Ngày 3-1, Cục Kiểm ngư Việt Nam cho biết phía Trung Quốc đã nhận được công văn của cơ quan này về việc xác minh tàu cá Việt Nam bị một tàu vỏ sắt đâm chìm trên biển hôm 1-1 trên vùng biển của Việt Nam.
“Chắc phải bỏ nghề thôi”
Tàu QNg 98459 TS của ngư dân Huỳnh Thạch (ngụ huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) cập bờ vào ngày 3-1 trong tình trạng hư hại gần như hoàn toàn. Thân tàu phía mạn phải bị đâm thủng một mảng rộng, sập cabin... Con tàu đang được neo đậu tại Trạm Kiểm soát Biên phòng Mân Quang (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng).
Ngư dân Huỳnh Thanh, thuyền viên tàu QNg 98459 TS, kể: Cú đâm của tàu nước ngoài xảy ra lúc mọi người đang nghỉ trưa, vào khoảng vào 12 giờ 5 phút. Các ngư dân trên tàu bị rơi xuống nước. Họ vẫy tay cầu cứu nhưng con tàu “hung thủ” không cứu và tiếp tục quay lại đâm thêm một lần nữa khiến buồng lái, cabin đổ sập, thân tàu bị gãy, nước tràn vào bên trong. “Con tàu đó bỏ đi, chúng tôi phải tự cứu mình, vật vã hơn 2 giờ dưới dòng nước lạnh ngắt. May mà có tàu bạn đang đánh bắt gần đó tới kịp chứ không thì tính mạng chúng tôi đã nguy rồi” - ông Thanh nói.
Theo ông Thạch, sau khi được 4 tàu bạn vớt lên, tất cả thuyền viên phải liên tục tát nước ra khỏi khoang. Hầu hết những vật dụng trên tàu đều bị vứt xuống biển cho tàu nhẹ. Đến 17 giờ, tàu mới nổi lên và đến 3 giờ ngày 2-1 được kéo vào bờ. Tàu QNg 98459 TS có công suất gần 800 CV, trị giá gần 3,5 tỉ đồng.
“Tàu bị đâm thủng, buồng lái đã sập, máy chính hỏng, ICOM, điện đài đều không dùng được nữa. Vợ chồng tôi vay tiền để đóng con tàu này, mới đi biển được 2 năm, nợ ngân hàng vẫn còn khoảng 1 tỉ đồng. Tàu bị họ đâm hư như vậy, vợ chồng tôi lấy tiền đâu mà trả nợ! Tiền sửa tàu giờ cũng không vay được nữa, chắc phải bỏ nghề thôi” - bà Võ Thị Cẩm, vợ của thuyền trưởng Huỳnh Thạch, nghẹn ngào.
Thủ phạm là tàu cá Trung Quốc
Thuyền trưởng Huỳnh Thạch cùng 9 thuyền viên tàu QNg 98459 TS trong lúc hiểm nghèo cũng đã kịp nhìn được số hiệu con tàu gây tai nạn. “Tàu này không treo cờ nước nào cả nhưng số hiệu là 00098880. Chúng tôi rất quen với tàu này và khẳng định là tàu đánh bắt ghẹ của người Trung Quốc” - thuyền trưởng Thạch đoan chắc.
Ngư dân Huỳnh Thanh cho biết thêm tàu đánh ghẹ của người Trung Quốc có những điểm nhận dạng như vỏ sắt, to gần bằng tàu Cảnh sát biển của nước ta, thân tàu cao và mũi rất nhọn, tốc độ rất cao... Các ngư dân Quảng Ngãi thường hoạt động cùng những con tàu này của Trung Quốc ở khu vực đánh cá chung thuộc vịnh Bắc Bộ. Khu vực tàu bị đâm cách đảo Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị) 65 hải lý thuộc vùng biển chủ quyền của Việt Nam.
Trong khi đó, ngày 3-1, một nguồn tin cho biết Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Quảng Trị đã có báo cáo chính thức về vụ tàu cá QNg 98459 TS. Báo cáo khẳng định chính tàu cá vỏ thép của Trung Quốc đã đâm chìm tàu đánh cá QNg 98459 TS ngay trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Hà Lê, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư Việt Nam, cho biết thông qua đường dây nóng, Cục Kiểm ngư đã thông báo vụ tàu cá QNg 98459 TS bị đâm chìm và đề nghị phía Trung Quốc xác minh vụ việc. Phía Trung Quốc đã nhận thông tin. Họ nói sẽ kiểm tra, xác minh.
Đừng nói nhiều nữa, hãy làm đi!
Về hành động đâm chìm tàu nhưng bỏ mặc không cứu người của những thuyền viên trên tàu vỏ sắt, ông Hà Lê khẳng định: “Không cứu người khi đâm chìm tàu dù bất kỳ ở vùng biển nào là hoàn toàn sai so với các quy định quốc tế cũng như của các nước”.
Nhận được thông tin từ các ngư dân, PGS-TS Võ Văn Trác, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, tỏ ra rất bất bình trước hành động vô nhân đạo của tàu nước ngoài đâm chìm tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi. “Hành động này cứ lặp đi lặp lại ngày một nhiều hơn, nghiêm trọng hơn. Chúng ta phải có biện pháp hữu hiệu hơn để bảo vệ ngư dân chứ không thể để ngư dân bị tấn công hoài như vậy! Phải kiên quyết hơn, triệt để hơn” - ông Trác quả quyết.
Ông Trác cũng thẳng thắn: “Chúng ta nói nhiều rồi, hay rồi nhưng lời nói phải đi đôi với việc làm, đi đôi với hành động cụ thể, rõ ràng, hữu hiệu hơn nữa. Việc cơ quan chức năng cho rằng biển ta dài, rộng nên không thể trải đều lực lượng và có mặt kịp thời mọi nơi mọi lúc là không được. Khó khăn thì chúng ta nói lâu rồi, vấn đề là hành động như thế nào cho hiệu quả chứ không thể lấy đó làm lý do”.
Chưa ứng phó kịp thời
Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2015 của Cục Kiểm ngư diễn ra vào cuối tháng 12-2015, ông Lưu Văn Huy, Cục trưởng Cục Kiểm ngư, cho biết năm 2016, lực lượng kiểm ngư sẽ tiếp tục phối hợp với các lực lượng liên quan tăng cường tuần tra kiểm soát tại các vùng biển chồng lấn; tại các ngư trường truyền thống; cửa vịnh Bắc Bộ, Hoàng Sa, Trường Sa, Tây Nam Bộ; kịp thời phối hợp với các lực lượng liên quan để xử lý các tình huống phức tạp, phát sinh trên biển; xua đuổi, ngăn chặn tàu cá nước ngoài hoạt động trái phép.
Tuy vậy, nhiều ngư dân cho rằng khi đánh bắt ở vùng biển của Việt Nam tại các ngư trường trên thường xuyên bị tàu lạ tấn công và thường các lực lượng chức năng không kịp thời ứng phó.
Bình luận (0)