xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bất lực với xe quá tải

ĐỨC NGỌC - TRẦN THƯỜNG - XUÂN HOÀNG

Để hạn chế tai nạn giao thông, đường sá xuống cấp do xe quá tải, quá khổ gây ra, các bộ - ngành đã đề ra nhiều giải pháp nhưng vẫn không kiểm soát nổi những “ hung thần” này

Một giải pháp được cho là hiệu quả để kiểm soát xe quá tải là lắp đặt trạm cân di động trên các tuyến quốc lộ mà Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang triển khai, thế nhưng, do làm không đồng bộ cùng với sự “buông lỏng” của lực lượng chức năng nên xe quá tải vẫn rầm rập trên đường.

Hà Tĩnh: Xếp hàng, phá trạm

Hiện bình quân mỗi ngày trên Quốc lộ 1A đoạn qua huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh có khoảng 840 xe tải loại 3 trục, 2.808 xe tải trên 4 trục lưu thông. Trong các xe này có rất nhiều xe chở quá khổ, quá tải, đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hư hỏng đường sá và mất an toàn giao thông. Cuối tháng 7, Khu Quản lý đường bộ 4 thuộc Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT) phối hợp với Công an tỉnh Hà Tĩnh, Sở GTVT Hà Tĩnh lập trạm cân điện tử di động tại ngã ba đường tránh thuộc xã Cẩm Vịnh (huyện Cẩm Xuyên). Ngày đầu ra quân, lực lượng liên ngành đã cân 70 xe và phát hiện đến 55 xe chở quá tải. Ngay sau khi biết thông tin có trạm cân điện tử đặt ngay ngã ba đường tránh, hàng loạt xe tải đã tấp vào hai bên đường nằm chờ thời cơ vượt trạm. Trong khoảng thời gian từ 21-23 giờ hằng ngày, các xe này nối đuôi nhau ồ ạt vượt trạm trước sự bất lực của lực lượng chức năng. Sau đó, trạm cân này buộc phải dừng hoạt động vì không hiệu quả.
img
Tình trạng xe quá tải lách trạm cân Dầu Giây (Đồng Nai), phá nát đường khu dân cư đã diễn ra từ lâu
nhưng chưa được ngăn chặn Ảnh: XUÂN HOÀNG

Trước tình hình trên, ngày 13-8, Bộ GTVT có văn bản đề nghị tỉnh Hà Tĩnh quyết liệt chỉ đạo Sở GTVT, Công an tỉnh chủ động thực hiện theo thẩm quyền; nghiên cứu vị trí đặt lại trạm cân cho phù hợp, bảo đảm kiểm tra được tất cả các xe vận chuyển hàng hóa lưu thông hai chiều; kiên quyết dỡ tải xe vi phạm mới cho tiếp tục vận chuyển. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, hiện hằng ngày trên Quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh vẫn có hàng trăm xe quá khổ, quá tải ung dung trên đường.

Đà Nẵng: Né ngày, chạy đêm

Thời gian gần đây, khi lực lượng chức năng TP Đà Nẵng ra quân chốt chặn, kiểm tra, xử lý sai phạm của xe ben chở đất đá quá tải, làm rơi vãi trên các tuyến đường thì cánh tài xế lại chuyển hoạt động sang ban đêm.

Ngày 19-8, lực lượng Thanh tra Sở GTVT tổ chức chốt chặn tại khu vực cầu Nguyễn Tri Phương, trên các tuyến đường Cách Mạng Tháng Tám, Trường Sơn để kiểm tra, xử lý xe chở đất đá quá tải. Tuy nhiên, cả ngày chỉ xử lý được vài trường hợp bởi hầu hết cánh tài xế cho xe “thúc thủ” trong mỏ đất hoặc cho xe nằm dài trên các ngả đường để tránh bị kiểm tra, xử lý.

Theo ghi nhận của chúng tôi, trong ngày 19-8, trên các tuyến đường Cách Mạng Tháng Tám (gần đầu cầu Nguyễn Tri Phương), hàng chục xe ben chở đất đầy ắp nối đuôi nhau đậu đỗ dưới lòng đường để “nghe ngóng” thông tin. Còn dọc đường Trường Sơn, bên trong khu vực Trường bắn 327 (thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 5) cũng có khá nhiều xe ben chở đất đá nằm xếp hàng dài, tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng.

Khi trời vừa tối, thấy lực lượng chức năng ra về, các đoàn xe bắt đầu nối đuôi nhau chạy lên cầu Nguyễn Tri Phương xuôi về đường Võ Chí Công để đổ đất cho các công trình xây dựng. Dọc tuyến đường Cách Mạng Tháng Tám, xe ben chở đất hoạt động rầm rộ, bụi bay mù trời. Cả tuyến đường Trường Sơn, đoạn từ Trường bắn 327 đến cầu vượt Hòa Cầm, ngập chìm trong bụi bẩn.

Ông Nguyễn Trung Nghĩa, Chánh Thanh tra Sở GTVT TP Đà Nẵng, cho biết cuối tháng 7, khi đưa vào hoạt động 2 trạm cân tự động, đến nay, lực lượng chức năng phát hiện hàng trăm xe quá tải, quá khổ. Việc kiểm tra xe quá tải được thanh tra sở phối hợp với lực lượng CSGT tổ chức thường xuyên. Tuy nhiên, thời gian gần đây, ban ngày tổ chức lực lượng trực đầy đủ thì các xe bắt đầu “né”, còn ban đêm thì không phải đêm nào cũng trực bởi lực lượng mỏng. “Khi thanh tra giao thông và CSGT ra quân, họ lại tìm cách trốn hết nên rất khó xử lý triệt để” - ông Nghĩa nói.

Đồng Nai: Nhiều năm không thay đổi

Tại Đồng Nai, tình trạng xe quá tải, quá khổ vẫn hoạt động rầm rộ với đủ chiêu thức, thậm chí dư luận còn nghiêng về những nhận định cho rằng để xảy ra tình hình này là do sự “bất minh” từ cơ quan chức năng. Đã rất nhiều lần báo chí lên tiếng về sự “mập mờ”, có dấu hiệu xử lý không nghiêm nhưng rồi đâu vẫn vào đó.

Theo ghi nhận của chúng tôi, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, từ Quốc lộ 1, 20, 51, 1K đến các con đường nhánh, tỉnh lộ, tình trạng xe tải, xe ben quá tải vẫn ung dung lưu thông. Thậm chí có những khu vực, các loại “hung thần” này còn tung hoành ồ ạt, phá nát nhiều con đường trong khu dân cư, biến đường thành “ao” khi trời mưa và nắng thì bụi mịt mù. Trên Quốc lộ 1K (giáp ranh tỉnh Bình Dương và Đồng Nai), khu vực thuộc xã Hóa An, TP Biên Hòa, mặc dù các mỏ đá tại đây không còn ở thời khai thác cao điểm nhưng xe ben chở đất, đá vẫn “đại náo” cả ngày lẫn đêm khiến người dân mất ăn mất ngủ. Trên Quốc lộ 51 (nối tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu), nhiều xe container nhập hàng từ các bến, thùng xe được cơi nới, hàng chất cao thành ngọn vẫn ung dung chạy.

Gây bức xúc nhất trong dư luận nhiều năm qua vẫn là tình trạng xe quá tải tung hoành trắng trợn tại khu vực trạm cân Dầu Giây (huyện Trảng Bom). Tại đây diễn ra tình trạng xe chở quá tải ồ ạt tìm cách “lách” trạm khiến các con đường trong khu dân cư, trong đó có Tỉnh lộ 769, đường liên xã Đồi 61, đường Sông Trầu - Cây Gáo, tan nát. Hiện tượng gây mất lòng tin với người dân, nhất là việc các xe quá tải với “chiêu thức” bò qua trạm cân Dầu Giây hoặc thậm chí xuất hiện cả “cò” dẫn đường để các xe này tìm cách “lách” trạm. Chiều 18-8, chúng tôi chứng kiến hàng loạt xe có dấu hiệu quá tải dùng chiêu thức nhích từng chút một để vô hiệu hóa bàn cân tĩnh, lách qua trạm cân Dầu Giây.

