Thôn 5, xã Trà Đốc nằm lọt thỏm giữa đại ngàn. Cũng như bao dân tộc vùng cao khác, người Ca Dong nơi đây sống theo từng cụm, mỗi cụm hàng chục hộ nương tựa nhau. Cuộc sống của họ chủ yếu dựa vào nương rẫy. Thế nhưng, từ tháng 9-2013 đến nay, một đàn voi rừng liên tục kéo đến quấy phá khiến người dân vừa bất an vừa lâm vào cảnh thiếu lương thực do ruộng lúa, hoa màu, cây cối bị chúng quật nát.
Già làng Hồ Văn Mười cho biết cách đây vài hôm, ông lên rẫy thì lại thấy đàn voi đang kiếm ăn ở bìa rừng. “Mình thấy đàn gồm 3 con, trong đó có một con to lắm. Gần đây, đêm nào mình cũng không ngủ được vì lo sợ chúng về làng, ban ngày cũng không dám lên rẫy một mình” - ông nói.
Theo già làng Mười, lần đầu tiên ông thấy đàn voi xuất hiện ở Trà Đốc là cách đây 7-8 năm. “Lúc đó, đàn voi có 5 con, không biết vì sao mà gần đây chỉ còn 3 con. Mình còn nhớ năm 2006, vào lúc chạng vạng, cả nhà đang ăn cơm thì nghe tiếng voi sau vườn. Mình chạy ra xem thì thấy đàn voi 5 con đang quật ngã cây cối” - ông nhớ lại.
Ông Hồ Văn Bôn, ngụ làng Khe Dưng, xã Trà Đốc, cho biết cách đây vài năm, trong lúc đang ngồi uống rượu với hàng xóm thì ông nghe tiếng rống lớn. “Sau đó, dân làng la loáng lên “voi về, voi về”. Đàn voi này đã quật ngã một căn nhà rồi dùng vòi cuốn cây, gỗ phóng ra tứ phía” - ông kể.
Theo người dân Trà Đốc, cứ đến mùa thu hoạch lúa, hoa màu là đàn voi lại về phá nát nương rẫy. “Mới đây, sáng 24-2, mình cùng người trong thôn lên rẫy ở khu vực Suối Mái. Thấy đàn voi nằm ở đó, nhiều người hoảng quá vứt gùi bỏ chạy, số khác đành lẳng lặng trở về nhà” - anh Hồ Văn Thanh, ngụ cạnh nhà ông Bôn, cho biết.
Nhiều người Ca Dong khẳng định trước đây, đàn voi này ở khu rừng già giáp ranh 3 xã Phước Gia (huyện Hiệp Đức), Tiên Lãnh (huyện Tiên Phước), Trà Đốc (huyện Bắc Trà My), tỉnh Quảng Nam. Già làng Mười nhận xét: “Có lẽ môi trường sống ở đó không còn phù hợp nên vài năm gần đây, chúng kéo đến tận làng Khe Dưng này kiếm ăn. Dân làng đã dùng mọi cách để xua đuổi như đánh chiêng, gõ mỏ, đốt lửa…, đàn voi sợ bỏ vào rừng sâu một thời gian rồi vẫn quay lại”.
Đến những vạt nương rẫy ở Suối Mái (nằm trong khu rừng già Núi Mun, cách làng Khe Dưng khoảng 2 km), chúng tôi chứng kiến dấu vết tàn phá ghê gớm của đàn voi. Những dấu chân to tướng, đường kính khoảng 20-30 cm dày đặc. Nhiều rẫy lúa, sắn bị voi giày xéo, vừa ăn vừa phá tan tành.
“Sợ voi tấn công, nhiều người đành bỏ hoang nương rẫy, đứng trước nguy cơ thiếu lương thực trong thời gian tới. Đáng lo hơn, gần đây voi dường như không còn sợ những cách xua đuổi của dân làng như dùng tiếng động lớn và đốt lửa. Chúng không bỏ đi mà còn quay lại tấn công, rất may đến giờ vẫn chưa có người nào gặp nạn” - ông Hồ Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Trà Đốc, lo ngại.
Ông Lợi cho biết UBND xã vừa hỗ trợ 11 hộ dân bị thiệt hại nặng do nương rẫy bị voi phá, mỗi hộ 50 kg gạo. “Quan trọng hơn là làm sao để người dân yên tâm, ổn định tư tưởng sản xuất, không thì sẽ bị thiếu đói” - ông nói.
Tránh xung đột
Theo ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, huyện đã yêu cầu UBND xã Trà Đốc hướng dẫn bà con tránh xung đột với đàn voi, không nên có hành vi ảnh hưởng đến đời sống của chúng, đồng thời bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của mình.
“Chúng tôi cũng đã yêu cầu lực lượng kiểm lâm huyện mời các cơ quan chuyên môn về địa phương thực hiện biện pháp dẫn dắt làm sao cho đàn voi trở lại rừng, để vừa bảo đảm đời sống của chúng vừa ổn định cuộc sống của người dân” - ông Tuấn cho biết.
Bình luận (0)