Các đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã dành cả ngày 23-10 để thảo luận về các dự thảo văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng
ĐB Trần Du Lịch (TP HCM) đánh giá cao dự thảo văn kiện khi lần đầu tiên nâng tầm vị trí, vai trò kinh tế tư nhân thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Tuy nhiên, ông lưu ý báo cáo chưa bám sát đặc điểm quan trọng là phải đánh giá trong chiến lược 10 năm, chúng ta đã và chưa làm được gì, trong 5 năm cuối (2016-2020) có khả năng hoàn thành mục tiêu không.
Góp ý thêm, ông Lịch cho rằng sau khi gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam chắc chắn không thể phát triển tất cả theo hàng ngang mà buộc phải chọn lĩnh vực thế mạnh. Trong đó, 5 lựa chọn là nông nghiệp kỹ thuật cao, công nghệ thông tin, phát triển logistics, phát triển du lịch có trọng điểm, tạo chính sách để doanh nghiệp tham gia sản xuất chuỗi giá trị. “Đây là những lĩnh vực cần đưa vào để có chính sách định hướng phát triển. Những lĩnh vực khác phát triển theo thị trường, nhà nước chỉ cần luật pháp minh bạch” - ĐB Trần Du Lịch đề xuất.
Với tư cách là thành viên Hội đồng Lý luận trung ương, ĐB Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) cho rằng Đại hội lần thứ XI đã đề ra mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại nhưng đến nay, đánh giá lại các chỉ tiêu, mục tiêu thì không đạt, đến năm 2020 cũng chưa đạt. “Do vậy, đại hội lần này phải điều chỉnh lại, không nêu rõ thời điểm đạt mốc là nước công nghiệp” - ông Thảo đề nghị.
ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (TP HCM) lại cho rằng cần cụ thể hóa là bao nhiêu năm nữa Việt Nam thành nước công nghiệp, bởi nếu chỉ nêu chung chung thì không trở thành mục đích chính trị, không tạo được sức ép với cả hệ thống và sẽ bị tụt hậu rất xa.
Cần đánh giá đúng tình hình biển Đông
Góp ý về nội dung chủ quyền biển đảo trong khu vực và trên biển Đông, ĐB Hà Nội - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho rằng thách thức về việc bảo vệ chủ quyền biển đảo hiện nay là rất lớn. Ông đề nghị phải đánh giá tình hình biển Đông đậm nét hơn, làm rõ hơn những diễn biến phức tạp, khó lường. “Nhiệm kỳ trước đã nêu vấn đề này, ngay trong buổi khai mạc kỳ họp QH thứ 10 mới đây, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng nhấn mạnh tình hình biển Đông diễn biến nguy hiểm, khó lường. Nếu trước đây, chúng ta chỉ đánh giá tranh chấp chủ quyền lãnh thổ biển đảo ngày càng gay gắt thì giờ có thể thấy nguy cơ mất ổn định ở khu vực này là lớn hơn nhiều. Do vậy, phần đánh giá tình hình, báo cáo chính trị Đại hội Đảng XII cần phải nhìn thẳng vào sự thật như vậy” - Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nói.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) đề nghị sửa lại nội dung liên quan đến các diễn biến mới trên thực tế. Theo ĐB Nghĩa, đánh giá “Tranh chấp lãnh thổ chủ quyền biển đảo trong khu vực và trên biển Đông tiếp tục diễn ra gay gắt, phức tạp” là chưa đầy đủ về nguy cơ. Đã xuất hiện những sự kiện mới liên quan đến vấn đề này, như: Trung Quốc xây đảo nhân tạo, xây hải đăng, xây dựng những công trình có thể quân sự hóa… là sự báo động hết sức lớn, là biểu hiện mới của lấn chiếm chủ quyền. Trước những diễn biến mới từ phía Trung Quốc, ĐB Nghĩa đề nghị bổ sung: “Tranh chấp lãnh thổ chủ quyền biển đảo trong khu vực và trên biển Đông tiếp tục diễn ra gay gắt, phức tạp, xuất hiện những thách thức mới đe dọa chủ quyền của đất nước, tự do và an ninh hàng hải”.
Cùng mối lo về an ninh quốc phòng, Phó trưởng Đoàn ĐBQH Hà Nội Chu Sơn Hà phân tích: “Với chiều dài bờ biển lên tới 3.200 km nhưng ở nhiều vùng biển lại toàn là doanh nghiệp nước ngoài đấu thầu, khai thác. Đất nước chúng ta như đòn gánh, cả miền Trung cho nước ngoài đầu tư sẽ dẫn đến nguy hiểm, có thể gãy đòn gánh”.
Công tác nhân sự phải vì lợi ích chung
Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa, về công tác nhân sự, phải chọn những người có tư duy đổi mới, có khả năng lãnh đạo trong công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế. Muốn vậy, trong Đảng phải có sự đấu tranh thẳng thắn, trung thực, kiên quyết và vì lợi ích của nhân dân, đất nước.
Đại biểu Chu Sơn Hà cho rằng lựa chọn nhân sự phải quan tâm cả “cái tầm” và “cái tâm”. “Đặt viên gạch vào đúng vị trí thì sẽ bền vững hơn” - ĐB Hà nói.
Về vấn đề nhân sự trẻ, ĐB Lê Minh Thông (Thanh Hóa) nhận xét trẻ hóa cán bộ lãnh đạo là một luồng gió mới, một làn sóng rất tốt. “Tại sao xã hội băn khoăn? Không phải phản đối cán bộ trẻ làm lãnh đạo, lãnh đạo càng trẻ càng tốt nhưng lãnh đạo trẻ được bầu và nhận được sự ủng hộ của xã hội mới là điều quan trọng” - ông Thông nêu ý kiến. Theo ông, quy trình công tác cán bộ chưa tạo được sự yên tâm trong xã hội.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH, ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) nhấn mạnh Đảng không làm tốt công tác cán bộ thì sẽ không có cán bộ tốt. “Vừa qua, việc bổ nhiệm cán bộ trẻ làm giám đốc sở khiến dư luận rất quan tâm. Có thể tôi sẽ chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ về vấn đề này” - ông Lợi nhấn mạnh.
Lo doanh nghiệp “thân hữu”!
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế QH Nguyễn Văn Giàu tỏ ra lo lắng về doanh nghiệp “thân hữu” xuất hiện gần đây. “Bây giờ chúng ta thường nói lo cho doanh nghiệp tư nhân nhưng tư nhân theo kiểu gì? Tư nhân có tiềm lực hay là tư nhân dựa vào ngân hàng, dựa vào đất đai, dựa vào doanh nghiệp thân hữu? Quen ông to thì làm ăn nhanh khá, lợi dụng chính sách đất đai thì giàu to, các chuyên gia gọi là doanh nghiệp “thân hữu”, chứ không phải doanh nghiệp khởi nghiệp đàng hoàng, phát triển từng bước” - ông Giàu nói.
Bình luận (0)