Một đôi nam nữ người nước ngoài băng qua đường, bất ngờ cô gái co rúm, hai tay ôm mặt sợ hãi khi nhìn thấy cái xác khô héo, nham nhở của con vật. Có vẻ như cảm giác khó chịu hay sợ hãi là phản ứng đầu tiên thường gặp của khách nước ngoài đối với rác rưởi ở Việt Nam.
Không có gì ngạc nhiên khi cô gái nước ngoài hoảng hốt vì suýt nữa đạp lên xác con vật chuyên gặm nhấm vốn có thể lây truyền hàng chục loại bệnh nguy hiểm, trong đó có bệnh dịch hạch từng ba lần bùng nổ thành đại dịch thế giới và số người chết vì bệnh này lên tới hàng trăm triệu. Xem ra, phản ứng của cô gái thể hiện sự nhạy cảm tự nhiên với loại “rác độc”. Không phản ứng như vậy mới là lạ!
Nhớ lại cách đây khoảng 20 ngày, Oksana Pavlova, một nữ du khách Nga, đã đánh động dư luận khi đăng trên trang Facebook cá nhân hình ảnh một bãi biển tràn ngập rác mà cô xác định là tại Mũi Né (Phan Thiết, Bình Thuận). Qua những dòng chia sẻ chân thành, Oksana Pavlova mong muốn các cơ quan chức năng Việt Nam can thiệp để sớm trả lại sự sạch sẽ, trong lành cho bãi biển này.
Dấn thân và tận tụy trong các hoạt động làm sạch môi trường ở Hà Nội, James Joseph Kendall, giáo viên Anh văn người Mỹ, là một hình ảnh khác gây ấn tượng đặc biệt. Từ việc khởi xướng nhóm “Vì Hà Nội sạch”, ông đã thu hút nhiều người cùng tham gia dọn rác và nâng cao ý thức của người dân trong việc gìn giữ môi trường sống thủ đô, được nhiều người gọi bằng cái tên thân thương là “Ông Tây dọn rác”.
Trong khi lời nói, hành động thiện ý của một số người bạn nước ngoài có giá trị như những chiếc gương soi thì chính những người có trách nhiệm nêu gương ở các địa phương (nơi có biển, sông, hồ, kênh, rạch) lại không cho thấy rõ điều đó.
Hãy xem, dưới ống kính của truyền thông, không ít bãi biển đẹp có tiếng của Việt Nam gần đây hiện ra vô cùng nhếch nhác khiến người xem phải bất ngờ, nhăn mặt. Trên một số bãi biển, có nơi người ta đổ xuống đủ loại rác, kể cả xác động vật, trong khi bên cạnh đó là hàng trăm người đang vô tư lặn hụp, chơi đùa!
Bộ mặt đường phố, kênh rạch và các địa điểm diễn ra lễ hội cũng không khá hơn. Mọi nỗ lực của cộng đồng, xã hội vẫn tiếp tục bị phớt lờ, thách thức. Rác vẫn la liệt, ngổn ngang ngay ở những nơi mà sự cấm đoán tỏ ra quyết liệt nhất! Dường như, tâm lý “tiểu nông” cùng với một trong nhiều biểu hiện của nó là thói quen bạ đâu vứt đấy vẫn chưa thay đổi bao nhiêu theo dòng phát triển. Và thật bất hạnh, thói quen đó lại trở thành một “thương hiệu” nổi bật của rất nhiều người Việt.
Việt Nam đã là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế. Việc tập trung phát triển và hội nhập vào dòng chảy của nền văn minh thế giới đòi hỏi loại bỏ những tác nhân trì kéo. Ông Tây hay những người bạn nước ngoài tham gia dọn rác là một nét đẹp đáng ghi nhận nhưng chính chúng ta phải là những người chủ động và tự giác dọn sạch rác vì tương lai đất nước mình.
Bình luận (0)