Ngày 20-3, tại TP Cần Thơ diễn ra hội thảo khoa học “Hợp tác vì nước” do Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) tổ chức. Nhiều đại biểu đã kêu gọi sự hợp tác giữa các quốc gia lấy nước từ sông Mê Kông nhằm cùng nhau chia sẻ lợi ích và giảm thiểu các tác động tiêu cực.
PGS-TS Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ), nhận định: Nếu không có những biến động bất lợi về nguồn tài nguyên, tiềm năng nông nghiệp của vùng ĐBSCL có khả năng cung ứng nguồn lương thực và thực phẩm bền vững cho khoảng 120-150 triệu người. Tuy nhiên, sự phân bố nguồn nước ở ĐBSCL không đồng đều. Có năm, mùa lũ của sông Mê Kông đổ về lên đến 40.000 m³/giây nhưng trong mùa khô có thể tụt xuống 1.200 - 1.700 m³/giây tạo ra tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn kéo dài. Lũ thấp cũng làm nguồn cá tự nhiên sụt giảm, lượng phù sa ít đi khiến nông dân sử dụng phân bón nhiều hơn.
Theo ông Trịnh Văn Đại, Sở TN-MT Hải Phòng, sông Mê Kông chảy qua 6 quốc gia gồm Trung Quốc, Myanmar, Campuchia, Lào, Thái Lan, Việt Nam; phục vụ sản xuất nông nghiệp và hệ thống thủy lợi cho khoảng 60 triệu người. Nằm ở thượng nguồn sông Mê Kông, Trung Quốc tìm cách sở hữu nguồn nước trên dòng sông này với những động thái thể hiện sự vô trách nhiệm. Nước này từng từ chối ký Công ước về không điều hướng sử dụng nguồn tài nguyên nước quốc tế năm 1997 của Liên Hiệp Quốc; không tham gia Ủy hội sông Mê Kông; xây dựng hàng loạt con đập ở thượng nguồn bất chấp sự phản đối của các nước hạ nguồn và cảnh báo của chuyên gia, gây thiệt hại nặng nề cho các nước hạ nguồn (đặc biệt là Biển Hồ của Campuchia và vùng ĐBSCL của Việt Nam). Trung Quốc xây ở thượng nguồn nhiều con đập nhưng phần lớn không cung cấp thông tin cần thiết cho các nước có chung lưu vực.
GS-TS Ngô Đình Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Viện Tài nguyên nước và Môi trường Đông Nam Á, khuyến cáo các nước thượng nguồn trước khi khởi công công trình thủy điện, thủy lợi có ảnh hưởng tiêu cực đến các nước hạ lưu cần nghiên cứu đánh giá môi trường chiến lược và thông báo rõ ràng cho các nước hạ lưu, đồng thời cần có thỏa thuận giữa các quốc gia cùng sử dụng chung nguồn nước.
Bình luận (0)