìm dược liệu quý. Ảnh: NG.ĐỨC


Lương y Nghĩa bùi ngùi nhớ lại: “Thầy đã dành cho tôi tình cảm không chỉ của một người thầy mà còn là một người cha. Thầy không chỉ dạy tôi những kiến thức về chuyên môn mà còn cho tôi ý thức rất rõ về việc phải bảo tồn bằng được nguồn dược liệu quý của nước nhà”.


Trước khi qua đời, GS Đỗ Tất Lợi đã kịp thắp sáng lên trong lòng người học trò quý này một niềm đam mê cháy bỏng trong sự nghiệp chữa bệnh cứu người. Trước khi trở về miền Bắc, gia đình của giáo sư cũng đã tin cậy giao căn nhà ở quận 3-TPHCM, nay là phòng khám Tuệ Lãn, cho lương y Nguyễn Đức Nghĩa để vừa hương khói cho thầy vừa làm phòng mạch khám bệnh cứu người, tiếp nối những đam mê mà giáo sư đang làm dở dang.


Muôn dặm quan hà


Nếu như GS-TS Đỗ Tất Lợi cặm cụi dồn hết tâm sức cuộc đời để mô tả trên 700 cây thuốc, vị thuốc VN, tập hợp trong bộ sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam (công trình đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ) thì Nguyễn Đức Nghĩa là người đã làm cho công trình này có những cơ duyên mới.

Đó là việc lần theo những chỉ dẫn và mô tả ban đầu của thầy để truy tìm cho bằng được gốc tích của những vị thuốc, trước là để hoàn thiện thêm phần mô tả chi tiết, bổ sung hình ảnh màu, sau nữa là xác định vùng phân bố để loài nào rơi vào nguy cơ cạn kiệt thì tìm cách bảo tồn và nhân rộng.

Đó là lý do vì sao có những chuyến đi vào rừng sâu núi thẳm, phải đối diện với vô vàn hiểm nguy, thậm chí nhiều lần cận kề cái chết do tai nạn và thú dữ nhưng Nguyễn Đức Nghĩa vẫn luôn hào hứng với những chuyến đi như thế.

Suốt 10 năm qua, hễ nghe ai nói ở đâu có cây thuốc quý từng được dân địa phương sử dụng hiệu quả là anh có mặt.

Anh lùng sục hết miệt vườn Tây Nam Bộ, đến rừng miền Đông, miền Trung, tiến thẳng ra tận núi rừng Tây Bắc, lên cả tận ngút ngàn của dãy Fansipan hùng vĩ mà anh bảo là đang tồn giữ một kho báu nguồn gien dược liệu. Cứ mỗi chuyến đi độ 5 đến 10 ngày, thế nào anh cũng mang về được vài cây thuốc quý đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Anh động viên vợ con chịu khó về vùng ngoại thành ở, tuy khó khăn nhưng bù lại có đất đai rộng rãi hơn để anh gây dựng vườn cây dược liệu.

img
Và cùng với một người bạn dân tộc thiểu số trên đỉnh Fansipan


Như một con ong cần mẫn tích cóp, bây giờ thì anh đã có một bộ sưu tập cực kỳ quý giá với trên 1.500 loài dược liệu, riêng khu vườn mà gia đình anh đang ở cũng đã có trên 200 loài. Đó là một bảo tàng về dược liệu độc đáo nhất nước.

Ở đó, ta có thể tìm thấy đủ bộ 8 loại đinh lăng hay 4 loại bồ công anh, những bồ cu vẽ, sắn thuyền, chỉ thiên, đòn kẻ trộm, tục đoạn, bướm bạc, màn kinh tử, vọng giang nam, trâu cổ, bình vôi.... Cũng chỉ ở đó, danh sách của 200 loài dược liệu quý hiếm mà Bộ Y tế báo động  có nguy cơ tuyệt chủng thực sự đang được rút ngắn dần.

Thậm chí nhiều lương y còn khẳng định có những loài như màn kinh tử, thiên môn, thảo nam sơn, bạch cập, sa nhân tín, mua hoa trắng, lưỡng diện châm, hà thủ ô trắng... có thể chỉ còn tìm thấy trong bộ sưu tập của Nguyễn Đức Nghĩa.


Có điều rất lạ là có nhiều loài dược liệu vốn chỉ sống được ở vùng khí hậu khắc nghiệt của miền Trung, có loài chỉ sống trên núi cao hàng ngàn mét thế mà khi tập hợp về đây, qua sự nâng niu chăm bón của Nguyễn Đức Nghĩa, chúng lại bén rễ đâm chồi, cho hoa cho quả ngay trên mảnh đất TPHCM.

