Theo phản ánh của các doanh nghiệp (DN), HTX vận tải hành khách liên tỉnh đang hoạt động tại Bến xe Lào Cai (còn gọi là bến xe Phố Mới), họ vừa nhận được thông báo của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Lào Cai, buộc tất cả DN, HTX vận tải liên tỉnh làm thủ tục để chuyển về bến xe mới kể từ ngày 1-8. Trước thông báo trên, trong 3 ngày qua, rất nhiều người dân đã mang băng-rôn, khẩu hiệu treo tại Bến xe Lào Cai với nội dung: “Chúng tôi kiên quyết phản đối việc di dời bến xe. Đề nghị UBND tỉnh soi xét”.
Bất tiện cho người dân
Bến xe mới nằm ở phường Bình Minh, TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai, cách ga tàu hỏa 12 km về phía Nam.
Vốn được đặt ở vị trí trung tâm TP Lào Cai, Bến xe Lào Cai từ lâu đã gắn bó với người dân TP Lào Cai và khách du lịch trong nước cũng như quốc tế. Ưu thế nổi bật là bến xe có vị trí thuận lợi, hạ tầng giao thông thông thoáng, đối diện với ga Lào Cai và gần khu dân cư. Đặc biệt, với du lịch Lào Cai, bến xe có một vai trò vô cùng quan trọng. Du khách và người dân khi di chuyển bằng phương tiện tàu hỏa, chỉ cần đi bộ một đoạn ngắn đến Bến xe Lào Cai để đến với “thiên đường” du lịch Sa Pa hoặc chỉ mất vài phút đi bộ là tới các điểm du lịch như: Chợ Cốc Lếu, Đền Thượng, cửa khẩu Việt Nam - Trung Quốc Hà Khẩu… nằm cách đó vài trăm mét. “Việc di dời bến xe gây bất tiện, tốn kém chi phí đi lại cho người dân, khách du lịch và chắc chắn tác dụng ngược đối với phát triển du lịch của Lào Cai” - bà Trần Thị P. (ngụ phường Phố Mới, TP Lào Cai) nhận định.
Bến xe Lào Cai có diện tích trên 10.000 m2, với tần suất ra vào khoảng 700 lượt xe/ngày. Hiện tại, mỗi ngày bến xe này chỉ khai thác 25% công suất, với khoảng 170 xe ra vào nên vẫn đáp ứng nhu cầu về vận chuyển hành khách của Lào Cai. Chính vì thế, ngay khi chủ trương buộc di dời bến xe, người dân và các DN vận tải hành khách phản đối quyết liệt.
Doanh nghiệp lo phá sản
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Trọng Hài, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Lào Cai, cho rằng việc di dời Bến xe Lào Cai nhằm tạo tiền đề thúc đẩy sự phát triển về kinh tế, văn hóa, du lịch vốn là thế mạnh của tỉnh trong tương lai. Cụ thể, diện tích bến xe cũ sẽ được quy hoạch thành trung tâm văn hóa tiểu vùng sông Mê Kông do Sở GTVT tỉnh Lào Cai và Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch hợp tác triển khai. “Do vậy, việc di chuyển bến xe cần được triển khai để bảo đảm lộ trình phát triển của tỉnh Lào Cai tới năm 2030” - ông Hài nói.
Tuy nhiên, hầu hết DN vận tải lại phản ứng mạnh mẽ chủ trương trên. Mới đây, 45 DN, HTX hoạt động ở Bến xe Lào Cai cùng ký vào đơn kiến nghị khẩn cấp gửi lãnh đạo tỉnh Lào Cai, đề nghị không di dời bến xe để phục vụ dự án của 2 cơ quan nói trên. Ông Trần Ngọc Phương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Lào Cai, phân tích: “Sau khi xuống ga Lào Cai, người dân, khách du lịch chỉ đi bộ không quá 200 m là vào bến xe để lên Sa Pa. Nếu dời bến xe ra xa 12 km, mỗi người sẽ phải tốn thêm 70.000-80.000 đồng nếu đi xe ôm, trên 100.000 đồng nếu đi taxi. Không chỉ tốn tiền, việc đi lại, thăm thú du lịch của người dân, du khách cũng rất bất tiện”.
Cũng theo ông Phương, việc di chuyển bến xe này hoàn toàn không khoa học, tước quyền tự do kinh doanh của DN. “Rõ ràng ở đây là lợi ích nhóm, chỉ phục vụ cho một DN được giao quản lý bến xe mới này. Lệ phí bến bãi ở bến xe mới đều cao hơn gấp 3-4 lần so với bến xe hiện hữu trong khi giá vé xe thì không được tăng. DN vận tải chỉ có nước phá sản” - ông Phương bất bình. Ông Phương đề nghị sau năm 2030, Lào Cai mới cần tính tới chuyện di dời bến xe còn lúc này là không cần thiết.
Nên đầu tư, nâng cấp
Tổng doanh thu du lịch 6 tháng đầu năm 2015 của tỉnh Lào Cai ước đạt 2.286 tỉ đồng, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2014. Tại đơn kiến nghị gửi lãnh đạo tỉnh Lào Cai, các DN, HTX vận tải cho rằng việc di dời bến xe sẽ ảnh hưởng doanh thu của ngành du lịch tỉnh nhà. Mặt khác, các DN cũng đề nghị lãnh đạo tỉnh Lào Cai thay vì di dời thì nên tổ chức kêu gọi đầu tư, mở rộng và nâng cấp Bến xe Lào Cai lên bến xe loại 1. Khi đó, các DN, HTX trong và ngoài tỉnh Lào Cai có quyền lựa chọn tự do kinh doanh, bình đẳng và đúng pháp luật.
Bình luận (0)