Sáng 13-2, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trần Hùng, Giám đốc Trung tâm quản lý di tích tỉnh Đắk Lắk (Sở VH-TT-DL tỉnh Đắk Lắk), cho biết cơ quan chức năng tỉnh này đang đề nghị Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam vào cuộc cứu chữa 1 trong 2 cây long não nằm trong quần thể di tích lịch sử Biệt điện Bảo Đại (số 4 Nguyễn Du, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk).
Bất lực nhìn cây di sản chết dần
Trước đó, tháng 6-2016, cây long não này bắt đầu héo lá khô một số cành nên trung tâm bảo tồn di tích đề xuất hướng xử lý lên cơ quan chức năng. Sau khi tham khảo ý kiến của các nhà khoa học, được sự đồng ý của UBND tỉnh Đắk Lắk, Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam và nhiều cơ quan chức năng khác, đơn vị quản lý cây xanh đã cưa bỏ các nhánh bị bệnh để tránh lây lan.
Tuy nhiên, cây long não vẫn tiếp tục chết dần, hiện chỉ còn 2 nhánh. Theo ông Hùng, kết quả nghiên cứu cho thấy cây long lão chết do nhiều loại nấm, trong đó có 1 loại chưa xác định được tên. “Cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk cũng đã tiến hành nhiều biện pháp cứu chữa cho cây long não nhưng không có kết quả. Do đó, chúng tôi sẽ đề nghị Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường vào cuộc tìm cách cứu chữa” - ông Hùng cho biết thêm.
Cuối tháng 12-2014, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tổ chức Lễ công nhận Cây di sản Việt Nam cho 2 cây long não. Hai cây này được trồng đối xứng trước cổng vào Biệt điện Bảo Đại từ những năm 1930. Khi công nhận cây di sản, 2 cây này có đường kính khoảng 2,5m, cao gần 30m, có nhiều cành to, dài, tán lá rất rộng.
Bình luận (0)