Với những loài quá khó tính, dứt khoát không chịu bén duyên với đất TP thì anh lặn lội về nơi đã tìm ra nó, vận động bạn bè lập vườn bảo tồn tại chỗ. Có những cây cực kỳ quý hiếm chỉ có ở trong vườn nhà mà chủ vườn không chịu bán, anh kiên nhẫn thuyết phục và hướng dẫn kỹ thuật để chính họ nhân giống và khai thác lâu dài, anh bao tiêu sản phẩm.


img
Lương y Nguyễn Đức Nghĩa (bìa phải) hướng dẫn các nhà nghiên cứu dược liệu thăm khu vườn dược liệu của mình


Nhiều người thấy anh bỏ công sức lặn lội hết lần này đến lần khác chỉ để gìn giữ một cây thuốc quý nên từ chỗ không bán, thậm chí có người không chịu cho anh dù chỉ chụp một tấm hình để mô tả nhưng rồi sau đó lại tự mang đến tận nơi để biếu cho anh.


Bà con dân tộc nhiều vùng núi cao thấy anh năm nào cũng quay trở lại rừng để loay hoay với mấy cây thuốc nên cứ phát hiện được cây nào là tìm cách báo tin cho anh. Anh đến thì họ lại chia nhau dẫn đường, gùi gạo cơm, cuốc, xẻng giúp anh.

Bù lại, anh tranh thủ những chuyến đi này để hướng dẫn bà con biết vùng rừng mà họ đang sống có rất nhiều cây thuốc quý cần phải giữ gìn để con cháu mai sau còn có mà dùng. Rồi anh hướng dẫn cho họ biết cách chế biến những bài thuốc từ chính cây rừng thu hái được quanh nơi họ định cư.


Tự hào được giới thiệu cây thuốc VN


Nhiều cây thuốc quý từ trong dân gian sau khi sưu tập về đã được anh hợp tác với các nhà sinh vật học để phân tích sinh hóa nhằm có một sự mô tả chính xác bằng căn cứ khoa học. Bởi thế, nhiều người đã có nhận xét rằng Nguyễn Đức Nghĩa không chỉ có một bảo tàng đặc biệt về nguồn dược liệu Việt Nam mà hơn thế, nhờ vào sự hiểu biết cặn kẽ mà chính anh cũng đã trở thành một “bảo tàng” sống độc đáo về dược liệu VN.


Những năm lại đây, nhiều thế hệ sinh viên y dược và các nhà nghiên cứu về dược liệu trong và ngoài nước đã tìm đến Nguyễn Đức Nghĩa và các vườn dược liệu của anh để nghiên cứu. Chưa ai phải mất một đồng thù lao nào nhưng vẫn luôn được anh sẵn lòng tiếp đón và giải thích cặn kẽ về tất cả những điều liên quan đến cây thuốc như việc sinh trưởng, thành phần hóa học, phân bố, trữ lượng...

Anh bảo: “Được giúp cho nhiều người biết về cây thuốc, vị thuốc Việt Nam là điều hạnh phúc nhất đời tôi. Chỉ có nhiều người hiểu thì mới có nhiều người bảo vệ, tồn giữ và phát triển. Nguồn dược liệu của nước ta sẽ giàu có hơn và vì thế người dân sẽ có cơ hội chữa bệnh với giá rẻ. Đó cũng là điều tâm huyết mà tôi quyết theo đuổi suốt đời để trả công ơn dạy dỗ của thầy Đỗ Tất Lợi”.

Lương y Đinh Công Bảy, Tổng Thư ký Hội Dược liệu TPHCM:

Thật đáng trân trọng !

Bao năm qua, dù rất khó khăn về đời sống nhưng lương y Nguyễn Đức Nghĩa vẫn vượt qua tất cả, dồn hết tâm huyết và khả năng cho việc truy tìm, bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu nước nhà. Việc làm đó thật rất đáng trân trọng, khâm phục.

Bộ sưu tập nguồn dược liệu của lương y Nguyễn Đức Nghĩa hiện rất phong phú, có nhiều loài quý hiếm mà ngay chính các trường đào tạo về y dược trong nước cũng khó gây dựng được.

Bởi thế, trong quá trình giảng dạy về y học cổ truyền, chúng tôi đã nhiều lần nhờ vào bộ sưu tập dược liệu của lương y Nguyễn Đức Nghĩa để các học viên được tiếp xúc với nhiều cây thuốc quý của nước nhà chứ không chỉ biết qua sách vở.

Cũng vì thế, tôi nghĩ Nhà nước nên có các chương trình, dự án hoặc chính sách khuyến khích cụ thể hơn nữa để hỗ trợ cho việc bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu quý hiếm.

Nếu có các chương trình như vậy thì những người như lương y Nguyễn Đức Nghĩa sẽ có thêm điều kiện để cống hiến nhiều hơn cho y học nước nhà.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo