Người dân ngụ cạnh sân bay Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai vừa có đơn kêu cứu về một dự án khu thương mại - xúc tiến đầu tư đang được tiến hành xây dựng tại khu vực ô nhiễm dioxin, trong đó có cả hồ chứa nước sinh hoạt. Trong khi người dân đang hết sức lo ngại thì mới đây, một kết quả nghiên cứu được công bố cho thấy cơ quan chức năng lại phát hiện thêm nhiều điểm ô nhiễn dioxin ở sân bay này khiến họ càng thêm bất an.
Thêm 28 vị trí
Tại một hội thảo liên quan đến dự án “Xử lý dioxin tại các điểm nóng ô nhiễm”, do Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam (BCĐ 33) và Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam (UNDP) vừa tổ chức, BCĐ 33 cho biết kết quả khảo sát tại 28 ao, hồ, hố đất mới đào ở sân bay Biên Hòa đều phát hiện ô nhiễm dioxin - ngoài 13 điểm trước đây.
Trong 28 điểm này, 16 vị trí chứa chất độc ở mức nghiêm trọng (vượt ngưỡng cho phép hơn 8.000 ppt). Kết quả phân tích 110 mẫu đất, trầm tích được lấy theo các hướng thoát nước từ sân bay Biên Hòa, với chiều sâu trung bình 30 cm, cũng phát hiện nhiều mẫu chứa nồng độ dioxin vượt ngưỡng cho phép. Ngoài ra, theo Văn phòng BCĐ 33, các góc vành đai phía Tây, Đông và Bắc sân bay này đều có các thông số phân tích cho thấy hàm lượng dioxin ở mức độ cao cần cảnh báo.
Sau nhiều nghiên cứu, các chuyên gia một lần nữa khẳng định mức độ ô nhiễm dioxin ở sân bay Biên Hòa phức tạp và lớn hơn rất nhiều so với sân bay Đà Nẵng, sân bay Phù Cát (tỉnh Bình Định). Theo hồ sơ lưu trữ, trong chiến tranh, quân đội Mỹ đã chuyển đến, lưu giữ tại sân bay Biên Hòa hơn 98.000 thùng phuy loại 205 lít chứa chất da cam. Ngoài ra, còn hàng chục ngàn thùng chứa chất xanh, trắng và chất diệt cỏ các loại để máy bay phun rải.
Sau chiến tranh, theo khảo sát, ngoài 2 khu vực trọng điểm ở sân bay Biên Hòa là Z1 và Nam Z1 - hiện đã được tạm xử lý bằng cách cô lập - còn hàng chục hecta khác bị cảnh báo ô nhiễm. Trong đó, đáng lo nhất là khoảng 5-7 ha mặt nước được xác định ô nhiễm nặng. Các ao, hồ này nhiều năm qua là nơi tích tụ và là nguồn phát thải dioxin xuống các vùng hạ lưu sân bay.
Các chuyên gia cho rằng kết quả nghiên cứu mới đây cho thấy mức độ ô nhiễm tại sân bay Biên Hòa còn nghiêm trọng hơn nhiều so với công bố trước đó. Vì vậy, theo Văn phòng BCĐ 33, cần phải “vẽ” lại một bức tranh toàn cảnh hơn để thấy rõ mức độ nghiêm trọng về ô nhiễm dioxin ở sân bay này.
“Cần phải có bức tranh tổng thể hơn về thực trạng ô nhiễm dioxin. Văn phòng BCĐ 33 sẽ bàn giao kết quả điều tra, khảo sát này cho Bộ Quốc phòng để có kế hoạch đánh giá, xử lý. Kết quả này còn là cơ sở quan trọng cho việc thực hiện đánh giá môi trường do Bộ Quốc phòng nước ta và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ thực hiện” - ông Lê Kế Sơn, Chánh Văn phòng BCĐ 33, cho biết.
Cảnh báo là chính
Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ năm 2006, Bộ Quốc phòng đã có các chương trình, dự án xử lý ô nhiễm dioxin trên phạm vi cả nước. Riêng tại sân bay Biên Hòa đã xử lý khu vực hơn 5 ha, nơi có các bồn chứa chất độc bị vỡ. Gần 10.000 m3 đất nhiễm độc ở độ sâu hơn 1 m cũng được chôn lấp, cách ly. Tuy nhiên, các chuyên gia đã chỉ ra rằng phương pháp này mới giải quyết được một phần hậu quả ô nhiễm, còn khả năng lan tỏa chất độc từ sân bay Biên Hòa đến các vùng lân cận vẫn rất cao.
Theo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Đồng Nai, giải pháp “cấp bách” lâu nay vẫn chỉ mang tính tạm thời như tuyên truyền nhận thức, cảnh báo mức độ ô nhiễm dioxin đối với người dân xung quanh sân bay Biên Hòa. “Nhiều năm qua, cơ quan chức năng cũng chỉ đẩy mạnh tuyên truyền rồi cấm nuôi, đánh bắt cua cá, gia cầm trong khu vực ô nhiễm và vùng lân cận. Ngoài ra, kiểm soát chặt chẽ việc ra vào vùng ô nhiễm, quan trắc môi trường, xây dựng chương trình theo dõi sức khỏe, cảnh báo đặc biệt với người dân… để giảm bớt sự lan tỏa của chất độc” - bà Đào Nguyên, chủ tịch hội, lo ngại.
Bà Võ Niệm Tường, chuyên viên phụ trách chương trình BCĐ Khắc phục chất độc da cam tỉnh Đồng Nai, băn khoăn: “Địa phương đã phối hợp chặt chẽ với Văn phòng BCĐ 33 trong công tác khắc phục độc chất dioxin trên địa bàn. Tuy nhiên, chỉ đẩy mạnh cảnh báo là chính, còn việc khắc phục thì đành phải chờ cấp nhà nước”. Ông Lê Kế Sơn nhấn mạnh trong lúc chờ các phương pháp xử lý, đặc biệt phải khuyến cáo người dân quanh khu vực sân bay Biên Hòa tuyệt đối không tiếp xúc, đánh bắt, mua bán thủy sản, gia súc từ trong vùng ra bên ngoài và không dùng nước giếng, hồ trong sinh hoạt.
Vẫn câu cá ở hồ nước nhiễm độc nặng
Hồ Biên Hùng (phường Trung Dũng, TP Biên Hòa) là vùng nước trũng nhất được cho là nơi tích tụ chất độc da cam từ sân bay Biên Hòa theo các dòng mạch, suối nước đổ xuống. Nhiều năm nay, hồ này được bảo vệ nghiêm ngặt và nghiêm cấm câu cá, đánh bắt thủy sản để ăn cũng như buôn bán. Thế nhưng, hiện tượng câu cá trộm ở đây vẫn xảy ra thường xuyên.
“Chúng tôi bảo vệ rất chặt nhưng nhiều người vẫn bất chấp và coi thường sự độc hại chết người. Họ cứ đến câu trộm cá để ăn và đem bán...” - một nhân viên bảo vệ ở khu vực hồ Biên Hùng lo ngại.
Bình luận (0)