Vượt trạm này phải chặn bắt ở trạm khác

Ông Dương Văn Minh, Phó Giám đốc Khu Quản lý đường bộ 4 (Tổng cục Đường bộ - Bộ GTVT), cho rằng việc lập các trạm cân phải thực hiện đồng loạt ở nhiều tỉnh trên các tuyến quốc lộ, có như vậy tài xế, doanh nghiệp vận tải mới không dám chở hàng quá tải. “Cần công bố đường dây nóng giữa các tỉnh với nhau, nếu xe nào cố tình vượt trạm thì liên lạc ngay với tỉnh lân cận để chặn bắt, xử lý” - ông Minh nói.
Đ.Ngọc

Phải chặn tiêu cực trong lực lượng công vụ
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng việc triển khai hệ thống cân di động, có sự phối hợp giữa lực lượng CSGT, thanh tra giao thông là rất tốt nhưng để “trị” được xe quá tải là điều không dễ. Bên cạnh đó, việc Bộ GTVT vừa thông qua đề án xây dựng hệ thống trạm cân hoành tráng trên cả nước cũng tạo ra rất nhiều ý kiến lo ngại. “Chúng tôi đã kiến nghị Bộ GTVT nên đặt các trạm cân ngay tại điểm đầu xuất hiện hàng hóa là các cảng biển, KCN-KCX, kho hàng lớn, nhà ga xe lửa,… như các nước trên thế giới đang làm nhưng họ không tiếp thu. Câu chuyện tiêu cực tại các trạm cân đã có rất nhiều trong quá khứ và gần đây nhất là việc khôi phục thực hiện thí điểm hai trạm cân cố định Dầu Giây (Đồng Nai) và Quốc lộ 18 (Quảng Ninh). Chưa rút kinh nghiệm tổng kết tại 2 trạm này như thế nào mà đã định triển khai rộng với số vốn đầu tư lớn thì rất đáng lo ngại” - ông Thanh nói.
img
Sáng 18-8, một xe có dấu hiệu chở quá tải lưu thông trên Quốc lộ 1 (khu vực Dầu Giây, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) qua chốt CSGT đang làm nhiệm vụ nhưng không bị kiểm tra, xử lý.
Trong khi đó, CSGT liên tục chặn dừng xe gắn máy. Ảnh:
XUÂN HOÀNG

Theo ông Thanh, ngoài việc “luồng lách” của các chủ hàng, chủ phương tiện còn có nạn bảo kê của lực lượng thực thi công vụ. “Họ thông báo trước cho chủ hàng thời gian, địa điểm tổ chức cân trọng tải hoặc các cách để né trạm nên khó mà triệt được xe quá tải” - ông Thanh nói.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 24-8, ông Nguyễn Đức Thắng, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT), thừa nhận tình trạng xe quá tải né trạm cân đang diễn ra là do lực lượng công vụ các địa phương phối hợp chưa tốt. Theo kế hoạch, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ mua 67 trạm cân di động (tổng mức đầu tư trên 170 tỉ đồng) để trang bị cho lực lượng kiểm soát trên hệ thống đường quốc lộ, điểm nóng về vi phạm chở quá tải trọng. Tổng cục cũng đang thực hiện đề án xây dựng hàng chục trạm cân cố định khắp cả nước, tuy nhiên, đề án này đang gặp khó khăn về vốn. “Sự thành công của trạm cân di động hay cố định trong việc kiểm soát xe quá tải phụ thuộc rất lớn vào ý thức của người thực thi công vụ. Nếu ý thức công vụ không được nâng cao thì có đặt hàng ngàn trạm cân cũng vô nghĩa” - ông Thắng nói.

Thế Kha

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo