Ngày 20-4, Sở Y tế TP HCM gặp gỡ báo chí để thông tin việc triển khai các hoạt động của ngành y tế về những vấn đề đang là mối lo của cộng đồng.
Sốt xuất huyết tăng gần 90%
Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP, hiện toàn TP có 6.116 ca sốt xuất huyết (SXH) nhập viện, tăng 88% so với cùng kỳ năm 2015. Riêng trong tháng 3, số ca SXH trung bình là 250 ca/tuần. Từ đầu năm đến nay có 1 ca tử vong do SXH ở huyện Hóc Môn. Số ca nhập viện cao so với năm ngoái, tuy nhiên, số ca bệnh giảm đều ở các quận - huyện; các ổ dịch SXH được khống chế. Về bệnh tay chân miệng, giảm 43% so cùng kỳ năm ngoái với số ca nhập viện ghi nhận là 862.
Riêng về vụ một thai phụ nhiễm bệnh do virus Zika tại phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, Sở Y tế cho biết thời hạn theo dõi giám sát đã là 23 ngày, kể từ ngày đầu tiên được phát hiện. Đến hết ngày 21-4, nếu không ghi nhận thêm ca mắc mới thì Sở Y tế tham mưu UBND TP công bố hết dịch tại địa bàn này. Theo bác sĩ Dũng, sức khỏe của thai phụ ổn định, làm việc và sinh hoạt bình thường. “Thai phụ này đang sinh sống, sinh hoạt bình thường tại gia đình và cộng đồng. Giám sát trong vòng một tháng qua cho thấy tại TP chưa phát hiện những ca bệnh tương tự trong cộng đồng” - ông Dũng nói.
Để tăng hiệu quả giám sát công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn, Trung tâm Y tế dự phòng TP và Trung tâm GIS (Sở Khoa học và Công nghệ) phối hợp thực hiện dự án GIS - dự án ứng dụng hệ thống định vị toàn cầu nhằm thể hiện các ca bệnh truyền nhiễm trên bản đồ, giúp nhanh chóng khoanh vùng ổ dịch, góp phần lập kế hoạch chống dịch kịp thời, chính xác. Dự án được triển khai thí điểm tại 6 trạm y tế phường của 3 quận, gồm: phường Linh Trung và Linh Xuân (quận Thủ Đức), phường 4 và 5 (quận 8), phường Tây Thạnh và Phú Thạnh (quận Tân Phú).
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho hay hiện TP vẫn tiếp tục chiến dịch truyền thông diệt muỗi, diệt lăng quăng, kiểm soát điểm nguy cơ; truyền thông đối với những hộ có thai phụ trong phạm vi ổ dịch Zika và tư vấn cho thai phụ tại những phòng khám thai. “Các địa phương tăng cường giải pháp phòng chống dịch bệnh; nhắc nhở, thậm chí có biện pháp chế tài, để người dân diệt lăng quăng” - ông Hưng nhấn mạnh.
Ngăn chặn nỗi lo về thực phẩm
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục An toàn thực phẩm TP, hiện nay, một số vấn đề liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm đang là nỗi lo lắng, bức xúc trong cộng đồng. Nổi cộm như sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; mức tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả; tồn dư hóa chất, kháng sinh trong thịt heo, gà, thủy sản nuôi... Để góp phần ngăn chặn tình trạng này, ngành y tế đang đẩy mạnh thanh - kiểm tra cấp TP. Một trong những hoạt động khác là triển khai Tháng hành động về an toàn vệ sinh thực phẩm (từ ngày 15-4 đến 15-5). Với chủ đề “Tiếp tục tăng cường sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn” trên toàn TP, hoạt động này đẩy mạnh chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức trách nhiệm của nhà quản lý, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong việc bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, Sở Y tế sẽ phối hợp với các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Công an cùng các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh - kiểm tra bảo đảm an toàn thực phẩm rau, thịt tại các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, nhập khẩu, lưu thông, buôn bán thực phẩm; đặc biệt là các chợ đầu mối nhằm giảm thiểu ngộ độc từ rau, thịt mất an toàn thực phẩm hiện nay.
Chiều 20-4, cơ quan chức năng TP Hà Nội đã thu giữ của một doanh nghiệp kinh doanh thực thẩm trên 2 tấn xúc xích có dấu hiệu sử dụng chất phụ gia không đúng với quy định của Bộ Y tế.
Chủ động tầm soát chất độc hại trong rau, thịt
Đó là yêu cầu của Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thị Thu tại buổi phát động Tháng hành động về an toàn vệ sinh thực phẩm với chủ đề “Tiếp tục tăng cường sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn” diễn ra ngày 20-4 ở huyện Củ Chi.
Theo đó, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung lấy mẫu giám sát sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau quả nhằm đề ra các giải pháp quản lý phù hợp. Đồng thời, các cơ quan liên quan tăng cường quản lý, kiểm tra an toàn thực phẩm trên địa bàn; khi phát hiện vi phạm phải xử lý công bằng, nghiêm minh và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ng.Ánh
Bình luận (0)