Vụ chiếc xe tải bị lạc tay lái tông sập 2 cabin của trạm thu phí Chợ Đệm thuộc đường cao tốc TP HCM - Trung Lương đã khiến những người đang làm việc ở các trạm thu phí cảm thấy bất an.
Nghĩ tới là thót tim!
Nhiều nhân viên của trạm thu phí Chợ Đệm khi nhắc lại vụ xe tải tông sập cabin khiến 2 nữ đồng nghiệp bị thương hôm 8-10 vẫn chưa hết bàng hoàng.
Anh T. - một nhân viên của trạm thu phí Chợ Đệm - cho hay vụ tai nạn này còn có cái may là khi phát hiện chiếc xe “điên” loạng choạng từ xa, nhân viên trạm thu phí là chị Nguyễn Thị Ngân (SN 1986) và Nguyễn Thị Kim Ngân (SN 1988) đã kịp thoát ra ngoài nên chỉ bị thương nhẹ và được đồng nghiệp đưa đến Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu.
Cũng theo anh T., nỗi lo của anh còn nhiều hơn khi không ít lần phát hiện các tài xế lái xe lên đường cao tốc có biểu hiện phê thuốc và nồng nặc mùi rượu bia.
Tương tự, anh Bình - người từng có thâm niên 15 năm làm nghề và hiện đang là nhân viên của 1 trạm thu phí trên xa lộ Hà Nội, quận Thủ Đức (TP HCM) - cho biết hằng ngày, anh và đồng nghiệp làm việc tối thiểu 8 giờ và thay nhau trực ca ngày và đêm với mức lương khoảng 4-5 triệu đồng/tháng. Nhiều người cho rằng công việc này đơn giản, khỏe ru nhưng khi ngồi trong cabin với diện tích chỉ bằng chiếc “tủ kính” để quan sát đủ các loại phương tiện lớn nhỏ thì mới có cảm giác sợ hãi. “Hơn chục năm trước, các loại phương tiện như: container, xe tải… còn hiếm chứ giờ thì chạy ầm ầm ngoài đường, ngồi trong cabin ai mà không sợ. Vợ tôi thấy công việc này không mấy an toàn nên đã khuyên tôi chọn nghề khác nhưng tôi đã bám trụ được tới bây giờ vì không có nghề gì để mưu sinh” - anh Bình tâm sự.
Còn anh Hùng từng có thâm niên hơn chục năm làm nhân viên trạm thu phí ở TP HCM thì sợ nhất là khi ngồi cabin ở hàng giữa của trạm thu phí. “Ngồi ở 2 bên còn đỡ, chứ bị kẹp giữa 2 hàng xe container, xe tải thì sợ lắm. Có lúc ngồi nghĩ quẩn ở ngoài đường thấy “hung thần” mất thắng, lạc tay lái còn chạy được chứ ngồi trong cabin thì có mà chạy đằng trời” - anh Hùng nói và cho biết cũng vì lo sợ nên mới đây anh chuyển sang làm bảo vệ cho một công ty, lương ít hơn, thưởng ít hơn nhưng chắc về già không gặp ác mộng xe tông như ngồi trong cabin của trạm thu phí.
Bị tài xế chửi, đe dọa hành hung
Ngoài chuyện phải thót tim mỗi ngày, nỗi tủi nhục lớn nhất của những người ngồi trong cabin trạm thu phí chính là chuyện người dân bức xúc việc có quá nhiều trạm thu phí dẫn đến lạm thu. “Từ việc “ghét cái trạm thu phí”, giới tài xế, chủ xe đâm ghét lây những nhân viên thu phí” - anh Hùng ngao ngán.
Theo anh Hùng, những ngày diễn ra tranh luận về khoảng cách đặt trạm thu phí thế nào cho đúng giữa các cơ quan liên quan và dư luận cũng là những ngày những người làm nghề như anh phải chịu sự ghét bỏ hay khinh miệt, thậm chí còn có tài xế nổi hứng đòi đánh vì “cứ nhìn thấy trạm thu phí dày đặc là máu nóng nổi lên”.
“Lương đâu phải là quá cao, tai nạn thì luôn rình rập thì nghề này có sướng chi mà lưu luyến” - anh Hùng nói.
Theo anh, ngoài “sợ chết” vì tai nạn, anh còn có cảm giác lo sợ khi mỗi đêm ngồi trong cabin của trạm thu phí, chứng kiến các đối tượng nghiện ma túy cứ rình rập xung quanh, nếu không cảnh giác thì sẽ bị chúng lấy tài sản.
Không biết bao nhiêu lần anh Bình chứng kiến cảnh con nghiện trèo lên xe tải dừng gần trạm thu phí để lấy tài sản nhưng không dám lên tiếng vì sợ bị trả thù. Không những thế, hằng ngày ngồi ở cabin bán vé, anh Bình còn phải nhẫn nhục khi bị những tài xế chửi tục trước mặt. Thậm chí, có những tài xế biết tiền phí ít nhưng cố tình đưa tờ 500.000 đồng để phải thối. Khi nhân viên thu phí chưa kịp thối tiền thì họ chửi bới om sòm vì cho rằng “câu giờ”. “Nhiều lúc tôi ức lắm, ngồi cả ngày trong cabin chật chội còn bị một số tài xế văng tục, nói đủ thứ chuyện. Những lúc như thế, tôi chỉ biết giữ bình tĩnh bởi chỉ cần một chút nóng nảy sẽ khiến sự việc phức tạp hơn” - anh Bình cho biết.
TS Phạm Sanh (chuyên gia giao thông) cho biết theo quy định, ô tô khi lưu thông đến gần trạm thu phí phải giảm tốc độ. Thế nhưng, hiện nay, tình trạng tài xế say xỉn, hút chích lại khá phổ biến nên coi thường quy định dẫn đến bất an cho nhân viên thu phí.
“Để không còn những tai nạn giao thông rình rập nhân viên trạm thu phí thì chỉ có cách nâng cấp hệ thống thu phí theo hướng tự động hoàn toàn. Chuyện này nhiều nước xung quanh làm hết rồi nhưng chúng ta vẫn cứ ì ạch. Lúc đó, nhân viên trạm thu phí chỉ cần ngồi trong phòng quan sát qua camera hay máy tính để phát hiện sai sót thiết bị rồi chỉnh sửa mà thôi” - ông Sanh nói.
Trạm thu phí cao tốc bị đe dọa liên tục
Ngoài vụ tai nạn mới xảy ra ở trạm thu phí Chợ Đệm, theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn TP HCM, chỉ trong 5 ngày (từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9) vừa qua, đã có ít nhất 2 vụ tai nạn “đe dọa” tính mạng nhân viên ngồi trong cabin trạm thu phí.
Cụ thể, đêm 2-9, chiếc ô tô 4 chỗ chở 2 người lưu thông trên đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây hướng từ Đồng Nai về TP HCM. Đến trạm thu phí Dầu Giây, do không làm chủ tốc độ đã bất ngờ lao thẳng vào con lươn bê-tông sát cabin thu phí.
Trước đó, khoảng 1 giờ ngày 13-8, nhân viên trạm thu phí Long Phước (thuộc cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây) đang trực bán vé bỗng nghe tiếng va chạm kinh hoàng ngay sát bên, nhìn lại đã thấy một xe đầu kéo tông vào đuôi chiếc xe đầu kéo khác.
Bình luận (0)